Báo chí nêu về bà Đặng Thị Hoàng Yến có điểm đúng

19/10/2011 15:17
Thế Dũng/Người lao động
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH.
Một số nội dung liên quan đến tư cách đại biểu QH Đặng Thị Hoàng Yến cần phải tiếp tục làm rõ thêm như bị khởi tố, cấm xuất cảnh, có trốn ra nước ngoài, có chuyển tiền bất hợp pháp hay không, việc ly hôn với ông Jimmy Trần…
Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến phát biểu tại kỳ họp thứ nhất, QH khoá XIII
Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến phát biểu tại kỳ họp thứ nhất, QH khoá XIII
Sáng nay, 19-10, đã diễn ra cuộc họp báo về nội dung chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIII khai mạc vào sáng mai 20-10. Trả lời câu hỏi của báo chí về kết quả thẩm tra tư cách đại biểu QH Đặng Thị Hoàng Yến đã đến đâu, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ thông tin trên báo chí, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri đã hỏi rất nhiều về việc báo chí đưa tin về trường hợp đại biểu QH Đặng Thị Hoàng Yến. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH đã giao Ban Công tác Đại biểu đi xác minh những vấn đề báo chí nêu, trong đó gồm 5 nội dung. “Hiện vẫn đang quá trình xác minh, khi kết thúc sẽ gửi báo cáo tới các đại biểu và công bố công khai. Tuy nhiên, theo kết quả xác minh ban đầu, báo chí nêu có điều đúng, có điều chưa có cơ sở, có điều chưa chuẩn lắm”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói. Ông dẫn ví dụ về một số báo chí nêu như quê quán của bà Yến không phải là Hải Phòng mà là ở phường 10, quận Phú Nhuận (Sài Gòn nay là TPHCM). Hay việc đại biểu đi vận động cử tri bằng tặng quà để tranh cử vào ngày 29-4 là không có cơ sở lắm. "Thực tế, doanh nghiệp này làm từ thiện nhiều, tuy nhiên, thời điểm này rất nhạy cảm vì sát thời kỳ ứng cử viên đi tiếp xúc cử tri nên dễ gây bức xúc, hoài nghi rằng bà Yến đi vận động", ông Phúc nhìn nhận. Cũng theo ông Phúc, suốt quá trình hiệp thương, niêm yết, công khai về đại biểu QH Đặng Thị Hoàng Yến, cơ quan có thẩm quyền không nhận được đơn, thư tố cáo nào về đại biểu này mà chỉ tới Kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII vào tháng 7-2011 mới có báo chí nêu. Do vậy, công tác xem xét, thẩm tra tư cách đại biểu chỉ được tiến hành khi có đơn thư tố cáo. Ngoài ra, theo ông Phúc, còn một số nội dung liên quan đến tư cách đại biểu QH Đặng Thị Hoàng Yến cần phải làm rõ thêm như bị khởi tố, cấm xuất cảnh, có trốn ra nước ngoài hay có chuyển tiền bất hợp pháp hay không, ly hôn với ông Jimmy Trần…. hiện vẫn đang tiếp tục xác minh. Bà Đặng Thị Hoàng Yến là Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Đức, là một trong số gần 40 doanh nhân trúng cử đại biểu QH khóa XIII, là đại biểu QH tỉnh Long An.
Thông qua 5 dự án luật
 
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII khai mạc ngày mai (20-10) và kết thúc ngày 26-11 với  41 buổi làm việc ở hội trường, 12 buổi làm việc tại tổ.

Trong thời gian làm việc ở hội trường, nội dung chủ yếu kỳ họp là các vấn đề kinh tế xã hội cả năm và kế hoạch 5 năm. Kỳ họp sẽ thông qua 5 dự luật (Cơ yếu, Lưu trữ, Khiếu nại, Tố cáo, Đo lường) và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII.

Ngoài ra, kỳ họp còn cho ý kiến 13 dự án luật như: Luật Biển Việt Nam, Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Giáo dục đại học; các luật về Giá, Tài nguyên nước …

Tại kỳ họp, QH cũng tập trung xem xét các báo cáo: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phương án bổ sung ngân sách trung ương…

Đặc biệt, QH dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Trả lời báo chí về việc tại kỳ họp thứ nhất, dự án Luật Biển Việt Nam đã được Chính phủ đề nghị QH thông qua vào kỳ họp thứ hai này nhưng theo chương trình kỳ họp thì dự luật này sẽ không được thông qua, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, chương trình kỳ họp được xây dựng trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn đại biểu QH.

“Do vậy, tại kỳ họp này, Luật Biển Việt Nam mới đưa ra xin ý kiến QH lần đầu và còn phụ thuộc ý kiến của các đại biểu nên chưa thông qua. Do thời gian giữa 2 kỳ họp gần nhau (tháng 7 và tháng 10-2011 – PV) nên cơ quan soạn luật chưa chuẩn bị kịp”, ông Phúc nói.
Thế Dũng/Người lao động