An Giang: Xây sân bay để đi Cần Thơ đỡ xóc!

30/06/2011 01:40
Dự án sân bay ở An Giang chỉ cách sân bay Trà Nóc và Rạch Giá khoảng 60 km đường chim bay nên nhiều người cho là lãng phí.
Dự án sân bay ở An Giang chỉ cách sân bay Trà Nóc và Rạch Giá khoảng 60 km đường chim bay nên nhiều người cho là lãng phí.
{iarelatednews articleid='5080,5005'}
Tỉnh An Giang đang hào hứng với dự án xây một sân bay nội địa. Đầu tháng 7, tỉnh này sẽ làm lễ công bố quyết định phê duyệt dự án xây sân bay ở An Giang của Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, đã ký ngày 2/6.
Những cánh đồng lúa hè thu của xã Cần Đăng, huyện Châu Thành (An Giang), nơi được chọn thực hiện dự án xây dựng sân bay nội địa theo Quyết định 1166 của bộ trưởng Bộ GTVT, đang trĩu bông. Dọc tuyến tỉnh lộ 941 nông dân tất bật chuẩn bị thu hoạch lúa. Nhắc chuyện sân bay, ai cũng rầu rầu: “Làm cái sân bay ở xã này thì nông dân tụi tui được gì, hay là mất đất, mất ruộng”.
Tới 2030 mới chỉ được 300 tấn hàng/năm
Theo quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, sân bay An Giang được xây dựng tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành. Mục tiêu của dự án xây dựng sân bay An Giang đến năm 2030 là vận chuyển được 300 hành khách/giờ cao điểm, 300 tấn hàng hóa/năm.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, cho biết dự án xây dựng sân bay An Giang đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm từ lâu. Dự án sân bay An Giang sẽ xây dựng hoàn toàn mới trên nền đất lúa ba vụ/năm của xã Cần Đăng. Nguồn vốn đầu tư xây dựng sân bay không từ ngân sách mà tỉnh sẽ kêu gọi vốn đầu tư trong, ngoài nước.
 Sân bay An Giang (phía trên) chỉ cách sân bay Rạch Giá (Kiên Giang) và Trà Nóc (Cần Thơ) 60 km. Đồ họa: ĐỨC HIỂN
Sân bay An Giang (phía trên) chỉ cách sân bay Rạch Giá (Kiên Giang) và Trà Nóc (Cần Thơ) 60 km. Đồ họa: ĐỨC HIỂN
Với thắc mắc sân bay An Giang chỉ cách sân bay quốc tế Cần Thơ và sân bay Rạch Giá khoảng 60 km đường chim bay, một khoảng cách quá ngắn giữa các sân bay dân dụng liệu có hợp lý? Ông Tâm lý giải: “Dự án sân bay An Giang rất cần thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của An Giang và khu vực. Sau khi hoàn thành, sân bay An Giang vận chuyển hành khách, hàng hóa từ An Giang đi thẳng TP.HCM hoặc Hà Nội và các sân bay trong nước, có thể nối tuyến đi Campuchia, Lào. Trước mắt, sau khi hoàn thành giai đoạn một, từ An Giang hành khách có thể đi bằng máy bay ATR 72 về sân bay quốc tế Cần Thơ và ngược lại, thay vì đi bằng xe hơi vì đường hẹp, dằn xóc…”.
Tỉnh: Lợi to; Nông dân và chuyên gia: Lỗ nặng
Nhiều người không đồng tình với việc xây dựng sân bay ở An Giang.
