850 triệu EUR vốn tài trợ cho tuyến metro số 5 ở TP Hồ Chí Minh

13/09/2013 14:31
Ngọc Luân
C(GDVN) - Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng châu Âu và Chính phủ Tây Ban Nha đã thống nhất cùng góp 850 triệu EUR, tài trợ vốn giúp TP. HCM triển khai dự án tuyến metro số 5. Đây là tuyến metro thứ 3 của thành phố tìm được nhà tài trợ vốn.

Sáng nay, ngày 13/9/2013, thông tin từ ông Nguyễn Văn Quốc - Phó Ban quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) cho PV Giáo dục Việt Nam biết, các ngân hàng tài trợ vốn đầu tư Dự án Xây dựng tuyến metro số 5 (từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Bảy Hiền, giai đoạn 1) đã thẩm tra lại lần cuối và thống nhất góp 850 triệu EUR để xây dựng tuyến này.

Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) góp 500 triệu USD, Ngân hàng châu Âu EIB góp 150 triệu EUR và Chính phủ Tây Ban Nha góp 200 triệu EUR, còn lại là vốn đối ứng trong nước.

Sơ đồ quy hoạch dự án metro của TP. HCM, trong đó, tuyến metro số 5 có màu tím
Sơ đồ quy hoạch dự án metro của TP. HCM, trong đó, tuyến metro số 5 có màu tím 

Theo ông Quốc, hiện vẫn chưa có số vốn cụ thể của từng nhà tài trợ, tuy nhiên theo kế hoạch, Ngân hàng ADB sẽ góp vốn 330 triệu Euro, Ngân hàng Châu Âu EIB là 150 triệu Euro và Chính phủ Tây Ban Nha 200 triệu Euro, phần còn lại là vốn đối ứng trong nước về đền bù giải tỏa và tái định cư.

“Trước đây Chính phủ Tây Ban Nha đã cam kết là sẽ tài trợ 500 triệu euro cho dự án này (ODA), nhưng gần đây phải rút xuống 200 triệu euro do thị trường quốc gia này gặp khó khăn tài chính. Vì vậy, MAUR phải huy động vốn từ các nguồn khác để thực hiện dự án này” - Phó Ban quản lý đường sắt đô thị TP. HCM – giải thích.

Mô hình nhà ga metro ngầm kết hợp trung tâm thương mại mà thành phố sẽ có trong tương lai
Mô hình nhà ga metro ngầm kết hợp trung tâm thương mại mà thành phố sẽ có trong tương lai 

Toàn tuyến metro số 5 có chiều dài hơn 23 km, nối cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) và bến xe Cần Giộc mới (huyện Bình Chánh). Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài gần 9 km, từ Ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn, trong đó gần 7 km là đi ngầm qua 7 ga dừng. Giai đoạn 2 là từ Ngã tư Bảy Hiền về Bến xe Cần Giuộc mới, hiện vẫn đang tìm vốn.

Được biết, trước đó vào cuối tháng 3/2013, UBND TP. HCM đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp đăng ký với ADB đưa dự án này vào kế hoạch tài chính 2014 – 2016. Song song đó, cơ cấu của tổng nguồn vốn dành cho dự án cũng được đề xuất thay đổi, trong đó phần vốn đối ứng của thành phố là hơn 127 triệu euro.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, hiện vẫn chưa có số vốn cụ thể của từng nhà tài trợ, tuy nhiên theo kế hoạch, Ngân hàng ADB sẽ góp vốn 330 triệu Euro, Ngân hàng Châu Âu EIB là 150 triệu Euro và Chính phủ Tây Ban Nha 200 triệu Euro, phần còn lại là vốn đối ứng trong nước về đền bù giải tỏa và tái định cư.

Diện mạo tương lai khu vực phía Đông của thành phố khi hoàn thành dự án metro
Diện mạo tương lai khu vực phía Đông của thành phố khi hoàn thành dự án metro 

Như vậy, cho đến nay hệ thống metro ở TP. HCM đã có 3 tuyến đủ vốn đầu tư là tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang tiến hành thi công giai đoạn đầu; tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dự kiến khởi công năm 2014 và mới đây là tuyến metro số 5, dự kiến khởi công vào năm 2015. Riêng tuyến metro số 1 với số vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD đã được khởi công vào tháng 8/2012 và dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong đầu năm 2018.

Kỳ vọng về một mạng lưới metro chạy khắp TP. HCM đã được nhen nhóm từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy vậy, trong suốt từ năm 2001 đến 2007, đã liên tiếp có những cuộc tranh cãi về hướng tuyến, cách thức xây dựng, cũng như những khó khăn trong công tác huy động vốn… đã khiến dự án đầy tham vọng này của thàng phố bị kéo giãn thời gian triển khai.

Metro là tàu điện chạy trong đô thị có sức vận chuyển khối lượng lớn, là loại tàu điện (giống loại tàu lửa, nhưng không sử dụng đầu kéo Diesel), tàu gồm toa có động cơ xen lẫn toa không động cơ. Tùy theo lượng hành khách đi lại vào giờ cao điểm mà tàu có từ 3 đến 6 toa và chạy giãn cách khoảng 3 đến 10 phút.

Trong đó, ưu điểm nổi bật của metro là khả năng vận chuyển hành khách nhanh và rất lớn - lên đến hàng trăm nghìn lượt người một chuyến. TP. HCM tin rằng, nếu hoàn thành và đi vào hoạt động, các tuyến metro sẽ góp phần quan trọng giải quyết dứt điểm thực  trạng ùn tắc giao thông do quá tải phương tiện cá nhân như hiện nay.  

Theo quy hoạch trong tương lai, toàn mạng lưới giao thông metro của TP. HCM sẽ có tất cả 6 tuyến metro, bao gồm:

Tuyến số 1: (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km.

Tuyến số 2 (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh) dài khoảng 20 km.

Tuyến số 4 (Nguyễn Văn Linh - cầu Bến Cát) dài 24 km.

Tuyến số 5 (cầu Sài Gòn - Bến xe Cần Giuộc) dài khoảng 17 km.

Tuyến số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm) dài 6 km.

Riêng tuyến metro số 3 dài khoảng 23 km được tách làm hai:

Tuyến 3A (Bến Thành - Tân Kiên).

Tuyến 3B (ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước).
Ngọc Luân