Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam- địa chỉ tin cậy của giáo viên

23/06/2019 06:31
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Mỗi chủ đề đều có một loạt bài viết phân tích dưới nhiều góc nhìn khác nhau nhằm cung cấp cho người đọc có những cái nhìn thấu đáo, tường tận.

Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đã trôi qua, có lẽ những niềm vui, hạnh phúc của những người làm báo rồi cũng lắng lại để tiếp tục cho những công việc mới, sản phẩm mới đến với bạn đọc.

Là một cộng tác viên và cũng là một bạn đọc hàng ngày của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua nên chúng tôi luôn cảm nhận được tình cảm của bạn đọc dành cho Ban biên tập, phóng viên và các cộng tác viên.

Tình cảm của bạn đọc cả nước dành cho Báo là họ tìm thấy tiếng lòng, sự đồng cảm của mình trong từng bài viết hàng ngày được đăng tải.

Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng đến thăm và làm việc với Ban biên tập, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.
Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng đến thăm và làm việc với Ban biên tập, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.

Bên cạnh những bài viết của phóng viên luôn bám sát các sự kiện, chính sách của đất nước là những bài viết của nhiều cộng tác viên trên cả nước phản ánh những tấm gương người tốt, việc tốt, những bất cập, những mặt trái nơi cơ sở với nhiều góc nhìn đa chiều nhất.

Nhiều giáo viên trên cả nước đồng cảm với những bài viết trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam là những sự kiện, những chính sách giáo dục, những thay đổi của ngành giáo dục được phân tích cụ thể, chi tiết và sát thực.

Những cái gì mà giáo viên còn vướng mắc trong quá trình công tác đều có thể tìm thấy trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cái hay của Báo là không chạy theo những thông tin giật gân như hãm hiếp, chém giết, những nhố nhăng của của một số “sao” tạo xì căng đan để nổi tiếng.

Những chủ đề, những bài viết luôn bám sát các sự kiện xã hội, những chính sách của ngành giáo dục, những thời điểm cụ thể trong năm học. Có những bài viết ghi lại những tình cảm, cảm xúc, những kỷ niệm đẹp của tình thầy trò khiến cho người đọc rưng rưng.

Nhưng, có những loạt bài đọc khiến cho người đọc không thể bỏ qua một chữ nào bởi đó là những lý lẽ thuyết phục, những dẫn chứng cụ thể mà dân gian thường vẫn gọi đó là “nói có sách mách có chứng”.

Vậy nên, loạt bài về chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa, về mô hình VNEN dù có đụng đến rất nhiều người nhưng những người được đề cập không thể bắt bẻ được nội dung của từng bài viết đã đăng tải.

Những cái tít của các bài báo không hề giật gân, câu khách mà đó là những cái tít sát thực, bám vào nội dung bài viết với những câu chữ nhẹ nhàng, giản đơn dễ đi vào lòng người đọc.

Vì thế, những bài viết đi sâu vào lòng người đọc với nhiều chức năng quan trọng hơn là đọc để giải trí đơn thuần.

Mỗi chủ đề đều có một loạt bài viết phân tích dưới nhiều góc nhìn khác nhau nhằm cung cấp cho người đọc có những cái nhìn thấu đáo, tường tận.

Chẳng hạn, những ngày qua, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt  bài phản ánh về việc giáo viên các địa phương đi học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Từ bài viết phát hiện, đến bài viết phân tích bất cập, sự tốn kém của giáo viên, việc giáo viên nào cần học, chưa cần học đến việc trả lời của cơ quan chức năng cao nhất giải đáp.

Từ việc các trường đại học được Bộ Giáo dục cho phép đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ đến việc liên kết đào tạo với giá cắt cổ và cuối cùng là những giáo viên nào cần chứng chỉ ngoại ngữ.

Nhiều người cứ ngỡ lãnh đạo trường mình, ngành giáo dục của địa phương mình đều là những người trong sáng, sốt sắng với học sinh, với phụ huynh trong việc tìm kiếm các dịch vụ để tạo sự thuận lợi cho học sinh.

Nhưng, những loạt bài về hoa hồng, về những mánh khóe, chiêu thức lập lờ suất ăn bán trú, việc các Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo bán sách giáo khoa, sách tuyển sinh 10, tin nhắn điện tử...Những bài viết đó giúp cho phụ huynh có cái nhìn rõ hơn về bản chất vấn đề.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam- địa chỉ tin cậy của giáo viên ảnh 3Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam luôn là người bạn của chúng tôi

Những góc khuất của các kỳ thi như chuyện ra đề thi, chấm thi, phúc khảo đều có trên giaoduc.net và những bài viết đó độc giả tường tận hơn về chốn vẫn được xem là "thâm cung bí sử" ít người dám nói.

Cái hay nữa là giaoduc.net đã quy tụ được nhiều cộng tác viên là những chuyên gia, những nhà giáo đã và đang trực tiếp giảng dạy ở nhiều cấp học trên cả nước từ cộng tác lâu dài.

Làm được điều này chính là tình cảm của Ban biên tập dành cho mỗi thầy cô khi cộng tác viết bài với tòa soạn.

Đó là những trao đổi, góp ý chí tình về nội dung bài viết qua những email trực tiếp của Ban biên tập, Ban thư ký tòa soạn…chứ không phải là những email trả lời tự động như một số báo khác mà những cộng tác viên thường thấy.

“Ngôi nhà” Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rộng cửa đón mời mọi người đến và luôn khiến những “khách thập phương” luyến lưu ở lại.

Chính cái tình, cái nghĩa, chính sự chân thành mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam luôn có những bài viết dưới nhiều góc độ khác nhau để tạo nên "một thương hiệu riêng" mà nhiều báo khác không có được.

Chính sự khách khách quan, cụ thể và chính xác trong thông tin, gần gũi với công việc, với cuộc sống đời thường của người thầy mà những độc giả luôn dành trọn tình yêu cho Báo.

Càng ngày, bạn đọc cả nước biết đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều hơn, thường xuyên hơn và dành nhiều tình cảm hơn cho Báo. Điều này được phản ánh cụ thể qua những phản hồi, tương tác quen thuộc của nhiều bạn đọc trong thời gian qua.

NGUYỄN CAO