Bạn nghĩ gì khi: Hàng nghìn GV chưa bao giờ có thưởng Tết?

31/12/2011 05:35
Lê Hoàng/VNE
Với những thầy cô cắm bản ở các bản làng xa xôi của Thanh Hóa, khái niệm thưởng Tết quá xa lạ

Cô Đoàn Thị Thọ, giáo viên trường mầm non Thạch Lâm (Thạch Thành, Thanh Hoá) cho biết, đã đi làm gần 10 năm nhưng chưa năm nào được thưởng Tết. “Cuối năm cơ quan bình xét nếu dạy tốt thì chỉ có mảnh giấy khen an ủi tinh thần. Nghe báo đài nói có nơi thưởng cả mấy trăm triệu, mình thấy tủi thân lắm. Thạch Lâm là xã đặc biệt khó khăn, thuộc vùng 135, mỗi năm xã thu ngân sách chỉ vẻn vẹn 30 triệu đồng thì lấy gì mà thưởng”, cô nói.

Cô Thọ trần tình bậc mầm non không tìm đâu ra các khoản phụ thu như dạy thêm, hay cho thuê địa điểm giống ở các trường phổ thông. Vì vậy giáo viên trong trường chưa được hưởng bất kỳ hỗ trợ nào khác ngoài quỹ chi tiêu nội bộ trường tích cóp được. "Tuy nhiên, đây là nỗi buồn chung cho hàng chục nghìn giáo viên bậc mầm non ở Thanh Hoá chứ không riêng gì tôi”, cô Thọ tự an ủi.

Cô Đoàn Thị Thọ, giáo viên trường mầm non xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tâm sự: “Tôi chưa bao giờ biết đến khái niệm được thưởng Tết”. Ảnh: Lê Hoàng.
Cô Đoàn Thị Thọ, giáo viên trường mầm non xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tâm sự: “Tôi chưa bao giờ biết đến khái niệm được thưởng Tết”. Ảnh: Lê Hoàng.

Đối với các trường THPT, từ năm 2006-2007, theo Nghị định 43 của Chính phủ, các trường được quyền tự chủ về tài chính. Theo đó, trường nào biết cân đối chi tiêu thì cuối năm sẽ còn dư một khoản để thưởng cho giáo viên. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, mặc dù các trường có cân đối thu chi giỏi cỡ nào đi chăng nữa thì khoản dư cuối năm cũng chẳng đáng là bao. Bởi phần lớn ngân sách cấp cho trường đều dành cho chi lương. Chính vì vậy thưởng Tết đối với giáo viên THPT vẫn chỉ gọi là có cho đỡ tủi.

Là người từng gắn bó với giáo dục vùng cao, thầy Nguyễn Trọng Hán, Hiệu phó trường tiểu học Trung Lý II, huyện vùng cao biên giới Mường Lát chia sẻ: "Từ ngày tôi ra trường nhận công tác cho đến nay, giáo viên ở trường chưa một lần được thưởng Tết. Ngân sách rót hàng năm luôn ở tình trạng cạn kiệt, thậm chí còn phải đề xuất xin thêm để trả lương cho giáo viên”.

Cũng theo ông Hán, một trong những giải pháp mà các trường vùng cao thường làm mỗi khi Tết đến là cho giáo nhận trước một tháng lương để chi tiêu dịp Tết. Bởi đa phần giáo viên đều ở dưới xuôi lên, nếu chỉ cấp một tháng lương thì lúc về quê cũng khó ăn khó nói, thậm chí có giáo viên trẻ khi nghỉ Tết còn không có tiền đi xe về.

Một số giáo viên ở khu vực biên giới, vùng sâu chia sẻ, thời gian này các thầy chẳng có thời gian để chạnh lòng với thưởng Tết. Ai cũng bận rộn đến từng gia đình để động viên học sinh quay lại lớp bởi giáp Tết nhiều em bỏ học lên nương hay ở nhà phụ giúp gia đình. Nhiều đồng bào dân tộc thương thầy cô cắm bản mang biếu chai mật ong rừng, ít măng rừng hay cân gạo, con gà... gọi là quà quê, đó đã là niềm an ủi lớn đối với các thầy cô.

Cô giáo Trịnh Kim Quế đang công tác tại một xã khó khăn thuộc huyện biên giới vùng cao Mường Lát chia sẻ, cô đã vượt gần 200 km lên vùng biên công tác rồi phải lao động cật lực quanh năm suốt tháng mà không biết đến khái niệm thưởng Tết. "Ở đây học sinh đến lớp là vui rồi chứ nghĩ gì đến chuyện thưởng Tết. Năm ngoái cầm tiền lương về đến nhà chỉ mua được mấy cân gạo nếp, cân thịt, ít kẹo là hết. Nhờ hai bên nội ngoại hỗ trợ nên Tết còn rôm rả chứ trông vào lương thưởng thì lo không nổi", cô Quế bộc bạch.

giao vien
Một khu lều trọ học của học sinh trường THCS Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát, Thanh Hoá. Ảnh: Lê Hoàng.

Ông Lê Văn Nguồn, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Thanh Hoá cho biết, Sở không quy định mức thưởng

Được đồng bào dân tộc thương mang biếu chai mật ong, ít măng rừng hay con gà..., đó đã là niềm an ủi lớn đối với thầy cô.

Tết cho giáo viên, việc này tùy thuộc hoàn toàn vào quyết định của từng trường. Các trường có cách thưởng khác nhau tùy thuộc vào kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm hàng năm của mỗi đơn vị.

Cũng theo ông Nguồn, theo “truyền thống" từ trước đến nay, trong danh mục chi trả cho giáo viên của các trường không có khoản tiền thưởng Tết. Lý do trường học không phải là doanh nghiệp, không có nguồn thu thì lấy đâu ra kinh phí chi trả. Vì thế bao nhiêu năm qua, ngành giáo dục gần như không tồn tại khái niệm thưởng Tết.

“Hiện Thanh Hoá có hơn 47.000 giáo viên các cấp, nếu xin kinh phí UBND tỉnh thưởng cho mỗi giáo viên 100.000 đồng thôi thì cũng mất 4,7 tỷ đồng, đây là con số không nhỏ. Trong khi hệ thống cơ sở vật chất ở các trường, nhất là 7 huyện nghèo còn rất khó khăn nên đề xuất này xem ra cũng khó", ông Nguồn tâm sự.

Theo báo cáo nhanh của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, mức thưởng Tết dương lịch khủng nhất là 700 triệu đồng một người thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); đây là mức thưởng cá nhân cao nhất, không phải là mức bình quân.

Đứng sau doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước thưởng Tết dương lịch nhiều nhất là 89 triệu đồng, tăng 15,58% năm trước, nhưng người thấp nhất chỉ có 453.000 đồng. Kế đến là doanh nghiệp tư nhân, trả thưởng cao nhất 88,246 triệu đồng, thấp nhất 910.000 đồng.

Ở một số nơi, doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới nên đã tặng dầu ăn, hạt dưa... cho người lao động, coi như phần quà Tết vui xuân. Có nơi, nhân viên chỉ được thưởng 50.000 đồng, nhưng là mức thưởng cao gần gấp đôi năm ngoái.

Lê Hoàng/VNE