Bangladesh hủy dự án xây cảng nước sâu do Trung Quốc đề xuất

11/02/2016 07:56
Đông Bình
(GDVN) - Bangladesh đã hủy bỏ dự án cảng do Trung Quốc đề xuất, trong khi Nhật Bản, Ấn Độ đều quan tâm xây dựng các cảng khác, cạnh tranh chiến lược Trung-Ấn gia tăng

The Times of India ngày 8/2 cho hay, do quan hệ giữa Ấn Độ và Bangladesh từng bước được tăng cường, New Delhi vừa bày tỏ quan tâm tới dự án xây dựng cảng Payra - một cảng nước sâu mới nhất ở nước láng giềng này.

Biên đội tàu Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu Hải quân Trung Quốc

Đây là một động thái quan trọng của Ấn Độ, cũng cho thấy xu hướng quan hệ chiến lược của hai nước. Ngoài ra, Nhật Bản có thể sẽ xây dựng một cảng nước sâu khác ở Cox's Bazar, đó là cảng Matarbari.

Đối với New Delhi, cảng Sonadia và cảng Hambantota (Sri Lanka), cùng với cảng Gwadar (Pakistan) đều thuộc chiến lược "chuỗi ngọc trai" do Trung Quốc triển khai để bao vây Ấn Độ từ hướng biển.

Bài viết cho hay, Bangladesh đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng một cảng ở Sonadia - đông nam Bangladesh do Trung Quốc đề xuất. Nếu cảng này được xây dựng xong, vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tăng lên, thế lực Bắc Kinh áp sát quần đảo Andaman - Nicobar của Ấn Độ.

Mặc dù nguyên nhân chính thức hủy bỏ kế hoạch cảng Sonadia là cảng này thiếu tính khả thi thương mại, nhưng cảng Matarbari do Nhật Bản phát triển cách cảng này chỉ 25 km.

Trung Quốc không chỉ đã chuẩn bị một nghiên cứu khả thi cho cảng Sonadia, họ còn từng cam kết cung cấp tài trợ lớn cho cảng này.

Hủy bỏ dự án cảng Sonadia rõ ràng là một quyết định chiến lược của Bangladesh, đồng thời chắc chắn nó có bàn tay thúc đẩy của Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Từ năm 2014, dự án cảng Payra mới bắt đầu được thúc đẩy. Chính phủ Bangladesh quyết định dùng phương thức hợp tác công tư để xây dựng cảng này. Nguồn tin cho hay, một cố vấn làm việc tại Anh đang tiến hành một nghiên cứu tính khả thi.

Cảng này sẽ được xây dựng trong thời gian 7 năm, nhưng việc xây dựng không chỉ bao gồm cảng, mà còn phải khơi thông cửa ngõ dẫn vào cảng do cảng này đã tích tụ rất nhiều phù sa, vì vậy phải nạo vét tuyến hàng hải này để bảo đảm cho tàu cỡ lớn có thể đi qua.

Cảng Payra nằm ở góc tây nam của Bangladesh, rất gần đường bờ biển của Ấn Độ. Các doanh nghiệp Ấn Độ đã bắt đầu bày tỏ quan tâm đầu tư đối với dự án cảng Payra.

Có khoảng 10 nước đã bày tỏ quan tâm tới dự án này bao gồm Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh đang triển khai chiến lược "một vành đai, một con đường", đưa các cảng biển từ Biển Đông nối với Ấn Độ Dương và vươn tới châu Âu vào kế hoạch của họ. Tuy nhiên điều này không hề dễ dàng, do sự cảnh giác và lo ngại đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Những nước ở khu vực Ấn Độ Dương đã trở thành đối tượng tranh chấp ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ấn Độ dường như quyết giữ vai trò chủ đạo ở "sân sau" của mình, ngăn chặn các động thái gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Để vươn ra toàn cầu thúc đẩy các lợi ích chiến lược và kinh tế, Trung Quốc đang tiến hành một đợt cải cách quân đội quy mô lớn.

Đáng chú ý, vào đầu tháng 2/2016, Tổng thống Djibouti thậm chí cho biết, Trung Quốc sẽ sớm khởi công xây dựng một căn cứ hải quân ở nước này. Như vậy, đây sẽ là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài và ở khu vực chiến lược Trung Đông-Bắc Phi.

Đông Bình