Bảo hiểm xã hội tiếp tục chi trả nhiều tỷ đồng tiền khám chữa bệnh

03/06/2019 16:47
Diệu Linh
(GDVN) - Trong tháng 5/2019, cả nước có khoảng 15,4 triệu lượt người khám chữa bệnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo số liệu thống kê tính đến ngày 28/5/2019 trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của ngành có: Tổng cộng 68,57 triệu lượt khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế với số tiền đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán là 37.688,65 tỷ đồng.

Cụ thể: 62,41 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú với số tiền đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán là 14.786,35 tỷ đồng.

6,16 triệu lượt khám chữa bệnh nội trú với số tiền đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán là 22.902,3 tỷ đồng, cụ thể gồm:

1.839 lượt khám chữa bệnh nội trú, chi phí từ 200-500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú. 

97 lượt khám chữa bệnh nội trú, chi phí trên 500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú, trong đó có 12 bệnh nhân chi phí cho Bảo hiểm y tế trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2019 có 72,561 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. ảnh: Văn Nam.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2019 có 72,561 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. ảnh: Văn Nam.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người tham gia: Bảo hiểm xã hội bắt buộc là 14,6 triệu người; Bảo hiểm xã hội tự nguyện là 347 nghìn người; Bảo hiểm thất nghiệp là 12,87 triệu người; Bảo hiểm y tế là 84 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số.

Trong tháng, ước toàn ngành đã giải quyết 10.503 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng; 93.232 người hưởng trợ cấp 1 lần; 904.835 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Nếu tính chung 5 tháng đầu năm 2019, ước toàn ngành đã giải quyết 47.969 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng; giải quyết 346.972 người hưởng trợ cấp 1 lần; 4.132.086 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Trong tháng, ước cả nước có khoảng 15,4 triệu lượt người khám chữa bệnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019 có 72,561 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho hai con của nữ lao công tử nạn
Tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho hai con của nữ lao công tử nạn

Trong tháng 5, ước toàn ngành phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 93.280 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 3.258 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.

Tính lũy kế 5 tháng đầu năm, ước giải quyết cho 280.084 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 13.693 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.

Cũng trong tháng 5 ước số chi Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là 24.947 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 5/2019, ước số chi Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là 123.230 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch cả năm.

Cụ thể hơn: Chi Bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách Nhà nước là 16.897 tỷ đồng, chi Bảo hiểm xã hội từ nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội là 62.294 tỷ đồng, chi từ nguồn quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 4.315 tỷ đồng và ước chi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế là 39.722 tỷ đồng.

Ngoài những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong tháng 6/2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung thực hiện một số công việc trọng tâm sau:

Tập trung triển khai hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội.

Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn, xử lý những tồn tại, vướng mắc trong triển khai, thực hiện chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 01/2016/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, đặc biệt là mở rộng, phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Tiếp tục triển khai việc thẩm định, quyết toán tài chính năm 2018 của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố; tiếp tục hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo mã số Bảo hiểm xã hội; chuẩn bị tổng kết công tác trả sổ Bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Tiếp tục tăng cường quản lý chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội ngắn hạn, chi trả trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp thông qua rà soát với các phần mềm nghiệp vụ; đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua tổ chức dịch vụ công ích của nhà nước; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ.

Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố căn cứ Quyết định giao dự toán thu, chi năm 2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kịp thời tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả;

Đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; tăng cường kiểm soát chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh có cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dữ liệu tập trung; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các phần mềm quản lý nghiệp vụ của Ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Quyết định số 846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan Bảo hiểm xã hội và trên trục liên thông của Chính phủ.

Tiếp tục hoàn thiện và chuẩn bị các điều kiện để triển khai Đề án "Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Diệu Linh