Bà Bùi Thị An: "Chọn cán bộ vì dân vì nước, nói thì dễ nhưng làm rất khó"

25/07/2019 07:23
Ngọc Quang
(GDVN) - Bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13 nhấn mạnh, để chọn được cán bộ có thực tài thì phụ thuộc phần lớn vào người đứng đầu.

Chuẩn bị cho Đại hội thứ 13 của Đảng, vấn đề then chốt tiếp tục được đặt ra đó là làm thế nào để chọn được những cán bộ giỏi, có đạo đức tốt, thực sự tâm huyết với quốc gia, dân tộc, thực sự vì lợi ích của nhân dân và sẵn sàng hy sinh những lợi ích của cá nhân?

Đây luôn là vấn đề vô cùng khó khăn ở bất kỳ thời điểm nào của đất nước.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13) bày tỏ: “Như Bác Hồ đã dạy, cán bộ là gốc của mọi công việc. Nếu người cán bộ có năng lực và có phẩm chất đạo đức tốt thì đó là chìa khóa then chốt cho sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Nhưng nếu cán bộ chỉ có năng lực mà phẩm chất tồi hay ngược lại có đạo đức tốt nhưng năng lực kém thì đều không ổn.

Mất tiền chỉ là một chuyện, đó cũng đã là điều hết sức đáng tiếc, vì đó là mồ hôi công sức của dân cả đấy chứ, tiền có phải tự nhiên rơi ở đâu ra? Nhưng cái mất lớn hơn là mất cán bộ, vì không kịp thời ngăn chặn, không kịp thời uốn nắn để cho họ sa lầy và không thể rút ra được.

Mà đâu phải chỉ có một hai cán bộ sai phạm đâu, sai phạm còn có tính hệ thống, liên quan đến rất nhiều người ở nhiều ngành. Thế là ảnh hưởng rất lớn! Chưa hết, những cán bộ đạo đức kém, năng lực lại hạn chế mà cứ án ngữ vị trí này vị trí khác thì còn làm mất đi cơ hội cho những người có năng lực, nhìn rộng ra là mất rất nhiều cho đất nước.

Tôi vẫn nói rằng nếu chẳng may người bác sĩ năng lực kém họ có thể gây ra tai họa với một bệnh nhân nào đó và bị xử lý ngay, nhưng cán bộ yếu kém thì nguy hại gấp trăm, gấp nghìn lần.

Thói đời, những người kém cỏi thì luôn sợ người giỏi, cho nên họ chỉ quan tâm đến cách lập phe cánh, chỉ dùng những người phục tùng, chứ không trọng người giỏi”.

Bà Bùi Thị An: "Chọn cán bộ vì dân vì nước, nói thì dễ nhưng làm rất khó". ảnh: Ngọc Quang.
Bà Bùi Thị An: "Chọn cán bộ vì dân vì nước, nói thì dễ nhưng làm rất khó". ảnh: Ngọc Quang.

Chúng ta thấy có nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, thậm chí phải chịu án tù trong thời gian qua là những điều rất đáng tiếc trong công tác cán bộ. Nếu nói về đạo đức của từng cá nhân sai phạm thì cũng chỉ là một phần thôi, còn một phần lỗi nữa thuộc về những người cán bộ quản lý họ ở cấp cao hơn, những cơ quan thanh tra, giám sát… ít nhiều cũng đã để lọt sai phạm, không kịp thời ngăn chặn nên mới xảy ra những sai lầm lớn.

Thí dụ như trước đây từng có báo cáo của Viện Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ thì tính đến hết tháng 5/2015 trong số 1.225 người thuộc diện phải xác minh tài sản chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực.

Mới đây nhất, báo cáo từ các địa phương gửi về Cục Chống tham nhũng được công bố ngày 16/3/2017 về việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 thì qua xác minh tài sản, thu nhập của các cơ quan có thẩm quyền, không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

“Chủ nghĩa hậu duệ” làm biến dạng, tha hóa quyền lực Nhà nước
“Chủ nghĩa hậu duệ” làm biến dạng, tha hóa quyền lực Nhà nước

Đáng chú ý, có tới 17 tỉnh không xử lý trường hợp tham nhũng nào như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Còn ngay ở địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, trong 37 nghìn bản kê khai thu nhập theo báo cáo năm 2017 không phát hiện trường hợp nào tham nhũng.

Và, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói rằng: “Thành phố có gần 10 triệu dân, khiếu nại, tố cáo mỗi năm có đến cả nghìn. Nhưng báo cáo kết luận là chưa phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chắc chưa đúng, thống kê chưa hết. Đọc mà thấy giật mình” (1).

