Áp lực kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay vẫn đang còn rất lớn

28/06/2019 06:29
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Kỳ thi năm 2019 có tới 233.000 thí sinh chỉ tham dự kỳ thi nhằm lấy kết quả tốt nghiệp thì rõ Bộ cần tính đến những phương án thay thế trong những năm tới.

Sau nhiều lần ngành giáo dục cải tiến, đổi mới thì kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay có phần giảm được áp lực hơn nhưng vẫn chưa thực sự gọn nhẹ bởi mỗi kỳ thi đi qua chúng ta đang phải đầu tư quá nhiều cả về nhân lực và kinh phí.

Việc gộp 2 kỳ thi trước đây thành 1 kỳ thi với 2 chức năng là vừa xét tốt nghiệp, vừa lấy kết quả xét tuyển đại học cũng đang bộc lộ một số hạn chế nhất định.

Nhất là mỗi năm có hàng trăm ngàn thí sinh chỉ tham dự kỳ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Nên chăng, Bộ Giáo dục cần đưa ra những phương án hiệu quả hơn trong những năm tới?

Hàng trăm ngàn thí sinh tham dự kỳ thi chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp (Ảnh minh họa: Trinh Phúc)
Hàng trăm ngàn thí sinh tham dự kỳ thi chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp (Ảnh minh họa: Trinh Phúc)

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 đã kết thúc tương đối an toàn. Những tiêu cực, sai phạm chỉ diễn ra lẻ tẻ ở một số trường hợp nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kỳ thi như chuyện 1 thí sinh ở Phú Thọ chụp đề thi Ngữ văn để gửi cho bạn giải hộ.

Một số thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, giám thị phát đề trước giờ quy định…Xét về tổng thể thì bước đầu của kỳ thi năm nay đã tương đối thành công.

Những vi phạm đó có thể được chấp nhận bởi đó là những hạn chế thuộc về một vài trường hợp đơn lẻ của thí sinh và giám thị. Nhưng, cũng đã có những trường hợp đau lòng xảy ra trong thời điểm diễn ra kỳ thi.

Đó là trường hợp cô giáo Trần Thị Thuý, giáo viên dạy Sử tại trường trung học phổ thông A Túc (Hướng Hoá, Quảng Trị) được phân công coi thi tại điểm thi số 2, trường trung học phổ thông Lê Lợi (Đông Hà).

Cô Thúy đã gặp tai nạn khi đi trên trường và dẫn đến tử vong tại chỗ. Cô Trần Thị Thúy mất đi, để lại 2 con nhỏ bị khuyết tật!

Dù có một số trường hợp đáng tiếc nhưng rõ ràng kỳ thi năm 2019 đã khép lại tương đối trọn vẹn về cách chuẩn bị, tổ chức kỳ thi ở các địa phương trên cả nước.

Nhưng, phương án nào cho những thí sinh chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp?

Áp lực kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay vẫn đang còn rất lớn ảnh 2Bộ Giáo dục khẳng định không có hiện tượng sử dụng phao thi ở kỳ thi quốc gia

Theo chia sẻ của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì kỳ thi năm 2019 này, cả nước có 886.650 thí sinh đăng ký dự thi.

Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay là 653.000 thí sinh.

Như vậy, có tới 233.000 thí sinh- chiếm hơn ¼ thí sinh tham dự kỳ thi chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp.

Trong khi việc xét tốt nghiệp năm nay có phần khó hơn 4 năm qua nhưng vẫn rất đơn giản khi thí sinh được cộng cả điểm thi và điểm học tập để xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhìn lại những năm gần đây thì năm nào cũng gần 100% thí sinh tốt nghiệp. Như vậy, chúng ta có đang  lãng phí quá không, khi mà gần như thí sinh nào thi cũng có thể tốt nghiệp?

Nếu như con số 233.000 thí sinh năm nay chỉ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp mà Bộ tính đến phương án xét tốt nghiệp như cấp trung học cơ sở thì cả nước đã tiết kiệm được một khoản kinh phí khổng lồ và không phải huy động thêm hàng ngàn giám thị tại chỗ và giám thị từ các trường đại học về các địa phương.

Bởi, con số 233.000 thí sinh sẽ tương đương gần 1.000 phòng thi. Trong khi, toàn ngành giáo dục tổ chức thêm cho chừng ấy thí sinh thì áp lực được tăng lên rất nhiều kể cả với thí sinh và những người tham gia hội đồng coi thi, chấm thi…

Thực tế, những thí sinh chỉ thi để lấy kết quả để xét tốt nghiệp cũng đồng nghĩa các em đã xác định là sẽ học nghề hoặc có định hướng phù hợp cho tương lai của mình chứ không phải là con đường vào đại học, cao đẳng.

Vì thế, việc công nhận tốt nghiệp bằng hình thức xét tuyển cho những thí sinh này cũng là một giải pháp phù hợp, ít tốn kém mà có lợi nhiều thứ khác nữa.

Áp lực kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay vẫn đang còn rất lớn ảnh 3Hy vọng kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 sẽ không còn tiêu cực!

Việc công nhận tốt nghiệp cho những học sinh không tham gia xét tuyển đại học thì Bộ nên giao cho các Sở giáo dục và các trường trung học phổ thông đảm nhận.

Bởi, các em không xét tuyển đại học thì tổ chức thi chung với tất cả các thí sinh là điều không cần thiết.

Bộ và các địa phương chỉ cần tổ chức kỳ thi cho những thí sinh có nguyện vọng thi để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sẽ giảm được rất nhiều áp lực mà đỡ tốn kém cho cả nhà nước và nhân dân.

Điều quan trọng nữa là khi ra đề thi cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với hiện nay. Áp lực của việc tổ chức thi, chấm thi cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Từ những gì chúng ta đã chứng kiến suốt nhiều tháng qua, nhất là những ngày sát với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sẽ cảm nhận được rất nhiều áp lực với lãnh đạo Bộ, địa phương, những thầy cô giáo và các em thí sinh.

Ngoài ra, còn có sự vào cuộc của nhiều ban ngành ở địa phương và các phụ huynh nữa. Nhưng, trong kỳ thi năm có tới 233.000 thí sinh chỉ tham dự kỳ thi nhằm lấy kết quả tốt nghiệp thì nên chăng, Bộ cần tính đến những phương án thay thế trong những năm tới.

Bởi, số lượng hàng trăm ngàn thí sinh ấy dù có tham dự kỳ thi thì cũng không giải quyết được vấn đề gì mà tăng thêm tốn kém, áp lực cho gia đình và xã hội.

NGUYỄN CAO