6 nhiệm vụ đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

18/09/2013 07:10
Theo HHT/GTVT
(GDVN) -Ngày 18/9/2013, Ban Bí thư T.Ư Ðảng đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với 6 nhiệm vụ cụ thể.

Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, công tác ATLĐ - VSLĐ đã được Ðảng, Nhà nước, các doanh nghiệp quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa nêu cao trách nhiệm, vi phạm các quy định pháp luật về tác ATLĐ - VSLĐ. Phần lớn người lao động còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chưa thực hiện đúng quy định về khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Tình trạng mất ATLĐ - VSLĐ trong các cơ quan, doanh nghiệp, khu vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề xảy ra khá phổ biến; tai nạn lao động, người bị tai nạn, người mắc bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng. Trong đó, có nhiều vụ nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho người lao động và xã hội.

Tập huấn an toàn lao động ở PV GAS
Tập huấn an toàn lao động ở PV GAS

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên có yếu tố khách quan, nhưng chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan và người dân về ATLĐ - VSLĐ chưa đầy đủ.

Công tác tuyên truyền, giáo dục còn mang tính hình thức, thiên về đưa tin các vụ việc, thiếu biện pháp cảnh báo, phòng ngừa. Hệ thống pháp luật về ATLĐ - VSLĐ còn thiếu, chưa đồng bộ; một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu tính khả thi; nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn không còn phù hợp, chậm được sửa đổi.

Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước phân tán, thiếu sự phối hợp, hiệu quả thấp. Năng lực, trình độ cán bộ làm công tác này còn nhiều hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về ATLĐ - VSLĐ còn thiếu thường xuyên, chưa đủ sức răn đe. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ về ATLĐ - VSLĐ chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều tổ chức đại diện người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, hội nghề nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng cường chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Ban Bí thư đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

 Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm ATLĐ - VSLĐ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức và doanh nghiệp cần xác định công tác ATLĐ - VSLĐ là nhiệm vụ quan trọng và đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm. Gắn công tác ATLĐ - VSLĐ với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ban hành các tiêu chí, chuẩn mực về ATLĐ - VSLĐ trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, cần ưu tiên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm về ATLĐ - VSLĐ đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Tăng cường công tác phổ biến kinh nghiệm, phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp và toàn xã hội. Khắc phục triệt để tình trạng người sử dụng lao động vi phạm các quy định, không thực hiện trách nhiệm bảo đảm ATLĐ - VSLĐ cho cho người lao động và việc người lao động mới chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập mà xem nhẹ bảo đảm ATLĐ - VSLĐ cho chính mình

 Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng ngừa tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động.Đưa nội dung ATLĐ - VSLĐ vào chương trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học. Các cơ sở đào tạo, giáo dục, đặc biệt là đào tạo nghề, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có biện pháp lồng ghép giữa việc đào tạo kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề với việc nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý rủi ro, bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động.

Một buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy
Một buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy
Gắn công tác đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bảo đảm vệ sinh lao động với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho bộ đội phục viên, xuất ngũ.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị bảo đảm ATLĐ - VSLĐ, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động. Chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động, đặc biệt là trong những ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATLĐ - VSLĐ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATLĐ - VSLĐ phù hợp với các quy định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nâng cao hiệu quả hoạt động, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức công đoàn, các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện ATLĐ - VSLĐ ; công tác giám định và thực hiện các chính sách khắc phục hậu quả tai nạn lao động. Phát động phong trào quần chúng xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe người lao động, thường xuyên khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Củng cố và hoàn thiện các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động cho người lao động. Huy động nguồn lực xã hội tham gia vào việc bảo đảm ATLĐ - VSLĐ; mở rộng các hình thức bảo hiểm, bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp linh hoạt theo ngành, lĩnh vực.5- Đổi mới cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác ATLĐ - VSLĐ. 

Đổi mới cơ chế, chính sách trong công tác ATLĐ - VSLĐ  theo hướng ưu tiên cho các hoạt động phòng ngừa, quản lý rủi ro, làm rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đầu tư cho công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Chú ý có chính sách bồi dưỡng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cơ chế đầu tư cho hoạt động phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, bảo đảm công bằng và cuộc sống cho người bị nạn và thân nhân.

Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về ATLĐ - VSLĐ. Tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại trong khuôn khổ khu vực ASEAN và quốc tế; coi trọng việc tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về ATLĐ - VSLĐ. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tiếp cận, ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của các nước để đảm bảo ngày càng tốt hơn công tác ATLĐ - VSLĐ ở trong nước. Tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, tiến tới chủ động đảm bảo ATLĐ - VSLĐ trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong nước; từng bước hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia đối với một số nước trong khu vực ASEAN./.

Theo HHT/GTVT