Bà Thái Anh Văn phái chiến hạm ra Ba Bình và "sai lầm lớn"

13/07/2016 15:21
Hồng Thủy
(GDVN) - Toàn bộ nội dung bài phát biểu của Tiến sĩ Thái Anh Văn sáng nay trên tàu Địch Hóa không nhắc tới bất kỳ khái niệm nào về "chủ quyền / lãnh thổ".

Thông tấn xã Đài Loan ngày 13/7 đưa tin, sáng nay nhà lãnh đạo đảo này bà Thái Anh Văn đã lên chiến hạm Địch Hóa neo đậu tại Cao Hùng phát biểu với thủy thủ đoàn, sau đó ra lệnh cho tàu này ra tuần tra khu vực đảo Ba Bình, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Động thái này nhằm thể hiện thái độ của Đài Loan phản ứng với một phần phán quyết của Hội đồng Trọng tài trong vụ kiện Trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Tiến sĩ Thái Anh Văn phát biểu úy lạo thủy thủ đoàn tàu Địch Hóa trước khi phái tàu này tuần tra (trái phép) ở Ba Bình, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Ảnh: CNA.
Tiến sĩ Thái Anh Văn phát biểu úy lạo thủy thủ đoàn tàu Địch Hóa trước khi phái tàu này tuần tra (trái phép) ở Ba Bình, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Ảnh: CNA.

Trong bài phát biểu của Tiến sĩ Thái Anh Văn có đoạn:

"Hôm nay, chiến hạm Địch Hóa chuẩn bị xuất phát, thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông. Nhiệm vụ lần này có ý nghĩa khác hẳn các lần triển khai trước. Vì từ hôm nay, cục diện Biển Đông đã có những biến động mới.

Phán quyết của vụ kiện trọng tài Biển Đông, đặc biệt là nhận định về đảo Ba Bình, đã làm tổn hại nghiêm trọng quyền lợi của Đài Loan với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển phụ cận.

Con tàu này sẽ đại diện cho Trung Hoa Dân Quốc. Quân phục trên người các bạn đại diện cho sự ủy thác của người dân Đài Loan.

Lần xuất hàn này để thực hiện nhiệm vụ, chủ yếu là nhằm thể hiện quyết tâm của người dân Đài Loan bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Chúng ta lâu nay vẫn chủ trương, vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình, đa phương. Chúng ta cũng cam kết trên cơ sở hiệp thương bình đẳng, cùng các nước khác có liên quan bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông."

Tự hủy đường lưỡi bò?

Đáng chú ý, toàn bộ nội dung bài phát biểu của Tiến sĩ Thái Anh Văn sáng nay trên tàu Địch Hóa không nhắc tới bất kỳ khái niệm nào về "chủ quyền / lãnh thổ", mà chỉ nhắc tới quyền lợi / lợi ích mà Đài Loan yêu sách ở Biển Đông, cụ thể là yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế cho đảo Ba Bình.

Đúng như dự đoán của dư luận trước khi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết, Tiến sĩ Thái Anh Văn không nhắc đến đường chữ U 11 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò ở Biển Đông khi phát biểu về vụ kiện trọng tài, trong đó nội dung đầu tiên Hội đồng Trọng tài tuyên bố là đường lưỡi bò không có căn cứ pháp lý trong UNCLOS 1982, do đó nó vô hiệu.

Bà Thái Anh Văn phái chiến hạm ra Ba Bình và "sai lầm lớn" ảnh 2

Đài Loan sẽ không nhắc đến đường lưỡi bò sau phán quyết của PCA?

(GDVN) - Điều này nếu xảy ra, là đóng góp lớn nhất của Đài Loan vào việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Trong phản đối chính thức của người đứng đầu "Bộ Ngoại giao" Đài Loan ông David Tawei Lee ngày 12/7 về phán quyết này, Đài Loan cũng chỉ nhắc đến hiệu lực pháp lý của đảo Ba Bình mà không đả động gì tới đường chữ U 11 đoạn.

Không biết do vô tình hay hữu ý, Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông công bố trên Tân Hoa Xã chiều qua 12/7, cũng đã ngầm bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn.

Trung Quốc chỉ nhắc đến yêu sách chủ quyền với "các đảo ở Biển Đông", yêu sách các vùng biển cho các đảo này và "quyền lịch sử" với Biển Đông một cách chung chung.

Theo cá nhân người viết, qua phát biểu của Tiến sĩ Thái Anh Văn và tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc có thể thấy:

- Một là, Đài Loan nhận thức rất rõ, bản chất vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines là ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 chứ không phải tranh chấp chủ quyền / phân định biển như lập luận của Trung Quốc.

