Báo Mỹ: S-400 giúp TQ mở rộng rất lớn khu vực phòng không tới láng giềng

21/04/2015 06:48
Việt Dũng (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)
(GDVN) - Hệ thống phòng không S-400 có thể bắn trúng các mục tiêu trên không ở New Delhi, Calcutta, Hà Nội, Seoul, Đài Loan, biển Hoa Đông và CHDCND Triều Tiên.
Hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 Nga
Hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 Nga

Trang mạng tuần san "Tin tức Quốc phòng" Mỹ ngày 18 tháng 4 đã đăng bài viết "S-400 sẽ tăng cường thực lực trên không cho Trung Quốc".

Theo bài báo, có chuyên gia cho rằng, Nga và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về mua sắm hệ thống phòng không S-400 mới, điều này sẽ tăng cường rất lớn năng lực kiểm soát trên không ở khu vực biên giới như mong đợi của Bắc Kinh.

Hệ thống có tầm bắn đạt 400 km này sẽ lần đầu tiên giúp cho Trung Quốc có năng lực tấn công bất cứ mục tiêu trên không nào ở Đài Loan, ngoài ra còn có thể bắn trúng các mục tiêu trên không ở New Delhi, Calcutta, Hà Nội và Seoul.

Vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc mới đơn phương thiết lập ra ở biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông cũng sẽ được "bảo vệ". Hệ thống này còn giúp cho Trung Quốc có thể tấn công bất cứ mục tiêu trên không nào trong lãnh thổ CHDCND Triều Tiên khi cần thiết.

Chuyên gia vấn đề quốc phòng Trung Quốc thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga, Vasilii Cashin cho rằng, S-400 còn có thể giúp cho Trung Quốc mở rộng khu vực phòng không tới  khu vực nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát. Quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản nhiều năm qua luôn leo thang do Trung Quốc luôn đưa ra yêu sách chủ quyền đối với nhóm đảo này.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga chế tạo
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga chế tạo

Giáo sư Hoàng Giới Chính thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế, Đại học Đạm Giang, Đài Loan cho rằng, hệ thống phòng không S-300 hiện có của Trung Quốc có tầm bắn lớn nhất là 300 km, chỉ có thể tấn công được các mục tiêu ở khu vực duyên hải tây bắc Đài Loan, chứ không thể bao trùm lên thủ đô của Hàn Quốc và Ấn Độ. S-400 sẽ thách thức năng lực của Đài Loan trong việc thực hiện hành động phòng không ở Vùng nhận dạng phòng không bao trùm lên eo biển Đài Loan.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan, Thiếu tướng La Thiệu Hòa cho biết, cơ quan này hoàn toàn không cảm thấy bất ngờ đối với thông tin này, Quân đội Đài Loan đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tình hình. Ông nói, vài chục năm qua, Nga và Trung Quốc luôn hợp tác chặt chẽ trong vấn đề quân sự, bao gồm giao dịch vũ khí và giao lưu công nghệ quốc phòng.

La Thiệu Hòa cho biết: "Để ứng phó với mối đe dọa tiềm tàng do hệ thống mới này tạo ra, Quân đội Đài Loan đã hoàn thành phân tích đối với mối đe dọa của tên lửa này và đã tiến hành điều chỉnh đối với chiến thuật và chiến lược để có biện pháp đáp trả đối với S-400".

La Thiệu Hòa cho biết, huấn luyện bay của Quân đội Đài Loan sẽ tiếp tục tiến hành theo kế hoạch, sẽ không bị ảnh hưởng bởi hệ thống mới này.

Thiếu tướng La Thiệu Hòa - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan
Thiếu tướng La Thiệu Hòa - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan

Vasilii Cashin nói, Trung Quốc đang từng bước tăng cường năng lực chế tạo tên lửa phòng không tầm xa, nhưng trong lĩnh vực này vẫn lạc hậu so với Nga. Ông nói, hệ thống của Trung Quốc có lúc có thể triển khai cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế, "nhưng điều này nói là do năng lực của hệ thống, không bằng nói là do Trung Quốc sẵn sàng cung cấp điều kiện kinh tế ưu đãi và chuyển nhượng công nghệ".

Vasilii Cashin cho rằng, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách triển khai công trình đảo ngược (sao chép) đối với S-400, giống như đã làm đối với S-300 mua trước đây, nhưng công trình đảo ngược phải bỏ ra rất nhiều thời gian, trong khi đó Nga hiện nay đang nghiên cứu chế tạo hệ thống thế hệ tiếp theo S-500. Ông cho biết, S-500 dự tính năm 2017 sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt; như vậy khi đó có thể là thời gian Trung Quốc nhận được lô hệ thống S-400 đầu tiên.

Trước đó, truyền thông Trung Quốc ngày 16 tháng 4 dẫn lời Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga (Rosoboronexport) Anatoly Isaikin cho biết, Trung Quốc đã trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 mới nhất của Nga.

Theo Anatoly Isaikin, rất nhiều quốc gia muốn sở hữu hệ thống phòng không này, nhưng Trung Quốc trở thành khách hàng đầu tiên thể hiện cấp độ chiến lược của quan hệ Nga-Trung. S-400 “cung không đủ cầu”, rất khó đồng thời cung cấp cho một số nước. Việc cung cấp S-400 cho Trung Quốc được cho là “có lợi” cho Nga.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 Trung Quốc, mua của Nga
Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 Trung Quốc, mua của Nga

Cuối tháng 11 năm 2014, báo chí Nga cho biết, Nga-Trung đã ký kết hợp đồng cung cấp S-400, Nga sẽ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá hơn 3 tỷ USD cho Trung Quốc, ít nhất có thể trang bị cho 6 tiểu đoàn tên lửa. Nhưng, sau đó, đại diện Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga khẳng định, hai bên vẫn chưa ký kết hợp đồng này.

Theo báo chí Nga, việc nghiên cứu chế tạo hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga đã tham khảo kinh nghiệm nghiên cứu phát triển hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300P. Trung Quốc cũng là một trong những khách hàng chủ yếu của hệ thống tên lửa S-300P. Vào năm 2010, Nga đã xuất khẩu 15 tiểu đoàn hệ thống tên lửa S-300PMU2 cho Trung Quốc.

Việt Dũng (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)