Đại hội Đảng lần thứ 13 tới đây có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi vì sau Đại hội 12 đất nước đã đạt được những kết quả nhất định và quan trọng là cũng đã xử lý được nhiều cán bộ sai phạm. Có lẽ chưa khi nào Đảng xử lý được nhiều cán bộ sai phạm như thời gian vừa qua.

Bà An đánh giá: “Để xử lý được nhiều cán bộ cấp cao như vậy là sự quyết tâm chính trị rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tinh thần quyết tâm của các đồng chí chắc chắn luôn được nhân dân tin tưởng ủng hộ. Mất tiền rồi còn có thể lấy lại được, làm lại được, nhưng mất niềm tin là mất tất cả”.

Chọn cán bộ tốt, nhưng phải kiểm soát quyền lực

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 thừa nhận tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.

Cũng tại Nghị quyết này, Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền.

Phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng cho Đại hội XIII của Đảng
Phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng cho Đại hội XIII của Đảng

Theo bà Bùi Thị An, đây là vấn đề đã được đề cập nhiều lần trước đây nhưng chưa xử lý được dứt điểm vì nhiều lý do, trong đó phải nói tới những thủ thuật tinh vi, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu.

Vì lẽ đó chống chạy chức chạy quyền phụ thuộc rất nhiều vào sự anh minh của người đứng đầu bộ máy. Không chỉ là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của đất nước, mà ở từng địa phương, từng bộ ngành cũng phải thống nhất tư tưởng ấy.

“Chỉ cần trong suy nghĩ có ý định nâng đỡ người này, hạ bệ người kia vì quan hệ, vì những yếu tố khác ngoài tài năng và đạo đức là hỏng hết. Chúng ta được biết, đồng chí Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói là có những cán bộ nói nhiều làm ít, thậm chí nói mà không làm. (2)

Tôi mong rằng các đồng chí lãnh đạo thật sáng suốt chọn ra được các lớp kế cận thực sự xứng đáng để giao nhiệm vụ gánh vác trọng trách của đất nước, thực sự đủ tầm lãnh đạo nhân dân, vì mỗi quyết định của người lãnh đạo có ảnh hưởng rất sâu rộng tới hệ thống.

Thực tế thì khi một người cán bộ giỏi, họ dám quyết, dám làm vì dân vì nước rất là khác khi vì lợi ích cá nhân và phe cánh. Người dân chỉ quan tâm tới cán bộ ấy làm được gì ở vị trí lãnh đạo kia, chứ không muốn nghe lý thuyết, nói nhiều mà không làm được gì cả thì chỉ phí thời gian”, bà An bày tỏ.

Cũng theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, bên cạnh việc chọn được cán bộ có tài có đức thì công tác kiểm soát quyền lực phải được coi trọng, có ý nghĩa quan trọng giúp cho cán bộ “không muốn, không dám và không thể” làm trái các quy định của nhà nước, không bị vướng vào vòng lao lý.

“Đại hội XI của Đảng đã đề cập tới vấn đề kiểm soát quyền lực, nhưng tiếc là sau đó vấn đề này không được thúc đẩy, cho nên mới chỉ ở mức nêu ra thôi. Đến trước và sau Đại hội XII, đồng chí Tổng Bí thư tiếp tục đề cập tới vấn đề quan trọng này.

Kiểm soát quyền lực luôn phải được coi là nhiệm vụ then chốt của Đảng trong cuộc đấu tranh chống suy thoái, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, đi liền với chống tham nhũng.

Thực tế cho thấy ở nơi nào thiếu kiểm soát, giám sát quyền lực là nơi đó xảy ra thiệt hại lớn cho nhà nước.

Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí và quyền lợi của dân cho nên ngoài lập pháp, xây dựng pháp luật thì đồng thời cũng phải phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, kiểm soát quyền lực lẫn nhau.

Đồng thời phải tìm ra mọi biện pháp để nhân dân tham gia trực tiếp vào quá trình kiểm soát quyền lực, phát huy sức mạnh của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng, chống chạy chức chạy quyền”, bà An nói.

Tài liệu tham khảo:

1. https://dantri.com.vn/xa-hoi/bi-thu-nguyen-thien-nhan-giat-minh-voi-ket-qua-chong-tham-nhung-20180314230648531.htm

2. https://www.baogiaothong.vn/tong-bi-thu-co-nhung-nguoi-noi-ma-khong-lam-noi-nhieu-lam-it-d273971.html

Ngọc Quang