Báo Nga: Nhật-Mỹ liên kết theo dõi Trung Quốc từ vũ trụ

15/01/2015 09:15
Việt Dũng
(GDVN) - Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản chắc chắn cung cấp thông tin tình báo do vệ tinh và radar của họ thu được cho Quân đội Mỹ.
Có rất nhiều thiết bị hàng không vũ trụ, vệ tinh dòng Cao Phân xuất hiện tại Triển lãm khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc, trong đó có vệ tinh dòng Cao Phân 1-6, động cơ tên lửa đẩy Trường Chinh-5, xe mặt trăng Hằng Nga v.v...
Có rất nhiều thiết bị hàng không vũ trụ, vệ tinh dòng Cao Phân xuất hiện tại Triển lãm khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc, trong đó có vệ tinh dòng Cao Phân 1-6, động cơ tên lửa đẩy Trường Chinh-5, xe mặt trăng Hằng Nga v.v...

Mạng "Sputnik" Nga ngày 13 tháng 1 đưa tin, khi bình luận về việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự định tích cực phát triển hệ thống vệ tinh thông tin quân sự, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nga Yevseyev cho rằng, Nhật Bản không thể giám sát được tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc từ vũ trụ, trong khi đó, Trung Quốc chế tạo vũ khí chống vệ tinh chỉ tạo cớ để Nhật Bản sử dụng chương trình hàng không vũ trụ cho mục đích quân sự.

Theo bài báo, tại hội nghị nội các, ông Shinzo Abe tuyên bố, chương trình quân sự vũ trụ mới sẽ giúp cho Nhật Bản sánh vai với Trung Quốc và Ấn Độ trong lĩnh vực này. Hội nghị quyết định, Nhật Bản phải có khả năng bảo đảm an toàn tự thân trong vũ trụ.

Nhật Bản cảm thấy rất bất an đối với sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trên phương diện chế tạo vũ khí chống vệ tinh, bởi vì loại vũ khí này có thể dùng laser phá hoại hoạt động của tàu vũ trụ. Một mục đích khác tăng cường số lượng vệ tinh quân dụng của Nhật Bản là thu thập tin tức tình báo về tàu nổi và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.

Yevseyev cho rằng, Nhật Bản nói Trung Quốc có thể tạo ra mối đe dọa đối với họ từ vũ trụ chẳng qua là để che giấu mục đích thực sự của họ. Ông nói: “Từ vũ trụ không thể giám sát được chính xác các động thái của tàu ngầm hạt nhân. Chỉ có thể thu được một số chứng cứ gián tiếp - căn cứ vào các dấu vết bề mặt biển. Nó có nhiệt độ riêng, có nghĩa là, có thể dựa vào hồng ngoại để quan sát và giám sát được nó. Nhưng, từ những dữ liệu này sẽ không thể đưa ra được kết luận khẳng định”.

“Hơn nữa, nếu Nhật Bản thực sự bày tỏ lo ngại đối với sự phát triển của vũ khí chống vệ tinh Trung Quốc, họ cần yêu cầu Liên hợp quốc thông qua công ước cấm quân sự hóa ngoài vũ trụ. Nhưng, không thấy được Nhật Bản có hành động gì trên phương diện này. Rất có khả năng, điều này chẳng qua là tìm lý do để trở thành nước lớn quân sự thực sự”.

Bài báo cho rằng, Nhật Bản trước kia tham vọng tương tự, hiện nay xem ra tham vọng này tăng lên chứ không giảm đi. Đồng thời, Mỹ dường như cũng làm ngơ đối với việc Nhật Bản không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự. Mặc dù không lâu trước Mỹ còn đang tìm mọi cách ngăn chặn Tokyo làm như vậy.

Đối với vấn đề này, Yevseyev cho rằng: “Xem ra, năng lực của Mỹ đã suy giảm trong việc ngăn chặn tham vọng quân sự của Nhật Bản. Nhật Bản đã cảm nhận được điểm này. Nhật Bản có kế hoạch  mở rộng số lượng vệ tinh quân dụng của họ chính là minh chứng trên phương diện này. Họ có lẽ đang tính tới khả năng đưa vũ khí vào vũ trụ trong một thời điểm nào đó. Vừa có khả năng làm như vậy với Mỹ hoặc làm một cách độc lập”.

“Đối với Nhật Bản, đối thủ quân sự chủ yếu là Trung Quốc, vì vậy họ muốn tính tới các loại tình huống có thể xảy ra. Cùng với vai trò ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á giảm đi. Tôi nghĩ, Nhật Bản đang tìm cách chiếm trước khoảng trống nhất định. Bất kể thế nào, họ sẽ ngăn chặn Trung Quốc, cho dù năng lực quân sự của Mỹ giảm mạnh”.

Hiện nay các nhà quan sát cho rằng, trong mấy năm tới, Mỹ và Nhật Bản sẽ liên kết theo dõi Trung Quốc từ vũ trụ. Trong phương châm hợp tác phòng vệ mới Nhật-Mỹ đã gồm có kế hoạch như vậy. Căn cứ vào phương châm này, Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản chắc chắn cung cấp thông tin tình báo do vệ tinh và radar của họ thu được cho Quân đội Mỹ.

Ngoài ra, sau năm 2018, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ xây dựng đơn vị giám sát vũ trụ đầu tiên. Được biết, nó sẽ bảo đảm sự phối hợp giữa Quân đội Mỹ và Nhật Bản.

Việt Dũng