Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992:

Bàn về vai trò của Chủ tịch nước với sự phát triển dân tộc

27/02/2013 07:16
Ngọc Quang
(GDVN) - “Khi cử tri cả nước trực tiếp bầu ra Chủ tịch nước thì quyền lực của Chủ tịch nước nhận được là từ nhân dân nên sẽ có thực quyền và có thể kiểm soát được các nhánh quyền lực khác. Hiến pháp phải qui định giới hạn số nhiệm kỳ đảm nhiệm chức vụ của Chủ tịch nước, bởi vì khả năng của con người không phải vô hạn”.

Tại hội thảo khoa học góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có sự tham dự của hàng loạt quan chức và cựu quan chức như ông Nguyễn Sĩ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Văn Yểu – nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Trần Ngọc Đường - Chuyên gia cao cấp của Quốc hội và hàng loạt các nhà khoa học khác, PGS.TS Nguyễn Thị Hồi – Giảng viên Khoa Lý luận – Lịch sử (ĐH Luật Hà Nội) đã nêu ý kiến về vai trò quan trọng của Chủ tịch nước với sự phát triển của dân tộc Việt Nam.

PGS Hồi phân tích: Quy định về Chủ tịch nước được trình bày từ Điều 91 đến Điều 98. Về các điều này, chúng tôi thấy có một số nội dung cần bàn thêm. Trước tiên, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quy định về vị trí của Chủ tịch nước trong Điều 91 của dự thảo.

Bên cạnh đó, PGS Nguyễn Thị Hồi cũng nêu ra Điều 92 của dự thảo và đề nghị thiết kế lại toàn bộ. Sở dĩ như vậy là vì ở phần lớn các quốc gia đương đại, bộ máy nhà nước thường có một nhân vật trung tâm của quyền lực nhà nước, có ảnh hưởng tới nhà nước lớn đến mức hễ nói đến nhà nước đó là người ta nhắc ngay đến nhân vật này. Chẳng hạn, nói đến nước Mỹ, nước Pháp, nước Nga... là người ta nhắc ngay đến tổng thống của họ, nói đến các nước Anh, Nhật, Đức, Italia... là người ta nhắc ngay đến Thủ tướng của các nước đó.

“Như vậy, nhân vật trung tâm của bộ máy nhà nước, trung tâm của quyền lực nhà nước ở phần lớn các quốc gia đương đại có thể là nguyên thủ quốc gia hoặc thủ tướng chính phủ. Người này là linh hồn, là trung tâm quyết sách của chính phủ, có quyền lựa chọn nhân sự và phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của chính phủ. Tôi cho rằng, theo tập tục và truyền thống phương Đông thì ở nước ta hiện nay, người này nên là Chủ tịch nước.

Chúng ta đề cao vai trò của quần chúng nhân dân nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của cá nhân trong lịch sử. Thực tế đã chứng minh nếu nguyên thủ quốc gia là một người tài đức và có thực quyền trong lĩnh vực hành pháp thì có thể dẫn dắt quốc gia vững bước trên con đường phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những ví dụ điển hình”, PGS Hồi nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Hồi - Giảng viên Khoa Lý luận - Lịch sử ĐH Luật Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồi - Giảng viên Khoa Lý luận - Lịch sử ĐH Luật Hà Nội.

PGS Hồi chỉ rõ, theo quy định của Hiến pháp hiện hành, Chủ tịch nước chỉ đứng đầu Nhà nước mà không phải là thành viên của Chính phủ nên quyền lực của Chủ tịch nước trong lĩnh vực hành pháp còn khá khiêm tốn. Thiết nghĩ, dự thảo nên tăng thêm hơn nữa quyền lực cho Chủ tịch nước trong lĩnh vực hành pháp, nhất là những vấn đề liên quan tới nhân sự và chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ.

Thêm vào đó, chính cơ chế “kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2 dự thảo), cũng đòi hỏi phải tăng thêm quyền lực cho Chủ tịch nước, vì vậy, chúng tôi đề nghị viết Điều này như sau: “Chủ tịch nước do cử tri cả nước trực tiếp bầu ra thông qua tuyển cử phổ  thông đầu phiếu. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là 5 năm. Không ai được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước quá hai nhiệm kỳ”.

PGS Nguyễn Thị Hồi lý giải: “Sở dĩ chúng tôi đề nghị như vậy là vì khi cử tri cả nước trực tiếp bầu ra Chủ tịch nước thì quyền lực của Chủ tịch nước nhận được là từ nhân dân nên sẽ có thực quyền và có thể kiểm soát được các nhánh quyền lực khác. Hiến pháp phải qui định giới hạn số nhiệm kỳ đảm nhiệm chức vụ của Chủ tịch nước, bởi vì khả năng của con người không phải vô hạn.

Thiết nghĩ, trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước và Chính phủ, khả năng, tâm trí và sức lực của Chủ tịch nước đã được huy động đến mức tối đa, tài năng đã được bộc lộ hết. Vì vậy, chức vụ này phải được trao cho người khác để vừa có thể huy động được nhiều nhân tài phục vụ cho đất nước, vừa có thể tránh được tình trạng chuyên quyền, trì trệ khi quyền lực nằm quá lâu trong tay một người, vừa có thể mang lại sự đổi mới trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và bước phát triển mới cho đất nước”.

Ngoài ra, PGS Hồi cũng nhắc tới Điều 93 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số khoản theo hướng tăng cường quyền lực của Chủ tịch nước trong lĩnh vực hành pháp và đối với việc thành lập Hội đồng Hiến pháp. Cụ thể, khoản 2 Điều 93 sửa thành: “Đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ”; khoản 3 sửa thành “Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trình Quốc hội phê chuẩn Danh sách thành viên Hội đồng Hiến pháp, Danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; bổ nhiệm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các tòa án khác, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá…”.

Ngọc Quang