Báo Mỹ: Quân đội Trung Quốc là hổ giấy hay rồng lửa?

26/05/2012 10:43
Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông)
(GDVN) - Lầu Năm Góc chưa trả lời được 5 vấn đề quan trọng của Quân đội Trung Quốc trong đó có chiến lược hạt nhân, mục tiêu hải quân, khả năng không gian…
Quân đội Trung Quốc triển khai huấn luyện trong môi trường chiến tranh mô phỏng.
Quân đội Trung Quốc triển khai huấn luyện trong môi trường chiến tranh mô phỏng.

Tờ Phương Đông, TQ cho hay ngày 23/5 tạp chí “Chính sách Ngoại giao” Mỹ có bài viết nhan đề “5 câu hỏi về sức mạnh quân sự của Trung Quốc chưa được Lầu Năm Góc trả lời”.

Bài viết cho rằng, báo cáo thường niên của Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc được Lầu Năm Góc công bố gần đây đã miêu tả về một đối tượng vừa quen vừa lạ. Báo cáo khẳng định đã giải đáp không ít vấn đề quan trọng về quân đội Trung Quốc.

Nhưng, đối với rất nhiều phương diện quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc, Lầu Năm Góc hầu như chỉ phỏng đoán. Về chiến lược quốc phòng của Bắc Kinh, có 5 vấn đề quan trọng nhất vẫn chưa có câu trả lời:

Kế hoạch chi tiêu quốc phòng lâu dài của Trung Quốc là gì?

Từ lâu, bên ngoài đánh giá thiếu tin cậy về kế hoạch chi tiêu quốc phòng lâu dài của Bắc Kinh. Theo xu thế hiện nay, trong 20-30 năm tới, Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất, nhưng trong đó còn có quá nhiều yếu tố chưa xác định.

Trung Quốc tập trận bắn pháo.
Trung Quốc tập trận bắn pháo.

Dự toán của Quân đội Trung Quốc có quan hệ với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, hay kể cả kinh tế có giảm tốc độ phát triển, chi tiêu quân sự của quân đội vẫn tăng trưởng hai con số?

Khi hiện đại hóa quân đội có được những đột phá nào thì tăng trưởng chi tiêu quân sự sẽ giảm tốc độ, hay không có kế hoạch đóng sổ chi tiêu của Quân đội Trung Quốc? Rõ ràng là, vốn dành cho Quân đội Trung Quốc càng nhiều, sẽ càng tiếp cận được sức mạnh của quân Mỹ.

Chiến lược hạt nhân của Trung Quốc là gì?

Lầu Năm Góc không có ý định ước tính tổng số vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, mặc dù thường cho rằng nó ít hơn nhiều so với Mỹ. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng Bắc Kinh có kế hoạch tăng mạnh vũ khí hạt nhân sẽ không mất đi.

Đầu đạn hạt nhân của tên lửa Đông Phong (DF) Trung Quốc có màu xanh lục.
Đầu đạn hạt nhân của tên lửa Đông Phong (DF) Trung Quốc có màu xanh lục.

Năm 2011, có người suy đoán, Trung Quốc có tới 3.500 đầu đạn hạt nhân, vì Trung Quốc có mạng lưới đường hầm khổng lồ dưới mặt đất, nhưng độ tin cậy của thông tin này rất thấp, song một số người vẫn cho rằng, Bắc Kinh đã nhìn thấy cơ hội chiến lược xây dựng kho vũ khí hạt nhân.

Mục tiêu của Hải quân Trung Quốc là gì?

Các nhà phân tích Mỹ thường dùng “chuỗi ngọc trai” để mô tả chiến lược muốn xây dựng mạng lưới căn cứ hải quân ở nước ngoài của Bắc Kinh, trên thực tế người Trung Quốc hoàn toàn không làm như vậy.

Báo cáo của Lầu Năm Góc không bàn đến việc Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một căn cứ tiền duyên vĩnh cửu kiểu Mỹ hay không, nhưng luôn có suy đoán rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ cử quân đội tới các cảng mà họ xây dựng (như ở Myanmar, Pakistan và Sri Lanka).

Tàu hộ tống kiểu mới của Trung Quốc (ảnh của dân mạng).
Tàu hộ tống kiểu mới của Trung Quốc (ảnh của dân mạng).

Bài báo còn cho rằng, “10 năm tới, Trung Quốc có thể chế tạo nhiều tàu sân bay và tàu chiến hỗ trợ”. Không thể biết được, Trung Quốc chỉ muốn chế tạo vài tàu sân bay để làm biểu tượng cho vị thế nước lớn hay muốn chế tạo nhiều tàu sân bay chiến đấu để bảo vệ chủ trương lãnh thổ, hay xây dựng cụm chiến đấu tàu sân bay kiểu Mỹ nhằm điều động lực lượng tới toàn cầu.

Trung Quốc đang xây dựng khả năng không gian gì?

Sức mạnh không gian của Trung Quốc ngày càng tăng cường. Báo cáo nhắc đến việc Trung Quốc xây dựng mạng lưới vệ tinh kiểu GPS, phóng Thiên Cung 1, phát triển tên lửa chống vệ tinh (phóng từ mặt đất) để nâng cao khả năng đáp trả không gian.

Nhưng không thể đề cập đến một trong những kế hoạch không gian tham vọng nhất của Trung Quốc: Phát triển máy bay không gian Thần Long và hệ thống đẩy tiên tiến có liên quan. Sự tồn tại của chúng đã làm tăng nguy cơ chạy đua quân sự không gian với Mỹ.

Tên lửa chống vệ tinh.
Tên lửa chống vệ tinh.

Hổ giấy hay là rồng lửa?

Tất cả những vấn đề chưa biết này đã hợp thành một vấn đề lớn hơn: Thực tế của Quân đội Trung Quốc có đúng như tiếng tăm không?

Quân đội Trung Quốc chưa trải qua thử thách chiến đấu thực tế, từ năm 1979 đến nay chưa từng trải qua một cuộc chiến nào. Khi xảy ra xung đột, Quân đội Trung Quốc có đạt được mong đợi của quốc gia không?

Những bất lợi như tham nhũng và thiếu chiến đấu thực tế có làm yếu đi nghiêm trọng sức chiến đấu của họ không? Có thể câu trả lời cho những vấn đề này nằm sâu dưới tầng hầm an toàn nào đó của Lầu Năm Góc, dù sao thì cũng không thấy được trong báo cáo mới nhất này.

Tàu sân bay Varyag Trung Quốc đã chạy thử lần thứ 7.
Tàu sân bay Varyag Trung Quốc đã chạy thử lần thứ 7.
Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông)