Báo Nga: Thực lực tên lửa Trung Quốc có thể chống lại hạm đội Mỹ

21/04/2015 06:47
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo TQ)
(GDVN) - Hạm đội mặt nước đối phó với rất nhiều tên lửa hành trình siêu âm tầng trời thấp là một nhiệm vụ khó thực hiện, trong khi tàu ngầm TQ khó tiêu diệt hơn.
Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm YJ-18 Trung Quốc do dân mạng tuyên truyền
Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm YJ-18 Trung Quốc do dân mạng tuyên truyền

Mạng "Sputnik" Nga ngày 17 tháng 4 đưa tin, báo cáo được Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ công bố cách đây không lâu chỉ ra, tên lửa hành trình chống hạm siêu âm Ưng Kích-18 (YJ-18) trang bị cho tàu khu trục tên lửa Type 052D và tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc đã gây quan ngại. Việc triển khai loại tên lửa này cho thấy, chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ đang gặp phải rủi ro như thế nào - chuyên gia Vasilii Cashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga chỉ ra.

Thực lực tên lửa của Trung Quốc tăng trưởng sẽ gây ra hậu quả mang tính chiến lược. Nếu như tính năng công nghệ của tên lửa Ưng Kích-18 được xác nhận và nó có hệ thống dẫn đường tin cậy chống gây nhiễu, thì có nghĩa là, tàu chiến Trung Quốc đã có năng lực tấn công hạm đội Mỹ, đề phòng trang bị của Trung Quốc sẽ rất phức tạp.

Hạm đội mặt nước phòng thủ rất nhiều tên lửa hành trình siêu âm tầng trời thấp, với trình độ công nghệ hiện nay, hầu như là nhiệm vụ khó thực hiện. Tình hình như vậy sẽ còn tiếp tục, cho đến khi lĩnh vực hệ thống phòng thủ tên lửa tìm được phương án giải quyết mang tính cách mạng nào đó. Chẳng hạn, có thể dựa vào sự phát triển của vũ khí laser. Nhưng, trong 15 năm tới, còn khó mà thực hiện được bước nhảy vọt mang tính cách mạng này.

Theo bài báo, tên lửa đánh chặn là vấn đề tương đối khó khăn. Phương án giải quyết duy nhất là phá hủy những tên lửa này trước khi chúng bắn. Vì vậy, đã có sự cân bằng số lượng quân bị ở Tây Thái Bình Dương. Nhưng, Trung Quốc đang lấy tốc độ tương đương để chế tạo tàu mặt nước và tàu ngầm. Chỉ riêng tàu khu trục lớp 052D, Trung Quốc sẽ chế tạo hơn 10 chiếc.

Tên lửa YJ-18 trên báo chí Trung Quốc
Tên lửa YJ-18 trên báo chí Trung Quốc

Rất nhiều tàu chiến Trung Quốc cũng có năng lực trang bị tên lửa chống hạm có công nghệ tương đối hoàn bị, khả năng tấn công tương đối mạnh. Hơn nữa, tàu ngầm diesel-điện của Trung Quốc đã không còn có thể dễ dàng trở thành mục tiêu bị tấn công như 10 - 15 năm trước.

Ưu thế của hạm đội Mỹ và đồng minh trước Trung Quốc đang không ngừng thu hẹp, hiệu suất phòng vệ của tàu chiến Mỹ đang không ngừng giảm đi. Tất cả những điều đó đều sẽ gây ra hậu quả chính trị mang tính toàn cầu và chiến lược rõ rệt. Để hỗ trợ cho cân bằng sức mạnh ở khu vực này, bảo đảm tiềm lực cần thiết kiềm chế Trung Quốc, Mỹ không thể tránh khỏi gia tăng sự hiện diện quân sự thường trực ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Mỹ gia tăng bất cứ đầu tư mang tính cơ động chiến lược nào đều sẽ "vô ích". Một khi xảy ra xung đột, Washington không thể tập hợp được tàu chiến và tàu ngầm phân tán ở các nơi trên thế giới tới khu vực Thái Bình Dương trong thời gian tương đối ngắn. Việc điều động máy bay chiến đấu và lực lượng lục quân triển khai ở các căn cứ bờ biển tương đối nhanh, nhưng đối với Mỹ, bất kể thế nào, loại hành động này đều sẽ kèm theo rủi ro tương đối lớn.

Rõ ràng, Trung Quốc vừa đang nghiên cứu các loại phương án để ngăn cản Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự tới khu vực triển khai hành động quân sự. Đối với vấn đề này, có thể sử dụng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tiến hành tấn công đối với các sân bay, đầu mối vận tải quan trọng và trung tâm hậu cần. Đồng thời, cũng còn kết hợp với tấn công mạng đối với các mục tiêu vận tải.

Tàu khu trục tên lửa Côn Minh số hiệu 172 Type 052D của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu khu trục tên lửa Côn Minh số hiệu 172 Type 052D của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Theo bài báo, để giảm loại rủi ro này, Mỹ sẽ không thể không giải quyết vấn đề phức tạp phòng không, phòng thủ tên lửa của các công trình hạ tầng quan trọng. Trong bất cứ tình huống nào, Quân đội Mỹ đều phải gia tăng số lượng đóng quân ở khu vực này.

Mỹ muốn chuyển một phần sức ép cho đồng minh thì cũng chỉ có thể có hiệu quả hạn chế. Khả năng Nhật Bản gia tăng chi tiêu quân sự không lớn. Trong khi đó, Hàn Quốc thực hiện sách lược "cơ động" giữa Trung-Mỹ. Nói chung, các năng lực vốn, công nghệ và tổ chức của đồng minh Mỹ ở khu vực này đều không đủ.

Có thể thấy, trong tương lai gần, chính sách kiềm chế Trung Quốc của Mỹ là một gánh nặng to lớn đối với Mỹ. Hơn nữa, người Mỹ lại không thể giảm gánh nặng tài chính và binh lực để bảo vệ an ninh ở các khu vực khác. Mấy năm tới, Mỹ có thể đối mặt với sự lựa chọn khó khăn: coi những khu vực nào trên thế giới là khu vực hiện diện ưu tiên của mình.

Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo TQ)