- Hai là, phán quyết hủy bỏ yêu sách "quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên biển bên trong đường 9 đoạn", nói cách khác là phán quyết đường lưỡi bò (9 đoạn với Trung Quốc, 11 đoạn với Đài Loan) không có căn cứ trong UNLCOS 1982, nhưng Đài Loan không phản đối gì về nội dung phán quyết này. Điều đó có thể xem như một sự mặc nhiên thừa nhận rằng, đường lưỡi bò đã bị hủy bỏ.

- Ba là, Tiến sĩ Thái Anh Văn chưa vượt qua được rào cản và áp lực từ nội bộ dư luận đảo Đài Loan xung quanh vấn đề yêu sách hiệu lực pháp lý của Ba Bình, hoặc nói cách khác là ứng dụng, giải thích Điều 121, UNCLOS 1982 đối với Ba Bình.

- Bốn là, hoạt động tuần tra của tàu Địch Hóa chỉ nhằm thể hiện thái độ nhất thời của Đài Bắc, ít khả năng gây ảnh hưởng nhiều đến cục diện Biển Đông thời gian tới.

Như vậy riêng việc Tiến sĩ Thái Anh Văn không nhắc đến đường lưỡi bò, không phản đối phán quyết của Tòa về đường lưỡi bò, hiểu rõ bản chất vụ kiện trọng tài Biển Đông là về áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 chứ không phải tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ đã là một điều rất đáng hoan nghênh.

Nó thể hiện sự am hiểu pháp luật quốc tế, cũng như ý thức thượng tôn pháp luật của bà Thái Anh Văn. Còn những băn khoăn, phản đối của bà về phán quyết của Hội đồng Trọng tài liên quan đến Ba Bình có lẽ là những hạn chế do áp lực từ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi gây ra mà bà chưa vượt qua được, đó cũng là điều có thể hiểu.

"Sai lầm lớn"

Giáo sư luật Đại học New York, Jerome Cohen, một chuyên gia về luật pháp Trung Quốc và từng là thầy dạy ông Mã Anh Cửu, nhận xét rằng, bà Thái Anh Văn đang ở trong thế kẹt phải tự đấu tranh dữ dội:

"Phản ứng hôm nay của bà Thái Anh Văn công khai bác bỏ phán quyết của Tòa là một sai lầm lớn và thậm chí khác cả những gì ông Mã Anh Cửu đã có thể làm.

Bà ấy sẽ bị chỉ trích ở Đài Loan là hành xử bất chấp luật pháp quốc tế như Trung Quốc đang làm, trong khi chính Trung Quốc chặn Đài Loan không được tham gia quá trình tố tụng."

Nick Bisley, một Giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học La Trobe ở Melbourne bình luận: Bà Thái Anh Văn ở thế rất khó vì yêu sách của Đài Loan và Trung Quốc hầu như giống nhau:

"Làm sao để có thể duy trì lập trường của Đài Loan về Biển Đông một cách độc lập mà nghe không có vẻ như giống với Trung Quốc là điều cực khó".

Trong khi đó phán quyết của Hội đồng Trọng tài rằng không có cấu trúc nào ở Trường Sa là đảo, có nghĩa là chúng chỉ có thể có tối đa 12 hải lý lãnh hải chứ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, có thể mở ra một con đường đàm phán giữa Mỹ - Trung Quốc và các bên khác.

"Đột nhiên bạn đang được quay trở lại khu vực biển cả (vùng biển quốc tế) rộng lớn ở Biển Đông, nơi mọi hoạt động hàng hải hàng không được tiến hành tự do. Câu hỏi đặt ra sau đó là, làm sao các bên liên quan có thể cùng hợp tác ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông?" Eric Shrim, một nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ và hiện là cố vấn chính sách tại công ty Luật Alston & Bird bình luận.

Tuy nhiên theo cá nhân người viết, cái "khó" lớn nhất của Tiến sĩ Thái Anh Văn trong vấn đề này là, Đài Loan không phải thành viên UNCLOS 1982, không có quyền tham gia tiến trình tố tụng.

Lập trường giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán đa phương của bà lại không được Bắc Kinh thừa nhận, nên việc bộc lộ quan điểm của Đài Loan trực tiếp với các bên gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, chỉ vì vấn đề hiệu lực pháp lý của Ba Bình mà phản đối tất cả các nội dung phán quyết của Hội đồng Trọng tài, dường như Đài Loan đang đi ngược lại quan điểm của Hoa Kỳ ủng hộ phán quyết.

Những điều này cho thấy, ngoài phản đối thì Đài Loan khó có "cửa" nào để tác động trực tiếp đến tiến trình giải quyết tranh chấp phức tạp ở Biển Đông, nếu không được cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng ý. Bởi vậy "sai lầm lớn" ở đây có thể hiểu, và nên chăng gọi đó là "khó khăn lớn"?

Hồng Thủy