Bảng tuần hoàn hóa học bổ sung thêm 3 nguyên tố mới

06/11/2011 09:00
Nguyễn Hường (Theo Telegraph)
(GDVN) - Bảng tuần hoàn hóa học đã chính thức được các nhà khoa học bổ sung thêm 3 nguyên tố.
Quyết định trên được Hiệp hội Hoá Cơ bản và Ứng dụng Quốc tế (IUPAC) thông qua trong một cuộc họp diễn ra tại Viện Vật lý ở London (Anh) hôm 5/11. IUPAP hiện có các thành viên là các nhà vật lý học thuộc các học viện vật lý quốc gia từ 60 nước trên thế giới.

Theo đó, 3 nguyên tố mới sẽ có tên gọi là nguyên tố 110, 111 và 112 hay lần lượt là darmstadtium (Ds), roentgenium (Rg) và copernicium (Cn).

Đây là các nguyên tố được biết tới là các nguyên tố siêu nặng và không ổn định. Chúng chỉ có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm và nhanh chóng bị phá vỡ khi có các nguyên tố khác tác động tới.

Tiến sĩ Robert Kirby-Harris, Giám đốc điều hành tại IOP và Tổng thư ký IUPAP, cho biết: "Quyết định trên được thông qua dựa trên sự tham khảo ý kiến của các nhà vật lý trên khắp thế giới và chúng tôi vui mừng khi thấy chúng xuất hiện trên bảng tuần hoàn hóa học".

Copernicium được đặt tên theo tên của nhà thiên văn học Nicolaus Copernicus, một người Phổ đã qua đời năm 1543 và lần đầu tiên cho rằng trái đất xoay quanh mặt trời. Nguyên tố này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1996 sau khi các nhà khoa học Đức bắn chùm tia chứa ion kẽm vào nguyên tử chì và kết quả là cho ra đời một nguyên tố phóng xạ nặng mới.

Roentgenium được phát hiện vào năm 1994 bởi một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Ion nặng GSI Helmholtz ở Đức. Nó được đặt theo tên của nhà vật lý người Đức từng đạt giải Nobel vật lí Wilhelm Conrad Roentgen, người đầu tiên phát hiện có thể tạo ra tia X vào năm 1895.

Darmstadtium được phát hiện bởi cùng nhóm nhà khoa học trên vào năm 1994 và được đặt tên theo tên thành phố Darmstadt, nơi đặt trụ sở của Trung tâm GSI Helmholtz.
Nguyễn Hường (Theo Telegraph)