8 chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 11/2015

30/10/2015 10:41
Ngọc Quang
(GDVN) - Vi phạm trong dạy nghề bị phạt tới 150 triệu đồng; Vi phạm trong lĩnh vực lao động bị phát tới 60 triệu đồng; Nhiều đối tượng được hỗ trợ đào dưới 3 tháng...

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề bị phát tới 150 triệu đồng

Nghị  định số 79/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/09/2015 có hiệu lực từ ngày 1/11/2015, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp/

Theo đó, vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp bị phạt từ 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Bị thu hồi, buộc tiêu hủy quyết định thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bị phạt từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Vi phạm quy định về quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị phạt từ 3 triệu đồng tới 15 triệu đồng. Vi phạm tuyển sinh đào tạo bị phạt từ 300 nghìn đồng đến 20 triệu đồng. Buộc hủy bỏ kết quả trúng tuyển hoặc quyết định trúng tuyển đối với hành vi vi phạm và buộc trả cho người học các khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm. Nếu không xác định được học để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Nghị định cũng nói rõ, quy định phạt tiền cao nhất đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.

Vi phạm quy định dạy nghề bị phạt tới 75 triệu đồng với cá nhân, 150 triệu đồng với tổ chức. ảnh: Năng lượng mới.
Vi phạm quy định dạy nghề bị phạt tới 75 triệu đồng với cá nhân, 150 triệu đồng với tổ chức. ảnh: Năng lượng mới.

Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng

Có hiệu lực từ 1/1/2016, Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, gồm: Hỗ trợ chi phí đào tạo; hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Đối tượng áp dụng là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, la động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thay đổi chế độ bồi dưỡng đối với Trợ giúp viên pháp lý

Nghị định số 80/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 5/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số  điều của Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý. Những quy định mới này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2015.

Theo Nghị định số 80/2015/NĐ-CP, khi tham gia tố tụng Trợ giúp viên pháp lý được hưởng chế độ bồi dưỡng vụ việc bằng 40% mức bồi dưỡng áp dụng đối với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước.

Còn khi thực hiện đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, Trợ giúp viên pháp lý được hưởng chế độ bồi dưỡng vụ việc bằng 20% mức bồi dưỡng áp dụng đối với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước.

Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Theo Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/9/2015 quy định miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam có hiệu lực từ 15/11/2015.

Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hiệu lực từ 15/11. ảnh: Báo Giao thông.
Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hiệu lực từ 15/11. ảnh: Báo Giao thông.

Theo đó, người Việt Nam định cư  ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam muốn được miễn thị thực phải đảm bảo các điều kiện:

Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị ít nhất 1 năm; có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam; không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh và tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 21 và Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nhiều chính sách cho lao động nữ

Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 1/10/2015 có hiệu lực từ ngày 15/11/2015, quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ gồm:

8 chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 11/2015 ảnh 3

Tham nhũng lớn nhằm "hy sinh đời bố củng cố đời con"

Đại diện của lao động nữ; quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai;

Giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo; tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ và chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động.

Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động

Nghị  định 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ 25/11/2015.

Theo đó, phạt tiền từ 45 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc giấy phép hết hạn.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp bị buộc phải trả lại người lao động khoản phí dịch vụ việc làm đã thu cao hơn mức quy định đối với hành vi vi phạm.

Trường hợp vi phạm về tuyển, quản lý lao động thì mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng. Mức phạt cao nhất là 10 triệu đồng áp dụng với hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động.

Vi phạm về quy định giao kết hợp đồng lao động không đúng với quy định của pháp luật, mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 25 triệu đồng.

Chế độ ăn, nghỉ lao động trong ngày Lễ, Tết của phạm nhân

Nghị định 90/2015/NĐ-CP 13/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt chăm sóc y tế đối với phạm nhân có hiệu lực từ 27/11/2015.

Theo đó, về chế độ ăn, theo Khoản 1 Điều 42 Luật Thi hành án hình sự, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, chất đốt.

Đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật, thì định lượng ăn được tăng thêm. Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, phạm nhân được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

Bồi dưỡng cán bộ Công an quản lý, giáo dục đối tượng nhiễm HIV/AIDS

Ngày 16/09/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 43/2015/QĐ-TTg quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, khám chữa bệnh với đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS có hiệu lực từ 1/11/2015.

Theo đó, mức bồi dưỡng 500 nghìn đồng/người/tháng được áp dụng với: Cán bộ y tế, trinh sát, trực trại, trực cơ sở, khám xét, giáo dục, giáo vụ, quản giáo, cảnh sát bảo vệ - cơ động tại các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và nhà tạm giữ; giáo viên dạy văn hóa, giáo viên chủ nhiệm lớp trong các trường giáo dưỡng thuộc lực lượng Công an nhân dân.

Mức bồi dưỡng 400 nghìn đồng/người/tháng áp dụng với: Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Trưởng phân khu, Phó Trưởng phân khu, Trưởng phân hiệu, Phó Trưởng phân hiệu; Đội trưởng, Phó Đội trưởng và các chức danh tương đương; cán bộ, chiến sĩ đảm nhiệm các công việc còn lại tại các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và nhà tạm giữ.

Ngọc Quang