Bắc Kinh hạn chế đưa tin Biển Đông trong nước, thả cửa bình luận tiếng Anh

04/06/2015 11:13
Hồng Thủy
(GDVN) - Nói cách khác, Trung Nam Hải đã nhận thức được rằng, lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng như sử dụng con dao hai lưỡi, mà chơi dao sắc thì có ngày đứt tay
Ông Tôn Kiến Quốc, Đô đốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc làm trưởng đoàn dự Đối thoại Shangri-la năm nay. Ảnh: deccanchronicle.com
Ông Tôn Kiến Quốc, Đô đốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc làm trưởng đoàn dự Đối thoại Shangri-la năm nay. Ảnh: deccanchronicle.com

South China Morning Post ngày 4/6 cho hay, Bắc Kinh đã áp dụng một chiến lược tuyên truyền hai mặt trên các phương tiện truyền thông nhà nước về vấn đề Biển Đông tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore tuần trước. Một lệnh cấm đưa tin bình luận về căng thẳng Biển Đông trên các phương tiện truyền thông tiếng Trung Quốc được ban hành, nhưng các phiên bản ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh của các tờ báo Trung Quốc được "bình luận thả phanh".

"Mệnh lệnh xuống từ trên cao, có thể là từ lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc chứ không phải từ các Tổng biên tập", một phóng viên Trung Quốc nói với South China Morning Post. Người này cho rằng việc Bắc Kinh cấm tuyên truyền về Biển Đông tại Shangri-la cho người dân trong nước để tránh việc kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Trái ngược với các phóng viên trong nước, các phóng viên quốc tế của Trung Quốc được thỏa sức đưa tin, bình luận về Biển Đông và Đối thoại Shangri-la ra thế giới với các ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là tiếng Anh. Kể cả bản tin tiếng Anh của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cũng được phép phát sóng phỏng vấn trực tiếp các đại biểu và chuyên gia nước ngoài về chủ đề này.

"Trong nhiều năm, các nhà báo tác nghiệp bằng ngoại ngữ tại các cơ quan báo chí nhà nước Trung Quốc luôn được hưởng nhiều đặc quyền hơn so với các đồng nghiệp tác nghiệp bằng tiếng Hán, vì các đối tượng tuyên truyền là khác nhau", Qiao Mu, Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu truyền thông quốc tế đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cho biết.

"Các nhà lãnh đạo tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc tin rằng, dân thường khi xem truyền hình và đọc báo dễ dàng bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc (cực đoan). Đó là lý do tại sao chúng ta thấy rõ quan điểm phiên bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn Cầu khác hẳn với phiên bản tiếng Trung Quốc", Qiao Mu bình luận.

Trung Quốc vẫn ra sức tuyên truyền cho các hoạt động bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa, nhưng lại né tránh căng thẳng Trung - Mỹ và đặc biệt là phản ứng của Hoa Kỳ vì sợ mất kiểm soát dư luận. Ảnh: Máy bay trinh sát P-8 Hải quân Hoa Kỳ giám sát một đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Biển Đông. Nguồn: Reuters.
Trung Quốc vẫn ra sức tuyên truyền cho các hoạt động bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa, nhưng lại né tránh căng thẳng Trung - Mỹ và đặc biệt là phản ứng của Hoa Kỳ vì sợ mất kiểm soát dư luận. Ảnh: Máy bay trinh sát P-8 Hải quân Hoa Kỳ giám sát một đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Biển Đông. Nguồn: Reuters.

Căng thẳng trên Biển Đông và quan hệ Trung - Mỹ những tuần gần đây thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế khi đài CNN phát sóng phóng sự máy bay giám sát P-8 Hải quân Hoa Kỳ tuần tra không phận quốc tế gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Trong ngày khai mạc Đối thoại Shangri-la, Mỹ tiếp tục tố cáo Trung Quốc đặt pháo phòng không di động (bất hợp pháp) trên 1 đảo nhân tạo.

Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc dừng ngay lập tức và lâu dài các hoạt đông bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức phản ứng gay gắt. Tuy nhiên các chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung cho rằng, bất chấp điều này, phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-la đã né tránh các chủ đề nhạy cảm, chẳng hạn như bình luận về cách đối phó nếu Mỹ phái máy bay, tàu chiến tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo.

Họ biết rằng chủ đề này dễ dàng thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc. Vì vậy phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-la tập trung giới thiệu chiến lược "một vành đai, một con đường", cách tốt nhất để tránh xung đột đối đầu ngay tại diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực.

Hoàng Tinh, một chuyên gia về quan hệ Mỹ -  Trung tại đại học Quốc gia Singapore bình luận, Bắc Kinh đã cẩn thận và khéo léo hơn trong việc đối phó với các vấn đề nhạy cảm, đặc biệt liên quan đến quan hệ Trung - Mỹ, Trung - Nhật có thể dễ dàng thổi bùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan. 

"Bắc Kinh đã tìm thấy chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) có thể có hiệu quả trong việc duy trì sự ủng hộ đối với đảng cầm quyền bằng khách khoét sâu 'thế kỷ bị xỉ nhục' của Trung Quốc. Nhưng chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) này cũng có thể làm rối chiến lược 'một vành đai, một con đường'", Hoàng Tinh cho biết. Nói cách khác, Trung Nam Hải đã nhận thức được rằng, lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng như sử dụng con dao hai lưỡi, mà chơi dao sắc thì có ngày đứt tay - PV.

Hồng Thủy