AFP: Hải quân Trung Quốc có tham vọng sở hữu 10 tàu sân bay

05/08/2014 15:17
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc có thực lực tấn công về tên lửa, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, lại có yêu sách lãnh thổ phi pháp nên chính sách quốc phòng không thể chỉ tự vệ
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc dẫn hãng AFP Pháp ngày 25 tháng 7 có bài viết cho rằng, tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc thể hiện ở bến cảng đông bắc Trung Quốc.

Theo bài báo, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc làm cho tất cả những tàu chiến ở xung quanh "thua chị kém em", đường băng cất cánh của nó còn cao hơn boong tàu của tàu tuần dương đậu gần nó, hầu như tượng trưng cho tham vọng hải quân của Trung Quốc.

Bắc Kinh tuyên bố, Trung Quốc hoàn toàn là "trỗi dậy hòa bình" và "không có ý đồ xưng bá", nhưng có nhà phân tích cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc là vượt qua Hải quân Nhật Bản và cuối cùng sánh vai với “chủ nhân” Thái Bình Dương - Hải quân Mỹ. Điều này cần phải chi mấy tỷ USD trong mấy năm tới để chế tạo nhiều cụm chiến đấu tàu sân bay.

Tháng 9 năm 2012, tàu sân bay Liêu Ninh dài 300 m đã chính thức đi vào hoạt động. Tướng lĩnh Quân đội Trung Quốc thừa nhận, sức chiến đấu của tàu sân bay Liên Xô mua từ Ukraine vẫn chưa hình thành, công tác huấn luyện phi công vẫn tiếp tục trong nhiều năm.

Nhưng đây chỉ là lần đầu tiên Trung Quốc sở hữu loại tàu chiến này. Chuyên gia phân tích cho rằng, tàu sân bay trong tương lai của Trung Quốc sẽ do Trung Quốc tự chế tạo và cuối cùng sẽ trang bị động cơ hạt nhân.

Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu J-20
Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu J-20

Quân đội Trung Quốc đã là quân đội có quy mô lớn nhất trên thế giới, Bắc Kinh cũng ý thức được "thực lực tàu sân bay đang giành được ý nghĩa tượng trưng quan trọng trong địa vị toàn cầu" - James Hardy và Lee Willett của Tập đoàn Jane's nhà xuất bản quân sự Anh nhận định.

Họ cho rằng, nhìn về trung và dài hạn, Trung Quốc sẽ muốn "tăng cường hiện diện trên toàn thế giới" để đảm bảo lợi ích của nước họ về tài nguyên, thị trường và tuyến đường hàng hải, "vì vậy cần phân bố hiện diện hải quân rộng lớn".

Mỹ hiện đang sở hữu 10 tàu sân bay. Sau khi tàu sân bay USS Gerald Ford đi vào hoạt động, sẽ tăng lên 11 chiếc. Trong khi đó, Nhật Bản - quốc gia bị cấm xây dựng quân đội sau khi thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai - sẽ nhanh chóng sở hữu một chiếc "tàu sân bay trực thăng" có thể mang theo máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng.

Mấy tháng gần đây, lập trường cứng rắn của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và Biển Đông (thực chất là Trung Quốc khiêu khích, khủng bố, mưu đồ xâm lược) đã gây lo ngại xảy ra xung đột.

4 tàu chiến của Trung Quốc đang tham gia diễn tập quân sự "Vành đai Thái Bình Dương 2014" do Mỹ tổ chức. Một chiếc tàu do thám của Bắc Kinh cũng đã xuất hiện trong quá trình diễn tập lần này.

Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc
Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc

"Hành vi ở các vùng biển gần và yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc muốn kiên quyết bảo vệ (cái gọi là) 'lợi ích cốt lõi'" - 2 chuyên gia của Tập đoàn Jane's bình luận.

Đồng thời, cho rằng, "là một lực lượng hải quân tầm xa, có thể nói Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với Nhật Bản ở phần lớn lĩnh vực, đồng thời vượt Nhật Bản ở lĩnh vực khác...”.

“Quân đội Trung Quốc có thực lực tấn công khả quan về các phương diện như tên lửa đạn đạo và hành trình, máy bay chiến đấu phản lực tốc độ cao, máy bay ném bom, vì vậy quan điểm trang bị chỉ dùng cho tự vệ khó mà đứng vững".

Nhà nghiên cứu Richard Fisher, Trung tâm đánh giá quốc tế và chiến lược, Washington cho rằng, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ sở hữu 4 - 5 tàu sân bay, đồng thời cuối cùng sẽ chế tạo trên 10 tàu sân bay. Ông nói, sở hữu 10 tàu sân bay sẽ là đỉnh cao tham vọng mấy chục năm tới của Trung Quốc.

Tên lửa hành trình CJ-10 Trung Quốc
Tên lửa hành trình CJ-10 Trung Quốc
Đông Bình