Báo cáo đánh giá tác động VNEN có thực sự là của Ngân hàng Thế giới?

13/09/2017 07:20
Đạt Nguyễn
(GDVN) - Nếu cứ theo nội dung báo cáo này, thì đây không phải là báo cáo chính thức của Ngân hàng Thế giới, dù được tuyên bố là tổ chức này công bố.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết phân tích báo cáo Đánh giá tác động VNEN được cho là Ngân hàng Thế giới công bố trên website của mình ngày 15/8/2017 từ thầy Đạt Nguyễn.

Tòa soạn xin trân trọng cảm ơn thày Đạt Nguyễn, một cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết đã chứng kiến và tham gia triển khai thí điểm VNEN từ ngày đầu tiên Việt Nam biết đến mô hình Trường học mới.

Do bài viết khá dài, chúng tôi biên tập thành 2 phần, tiêu đề 2 phần của bài viết này do Tòa soạn đặt.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng kính mời các nhà nghiên cứu, các nhà giáo và những ai quan tâm đến VNEN tiếp tục tham gia thảo luận về mô hình này, làm rõ tính chất, đặc điểm và mức độ phù hợp của nó với nền giáo dục Việt Nam.

Bài viết của quý vị xin vui lòng gửi về Tòa soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn, xin trân trọng cảm ơn!

Tôi muốn dành vài dòng đầu tiên của bài viết này để hoan nghênh Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên tiếp đăng tin về việc Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo đánh giá tác động VNEN. 

Điều này thể hiện sự nhất quán và trung thực rất đáng quý của Quý Toà soạn xét trên quan điểm thông tin đa chiều và phục vụ kịp thời đối với những vấn đề bạn đọc quan tâm. 

Hình minh họa chụp từ báo cáo: “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” (bản dịch đầy đủ 185 trang của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông).
Hình minh họa chụp từ báo cáo: “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” (bản dịch đầy đủ 185 trang của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông).

Tôi cũng tìm và đọc thấy tin liên quan được đăng tải trên các báo khác như Tuổi Trẻ, Thanh Niên với rất nhiều lời bình luận của bạn đọc bày tỏ sự hoài nghi đối với báo cáo này. 

Riêng mình, tôi đón nhận tin này không một chút bất ngờ vì, qua phát biểu trên báo chí của một số quan chức giáo dục trước đây, đã biết là Ngân hàng Thế giới sẽ có một công bố gì đó về VNEN. 

Và khi đọc tóm tắt nội dung được công bố, với kinh nghiệm hơn 30 năm công tác, tôi càng hiểu thêm hơn sự thâm thuý của ông cha ta đã đúc kết về tâm lí “xấu che, tốt khoe” rất phổ biến trong hệ thống giáo dục và xã hội chúng ta. 

Với mong muốn thật lòng là sẽ tìm thấy cho bản thân những lí lẽ thuyết phục về kết quả thực sự của VNEN và vì không thoả mãn với phần tóm tắt đăng tải trên các báo, tôi đã tìm đọc toàn văn bản:

“Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” (bản dịch đầy đủ 185 trang của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông).

Tôi cũng cố gắng tìm đọc bản gốc báo cáo (bằng tiếng Anh) trên website của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên truy cập vào website của Ngân hàng Thế giới, chúng tôi chưa tìm thấy bản báo cáo đánh giá nào về VNEN công bố ngày 15/8/2017 như thầy Đặng Tự Ân giới thiệu trên Báo Giáo dục và Thời đại ngày 11/9/2017. [1]

Ảnh chụp màn hình thông tin ông Đặng Tự Ân, nguyên Chuyên gia trưởng dự án VNEN viết trên Báo Giáo dục và Thời đại ngày 11/9/2017. Phần bôi vàng là để nhấn mạnh mốc thời gian và thông tin Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo đánh giá tác động VNEN.
Ảnh chụp màn hình thông tin ông Đặng Tự Ân, nguyên Chuyên gia trưởng dự án VNEN viết trên Báo Giáo dục và Thời đại ngày 11/9/2017. Phần bôi vàng là để nhấn mạnh mốc thời gian và thông tin Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo đánh giá tác động VNEN.

Trong tháng 8/2017, Ngân hàng Thế giới chỉ công bố 1 báo cáo về tài liệu kiểm toán số AUD0009160 ngày 6/8/2017. [2]

Những nhận xét của người viết trong bài viết này dựa vào bản dịch báo cáo mà Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cung cấp cho báo giới.

Trước hết, phải nhìn nhận đây là một báo cáo khoa học được thực hiện một cách công phu, vừa khái quát, vừa tỉ mỉ. 

Nhóm tác giả đã viện dẫn, vận dụng nhiều lí thuyết giáo dục hiện đại và phương pháp khảo sát, đo lường tiên tiến vào quá trình thu thập, nghiên cứu, phân tích dữ liệu, đánh giá hiện trạng và đề xuất định hướng cho việc tiếp tục nghiên cứu sau này. 

Ngôn phong sử dụng chừng mực, khá cẩn trọng. 

Theo báo cáo, trong 3 năm triển khai dự án VNEN, nhóm tác giả đã tiến hành lập cơ sở dữ liệu từ việc khảo sát tại 648 trường tiểu học, trong đó có 50% là trường không VNEN để đối chứng (dự kiến là 660 trường; trong đó, có 440 trường thuộc các tỉnh khó khăn, 220 trường thuộc các tỉnh khá trở lên); 

Đồng thời, các tác giả cũng đã tổ chức ghi hình hơn 270 tiết dạy 2 môn Tiếng Việt và Toán của 45 giáo viên tại 15 trường tiểu học, hầu hết là các trường VNEN ở 4 tỉnh. 

