Báo Nga: Chuyên gia đã tìm ra loại tên lửa và quỹ đạo bắn rơi MH17

03/06/2015 14:28
Nguyễn Hường
(GDVN) - Các chuyên gia quốc tế đã tính toán được chủng loại và quỹ đạo của tên lửa bắn rơi MH17 sau khi phân tích tình trạng của các mảnh vỡ máy bay.

RT ngày 3/6 đưa tin, các nhà điều tra Hà Lan và chuyên gia của công ty quốc phòng Almaz-Antey tin rằng chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi bằng tên lửa Buk-M1, nhưng vẫn chưa thể xác định người điều khiển chúng.

Những mảnh vỡ của chiếc Boeing 777 có thể tố cáo thủ phạm gây ra thảm kịch.
Những mảnh vỡ của chiếc Boeing 777 có thể tố cáo thủ phạm gây ra thảm kịch. 

Sau khi phân tích các tổn thương trên vỏ máy bay sau thảm kịch xảy ra vào tháng 7 năm ngoái, các chuyên gia Hà Lan và hãng Almaz-Antey cho biết họ đã xác định được chủng loại và quỹ đạo của tên lửa bắn rơi MH17 là Buk-M1.

Các nhà điều tra nói rằng hệ thống tên lửa phòng không này được sử dụng rộng rãi trong nước quốc gia Liên Xô cũ, bao gồm cả Ukraine. 

Trong khi đó theo RT, quân đội Nga đã ngừng sử dụng hệ thống Buk-M1 trong nhiều năm. Nga đã ngừng sản xuất hệ thống phòng không này từ năm 1999, Almaz Antey - nhà sản xuất Buk-M1 tuyên bố.

Trước những cáo buộc cho rằng hệ thống Buk trên vẫn xuất hiện trong các cuộc diễu binh Ngày 9/5 những năm gần đây, Giám đốc Almaz-Antey, Yan Novikov nói rằng đó là hệ thống Buk-M2, phiên bản nâng cấp của Buk-M1. 

Theo Almaz-Antey, có hàng trăm bằng chứng rằng Buk-M1 vẫn được lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng trong năm 2005. Vào thời điểm đó, Ukraine có tổng cộng 991 hệ thống Buk-M1. 

Hệ thống Buk-M1.
Hệ thống Buk-M1.

Các chuyên gia quốc tế đã tính toán được quỹ đạo của tên lửa bắn rơi MH17 sau khi phân tích tình trạng của các mảnh vỡ máy bay. Tên lửa có thể đã được bắn từ khu vực xung quanh thị trấn Zaroschenskoe, RT dẫn lời chuyên gia của Almaz-Antey cho biết. 

Phe ly khai Ukraine cho rằng lực lượng an ninh Ukraine là người kiểm soát thị trấn Zaroschenskoe trong thời điểm MH17 bị bắn rơi. Trong khi đó, phía chính phủ Kiev lại đổ lỗi cho phe ly khai. 

Tuy nhiên, không có ai trong số những người dân ở thị trấn Zaroschenskoe nhìn thấy dấu vết của hệ thống Buk-M1 vào thời điểm xảy ra sự cố.

Phản ứng lại với kết quả điều tra của Almaz-Antey, Người phát ngôn lực lượng an ninh quốc gia Ukraine đã bác bỏ độ tin cậy của cáo báo và tin rằng tên lửa được bắn từ làng Snezhnoe, khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát, như trong các báo cáo trước đó đề cập tới.

Trong khi đó Almaz-Antey tuyên bố, mục đích của việc công bố báo cáo điều tra này của họ là nhằm để chứng minh rằng nhà sản xuất "không tham gia vào bi kịch MH17". Almaz-Antey đã trở thành một trong những mục tiêu trừng phạt của Mỹ liên quan tới khủng hoảng Ukraine.

Nguyễn Hường