Ảnh: Hàng trăm người ngụp lặn, mót vàng trên sông

17/08/2014 07:49
Phan Thuỷ
(GDVN) - Ngay dưới chân núi, hàng chục người dân hì hục ngụp lặn, đắm mình múc đất đá dưới đáy sông lên để tìm vàng.

Những ngày qua, người dân nhiều bản làng ở xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) đổ xô đi "mót" vàng kiếm kế sinh nhai.

Có mặt tại sông Đakrông (đoạn qua xã Đakrông) lúc giữa trưa nắng, nhiều tốp người gồm già, trẻ, gái, trai và cả những em nhỏ đều vẫn đang hì hục ngụp lặn, đắm mình múc đất đá dưới đáy sông lên đãi tìm vàng. Người thì đào, người thì đãi, họ chia thành từng tốp nhỏ ở từng khu vực để đào bới, không khí lao động rất nhộn nhịp.

Cận cảnh người dân đãi vàng trên sông Đăkrông.
Cận cảnh người dân đãi vàng trên sông Đăkrông.

Qua tìm hiểu, những người đãi vàng chủ yếu thuộc xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị), họ tranh thủ làm để kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Một ngày làm việc của những người đãi vàng bắt đầu từ 7 – 8h sáng cho đến tối mịt. Họ mang theo đồ ăn rồi ăn trưa luôn tại nơi đãi vàng, những em nhỏ cũng đi làm phụ ba mẹ những buổi không lên lớp.

Mỗi ngày, mỗi người chỉ kiếm được vài chục ngàn, nhiều thì được gần trăm ngàn đồng. Với những người dân tộc thiểu số ở một xã nghèo như Đakrông thì đó là một số tiền khá lớn. Vì thế, dù phải ngụp lặn, đào bới cả ngày rất vất vả, nhưng họ vẫn làm việc hăng say.

Khi được hỏi, đãi vàng như thế này có bị chính quyền địa phương cấm không thì những người dân ở đây cho biết, chính quyền địa phương chỉ cấm những doanh nghiệp khai thác nhiều, chứ chúng tôi làm ít, nhỏ lẻ nên không thấy ai nói gì.

Em Hồ Thị Nhung, học sinh tiểu học trường Đakrông nói: “Cả ngày phải ngụp lặn dưới nước, rất mệt nhưng em vẫn làm để có thêm tiền cho mẹ mua sách vở đi học. Mỗi ngày em kiếm được khoảng 20 nghìn đồng”.

Bà Hiu, mẹ em Nhung cho biết, những ngày không phải đi học thì nó lại ra đây làm giúp mẹ kiếm thêm thu nhập.

“Ở đây chỉ làm mỗi nương rẫy, nhưng đến vụ mới phải làm. Những ngày nông nhàn thế này thì đi đãi vàng kiếm sống chứ không thì chết đói. Ngụp lặn cả ngày vất vả lắm nhưng 2 mẹ con nhiều cũng chỉ kiếm được gần trăm ngàn đồng. Đó là những ngày may mắn, còn không thì chỉ được 30 – 40 ngàn đồng. Dù thế, vẫn phải làm để còn có cái ăn”, bà Hiu nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Nha, Phó Chủ tịch xã Đakrông cho biết, Ở đây người dân chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy nên có nhiều thời gian nhàn rỗi. Những lúc nhàn rỗi, nhiều người dân làm thêm bằng việc khai thác vàng.

“Hiện chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này như tuyên truyền, vận động người dân không được khai thác vàng trái phép. Vấn đề này, chúng tôi đã giao cho công an viên các thôn tiếp cận từng hộ dân để tuyên truyền cho họ hiểu về hậu quả của việc khai thác vàng này”, ông Nha cho biết thêm.

Giữa trưa nắng, người dân vẫn ngụp lặn, đào bới tìm vàng.
Giữa trưa nắng, người dân vẫn ngụp lặn, đào bới tìm vàng.
Từng chậu đất, đá được đào xới từ dưới đáy sông đưa lên bờ đãi.
Từng chậu đất, đá được đào xới từ dưới đáy sông đưa lên bờ đãi.
Mỗi ngày, ngụp lặn từ sáng đến tối mịt, nhưng mỗi người cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng.
Mỗi ngày, ngụp lặn từ sáng đến tối mịt, nhưng mỗi người cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng.
Cho vào bát mang về đưa ra tiệm vàng bán lấy tiền.
Cho vào bát mang về đưa ra tiệm vàng bán lấy tiền.
Mang hy vọng sẽ kiếm thêm thu nhập, nhưng việc khai thác vàng trái phép của người dân khiến chính quyền lúng túng.
Mang hy vọng sẽ kiếm thêm thu nhập, nhưng việc khai thác vàng trái phép của người dân khiến chính quyền lúng túng.
Phan Thuỷ