Là người đã công tác trong ngành giáo dục ở một địa phương có triển khai VNEN, tôi xác nhận:

Nhóm tác giả đã cử người về tiến hành khảo sát tại các trường VNEN và trường không VNEN được chọn mẫu ngẫu nhiên trong thời gian 3 năm liên tục (2013-2015), mỗi năm 1 lần, mỗi lần 1 ngày đúng như báo cáo đã nêu.

Tuy nhiên, để tránh sự ngộ nhận vô tình hay hữu ý, tôi cho rằng cần phải nhấn mạnh rõ ba điểm sau:

(1) Nếu cứ theo nội dung báo cáo này, thì đây không phải là báo cáo chính thức của Ngân hàng Thế giới, dù được tuyên bố là tổ chức này công bố báo cáo nói trên ngay trên trang web chính thức của mình, mà cho đến nay chúng tôi chưa tìm được bản gốc. [2]

“Các phát hiện, diễn giải và kết luận thể hiện trong báo cáo này và tất cả các bản khác của báo cáo này hoàn toàn là của các tác giả. 

Họ không nhất thiết phải đại diện cho quan điểm của Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển / Ngân hàng Thế giới và các tổ chức liên quan của các Giám đốc diều hành của Ngân hàng Thế giới hoặc các chính phủ mà họ đại diện.”

(Trang 7 – Lời cảm ơn của Nhóm tác giả).

Ảnh chụp một phần trang 6 bản dịch báo cáo “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” (bản dịch đầy đủ 185 trang của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cung cấp cho báo giới), phần Lời cảm ơn cho thấy các thầy Nguyễn Vinh Hiển, Phạm Ngọc Định, Đặng Tự Ân và Lê Tiến Thành tham gia vào báo cáo này.
Ảnh chụp một phần trang 6 bản dịch báo cáo “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” (bản dịch đầy đủ 185 trang của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cung cấp cho báo giới), phần Lời cảm ơn cho thấy các thầy Nguyễn Vinh Hiển, Phạm Ngọc Định, Đặng Tự Ân và Lê Tiến Thành tham gia vào báo cáo này.

“Một số quyền hạn được bảo lưu – Nghiên cứu này là một sản phẩm của các nhân viên Ngân hàng Thế giới với sự đóng góp từ bên ngoài. 

Những phát hiện, giải thích và kết luận trong nghiên cứu này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ngân hàng Thế giới, Ban điều hành, hoặc các chính phủ mà chúng đại diện. 

Ngân hàng Thế giới không đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong báo cáo này. 

Các đường biên, màu sắc, định giá và thông tin khác thể hiện trong biểu đồ của báo cáo này không có ngụ ý đánh giá từ phía Ngân hàng Thế giới đối với tình trạng pháp lý của bất cứ lãnh thổ nào và cũng không xác nhận hoặc chấp nhận những biên giới này. 

Không có gì ở đây cấu thành hoặc được xem là hạn chế hoặc loại bỏ đặc quyền và sự miễn trừ của Ngân hàng Thế giới, tất cả đặc quyền và sự miễn trừ này đều được bảo lưu.” (Trích trang 185)

Ảnh chụp màn hình trang 185 báo cáo “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” (bản dịch đầy đủ 185 trang của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cung cấp cho báo giới).
Ảnh chụp màn hình trang 185 báo cáo “Nâng cao chất lượng trường học Việt Nam thông qua học tập tích cực và hợp tác – Nghiên cứu đánh giá tác động” (bản dịch đầy đủ 185 trang của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cung cấp cho báo giới).

(2) Từ nhiệm vụ, mục tiêu và thành phần nhóm nghiên cứu, có thể khẳng định đây là một nghiên cứu chủ yếu nhằm làm sáng tỏ, củng cố, bổ sung cho hệ thống lí thuyết khoa học giáo dục của mô hình VNEN.

Và đây là báo cáo có tính chất đánh giá nội bộ (đánh giá trong), dù có khảo sát một số trường ngoài VNEN để đối chứng.

(3) Cụm từ “câu chuyện thành công” trong các câu “Hệ thống giáo dục của Việt Nam được quốc tế công nhận là một ‘câu chuyện thành công’.” (Những kết quả nổi bật, Tóm tắt –trang 11).

“Nền giáo dục Việt Nam được xem như một “câu chuyện thành công” trong mắt cộng đồng quốc tế. 

Do đó, việc tiếp tục liên kết với cộng đồng nghiên cứu giáo dục quốc tế sẽ đem đến nhiều lợi ích chung cho cả Việt Nam lẫn các quốc gia khác có mong muốn học tập từ kinh nghiệm cuả Việt Nam.”

(Những phát hiện chính – trang 22).

Xét trong ngữ cảnh từng phần và toàn văn báo cáo, sẽ thấy rõ các tác giả chủ yếu đề cập/liên hệ đến kết quả phổ cập giáo dục cao; tỉ lệ người đi học nam, nữ tương đương nhau;

Chất lượng học sinh phổ thông qua các lần khảo sát PISA đạt cao so sánh với các nước OECD và những thành tích vang dội ở các kì Olympic quốc tế,…

Các tác giả xem các thông tin nói trên như những điểm nổi trội của giáo dục Việt Nam trong những thập niên vừa qua, chứ hoàn toàn không có hàm ý nào về sự thành công của VNEN.

Mời quý độc giả quan tâm đón đọc phần II: 

Báo cáo đánh giá tác động VNEN còn nặng tư duy nhị phân, không ta thì là địch

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhin-nhan-ve-danh-gia-tac-dong-vnen-3781542.html

[2]http://projects.worldbank.org/P120867/vietnam-global-partnership-education-vietnam-escuela-nueva-project?lang=en&tab=documents&subTab=projectDocuments

Đạt Nguyễn