Ông Nguyễn Anh Chiến, Chủ tịch UBND xã Cần Đăng, nơi dự kiến đặt sân bay mới, nói: “Hiện tôi cũng chưa biết chính xác vị trí sân bay sẽ đặt ở chỗ nào trên địa bàn xã nhưng nói thiệt tôi và anh em cán bộ đang lo sốt vó. Ngoài việc thực hiện giải tỏa, thu hồi đất còn phải lo giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm gia đình nông dân bị mất ruộng”. Còn ông Nguyễn Văn Huy, nông dân xã Cần Đăng, rầu rĩ nói: “Có sân bay, hàng trăm gia đình sẽ bị thu hồi ruộng. Nhà nông xưa nay chỉ biết làm ruộng, trồng lúa, mất ruộng rồi sẽ làm nghề gì để sinh sống?”.
GS Võ Tòng Xuân chỉ ra bất hợp lý của dự án: “Thực sự tôi không thấy có ưu tiên nào cho việc đầu tư xây dựng sân bay. Đầu tư xây dựng cầu An Hòa thay cho phà An Hòa và xây cầu Vàm Cống sẽ hiệu quả hơn. Có hai cây cầu này song song với cầu Cao Lãnh xây xong thì đi TP.HCM bằng đường bộ sẽ nhanh không kém thời gian chuẩn bị ra sân bay và rời sân bay từ TP.HCM về Cần Đăng rồi từ Cần Đăng về TP Long Xuyên”.
Một cán bộ cao cấp của An Giang nói thẳng dù có ưu đãi thì vẫn sẽ khó có doanh nghiệp nào đủ can đảm đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng sân bay An Giang chỉ để khai thác vài trăm hành khách và 300 tấn hàng hóa/năm, trong khi sân bay Cần Thơ và sân bay Rạch Giá quá gần mà vẫn chưa khai thác hết. “Muốn sân bay có hiệu quả thì bắt buộc phải có hành khách và hàng hóa để tăng tần suất bay. Nhưng với giá cước như hiện nay (và chắc chắn sẽ còn tăng), ở An Giang bao nhiêu người có khả năng ngồi máy bay vi vu? Cho nên dự án sân bay An Giang rất khó có hiệu quả kinh tế”.
Dưới góc độ kinh tế, một chuyên gia về phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL nhận xét: “Hiện nay sân bay quốc tế Cần Thơ chỉ bay mỗi ngày hai chuyến bay nội địa mà số ghế khai thác chỉ đạt 60% công suất. Nếu tăng tần suất lên bốn chuyến/ngày thì phải bay rỗng, lỗ kinh hoàng. Chưa kể các tuyến bay quốc tế của sân bay Cần Thơ hầu như không có khách. Vì thế, nếu xây dựng sân bay An Giang sẽ không hợp lý vì nó quá gần sân bay Cần Thơ và Rạch Giá. Xây sân bay chỉ để khai thác được những máy bay cùng loại với hai sân bay nói trên thì chắc chắn không thể mang lại hiệu quả kinh tế”.
Lãnh đạo An Giang cho rằng xây sân bay sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo của Sở GTVT tỉnh An Giang cho thấy trong năm 2010, các phương tiện vận tải thủy, bộ của tỉnh này vận chuyển được hơn 6,2 triệu tấn hàng hóa và hơn 37 triệu lượt hành khách. Liệu sân bay An Giang khi xây xong có đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa với giá cả vừa túi tiền, hợp lý như các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy?
Dự án sân bay An Giang có tổng diện tích hơn 235 ha, tổng vốn đầu tư 3.417 tỉ đồng. Giai đoạn một từ nay đến năm 2020, vốn đầu tư là 1.481 tỉ đồng để xây dựng sân bay cấp 3C dân dụng, phục vụ bay taxi, bay hàng không chung, tìm kiếm cứu nạn, phát triển bay khai thác thường lệ khi có thị trường… Với một đường cất, hạ cánh dài 1.850 m, rộng 45 m, đảm bảo khai thác loại máy bay ATR 72 và tương đương. Giai đoạn từ năm 2020 đến 2030 sẽ nâng cấp để tiếp nhận được máy bay A 321.
(Theo quyết định của bộ trưởng Bộ GTVT)
Theo HÙNG ANH/Pháp luật TPHCM