6 động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam

03/04/2019 07:23
Kiến Văn
(GDVN) - Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc triển khai Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh.

Vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại cuộc họp thường kỳ vào ngày 2/4/2019.

Kinh tế xã hội tiếp tục có nhiều kết quả tích cực, trong đó tổng cầu tiếp tục tăng mạnh và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,5 triệu lượt, tăng 7%.

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tháng 3/3019 ước đạt 22,40 tỷ USD, tăng 61,1%, đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7%; 3 tháng đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7%. Xuất siêu 1,56 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%. Thu hút FDI là điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I với nhiều dự án lớn, chất lượng tốt. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD tăng 30,9% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD tăng 6,2%.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt trên 43,5 nghìn doanh nghiệp (trong đó số doanh nghiệp thành lập mới đạt 28.451 doanh nghiệp, tăng 6,2%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt trên 15.000 doanh nghiệp).

Đời sống dân cư nhìn chung ổn định, thiếu đói trong dân giảm đáng kể (Quý I/2019 cả nước có 28,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2018). Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 2,17%.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội cũng nổi lên một số vấn đề đáng lưu ý. Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, vốn từ ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với quý I/2018. Vốn trung ương quản lý giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực nông nghiệp gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi, tình hình hạn hán ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm, đặc biệt lúa, cá tra, tiêu, điều, cà phê…

Lạm phát chịu áp lực khá lớn từ diễn biến giá dầu thế giới, dịch tả lợn... Khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng chậm lại (công nghiệp và xây dựng tăng 8,63% - cùng kỳ năm 2018 tăng 9,70%; dịch vụ tăng 6,5% - cùng kỳ năm 2018 tăng 6,70%). Tín dụng tăng trưởng thấp, hết quý I mới tăng 2,38%.

Việc thực thi Luật Quy hoạch tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhiều quy hoạch hết hiệu lực, quy hoạch tích hợp mới chưa ban hành và dự báo còn mất nhiều thời gian để hoàn thiện, ban hành các quy hoạch tích hợp này.

Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, tình trạng biến tướng điều kiện kinh doanh cần được theo dõi kịp thời, một số văn bản chưa sát thực tế, khó thực hiện, tình trạng nợ đọng văn bản vẫn còn.

Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố cho thấy bên cạnh những điểm tiến bộ về môi trường kinh doanh thì còn nhiều vấn đề như chi phí không chính thức, chậm trễ, trì trệ còn xuất hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành. Chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao...

Việc triển khai Nghị quyết 01, 02 tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, nhiều nơi chưa triển khai giải pháp cụ thể. Việc triển khai các giải pháp thúc đẩy các lĩnh vực mới của nền kinh tế như kinh tế số, kinh tế chia sẻ còn chậm. Một số chủ trương mới liên quan tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như phát triển thanh toán điện tử, thúc đẩy khởi nghiệp còn nhiều vấn đề đặt ra.

Về tình hình thời gian tới, các ý kiến nhận định kinh tế thế giới dự báo gặp nhiều khó khăn, hầu hết các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. Tính bất trắc khó lường của tình hình thế giới tăng lên với các diễn biến mới trong quan hệ quốc tế.

Trung Quốc vừa thông qua luật đầu tư nước ngoài cởi mở hơn, thông thoáng hơn, do đó sức ép cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài có thể sẽ tăng lên.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc triển khai Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc triển khai Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, cơ quan địa phương nghiêm túc triển khai Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019 vừa được ban hành.

Tinh thần là kiên định thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, trong đó tăng trưởng GDP đạt 6,8%, lạm phát dưới 4%.

Thủ tướng nhấn mạnh 6 động lực cho phát triển kinh tế trong thời gian tới: Một là là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản;

Hai là tăng cường tận dụng cơ hội từ CPTPP và đa dạng hóa các thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu;

Ba là thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo, theo dõi, bám sát hoạt động của các doanh nghiệp, các dự án lớn để tháo gỡ vướng mắc kịp thời hơn;

Bốn là đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là lĩnh vực logistics, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, ngành du lịch phấn đấu đạt chỉ tiêu lượng khách quốc tế đã đề ra;

Năm là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, bảo đảm đủ vốn sản xuất kinh doanh, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, nghiên cứu tiếp tục giảm lãi suất; sáu là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, đây là giải pháp quan trọng nhất.

Công tác điều hành ổn định kinh tế vĩ mô cần được chú trọng hơn bao giờ hết, nhất là với các ngành, các địa phương trọng điểm.

Cần đặc biệt lưu ý việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, nhất là các Bộ có số vốn rất lớn như Bộ Giao thông vận tải. Tinh thần là phải giải ngân mọi nguồn lực đúng quy định, nếu giải ngân đúng thì tăng trưởng sẽ rất lớn.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, sử dụng công nghệ trong quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền điện tử. Đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; tái cơ cấu ngân sách nhà nước... Tổ công tác của Thủ tướng tăng cường giám sát, đôn đốc các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan, địa phương.

Kiến Văn