Báo Nga: Trung Quốc "sao y" công nghệ Mỹ để chế tạo chiến đấu cơ J-31

18/12/2012 08:06
Việt Dũng
(GDVN) - "Các nhân viên tình báo tin tặc Trung Quốc có khả năng tiềm tàng rất lớn, hoàn toàn có thể lấy được các loại thông tin cần thiết".
Máy bay hải quân J-15 Trung Quốc (trên) rất giống máy bay hải quân Su-33 của Nga (dưới).
Máy bay hải quân J-15 Trung Quốc (trên) rất giống máy bay hải quân Su-33 của Nga (dưới).

Mạng tin tức tổ hợp công nghiệp quân sự Nga cho rằng, mấy tháng gần đây, Trung Quốc đưa ra rất nhiều sản phẩm mới của công nghiệp quân sự, quốc phòng, trong đó phần lớn là trang bị hàng không tác chiến. Thành tích của các nhà thiết kế Trung Quốc tất nhiên đáng khen, nhưng có một số việc gây nghi ngờ về khả năng và thành tựu của họ.

Bài báo lấy ví dụ, máy bay chiến đấu hải quân J-15 thực ra là phiên bản nâng cấp của T-10K, máy bay nguyên mẫu Su-33, trong khi đó bề ngoài của máy bay tiêm kích hạng nhẹ thế hệ thứ năm J-31 có thể thấy rõ những điểm bắt chước các nhà chế tạo hàng không Mỹ. Bất cứ trang bị nào ít nhiều rõ ràng đều gây nghi ngờ, theo đó đã phủ “bóng đen” lên ngành chế tạo hàng không Trung Quốc.

Báo Nga cho rằng, điều cần chỉ ra là, về máy bay J-15 và J-31, Trung Quốc chẳng qua đã sao chép thân máy bay và động cơ, đồng thời trang bị các loại thiết bị nội địa cho máy bay J-15, những thiết bị này có thể nghiên cứu chế tạo dựa trên cơ sở thiết bị điện tử của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.

Điều này có nghĩa là, máy bay J-15 sở dĩ rất giống với Su-33 là do trong đó 1 kiểu máy bay thực chất là nguyên mẫu của một kiểu máy bay khác, hơn nữa Trung Quốc đã có được máy báy mẫu của máy bay tiêm kích hải quân Nga, có cơ hội nghiên cứu chi tiết.

Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc (trên) và máy bay chiến đấu F-35 Mỹ (dưới).
Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc (trên) và máy bay chiến đấu F-35 Mỹ (dưới).

Nhưng, về máy bay J-31, tuy nó rất giống máy bay F-35 và F-22 của Mỹ, nhưng căn bản không thể nói được rằng Trung Quốc đã có bất cứ nghiên cứu nào đối với máy bay nhập khẩu. Do những điểm giống tương đối nhiều, vì vậy đã có nhiều dư luận khác nhau.

Cuối năm 2011, một số phương tiện truyền thông Mỹ đã ngầm cho rằng, tiến độ chương trình F-35 chậm chạp là do hoạt động “tấn công mạng của Trung Quốc” gây nên, khiến cho một số thông tin của máy bay mới bị gián điệp máy tính đánh cắp, một số thông tin khác bị phá hoại.

Trên thực tế, từ sớm Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc tiến hành tấn công mạng máy tính của quân Mỹ. Mỹ tuyên bố, chỉ trong 2 năm gần đây, gián điệp mạng Trung Quốc đã phát động thành công hàng nghìn cuộc tấn công, đã xâm nhập thành công mấy chục công ty cỡ lớn của Mỹ, bao gồm máy chủ máy tính của các công ty quốc phòng.

Điều may mắn là, tất cả những ý đồ này hoặc bị phát hiện kịp thời và chấm dứt, hoặc những kẻ tấn công không sử dụng các hành động phá hoại nghiêm trọng. Hiện nay, Ủy ban chuyên môn của Quốc hội Mỹ đang tiến hành điều tra chi tiết hơn đối với vấn đề này, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ

Điều đặc biệt gây lo ngại cho Mỹ là chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ cao quốc gia của Trung Quốc, tức là chương trình 863, mục đích là bảo đảm cho Trung Quốc thực hiện độc lập công nghệ hoàn toàn.

Không ít chuyên gia phương Tây phỏng đoán rằng, khi thực hiện chương trình này, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng thủ đoạn gián điệp mạng. Trung Quốc chính thức bác bỏ những lời chỉ trích này, nhấn mạnh chương trình 863 có tính chất khoa học công nghệ thuần túy.

Khi bình luận về báo cáo tấn công mạng những năm gần đây của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tiếp tục nhấn mạnh, Trung Quốc “kiên quyết phản đối hành vi tin tặc dưới bất cứ hình thức nào”, Trung Quốc “sẵn sàng hợp tác với Mỹ để loại bỏ mối đe dọa này”.

Việc chỉ trích Trung Quốc thường xuyên phát động tấn công mạng đã trở thành thủ đoạn “quen dùng” của Mỹ. Phương Tây có khi còn sử dụng những điểm khác biệt chi tiết về công nghệ trên các trang bị hàng không mới của Trung Quốc để có chứng cứ khẳng định Trung Quốc ăn cắp thông tin nhờ tin tặc, ví dụ nói rằng máy bay hải quân J-15 đã sử dụng biện pháp tăng cường tính tàng hình cho radar vốn là “riêng có” của các nhà chế tạo hàng không Mỹ.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc

Trước hết là về hình dáng thân máy bay, các nhà thiết kế Trung Quốc hoàn toàn có thể tự thiết kế được hình dáng của thân máy bay J-31, nhưng một phần hình dạng đặc biệt ở đầu máy bay lại quá giống F-35, vì vậy có đủ lý do để nghi ngờ sự giống nhau này là do sao chép hoặc hoạt động gián điệp.

Ngoài ra, truyền thông phương Tây còn nhiều lần nghi ngờ những thành quả của Trung Quốc trong việc chế tạo vật liệu hấp thu sóng của radar và thiết bị điện tử hàng không hiện đại. Nhưng phải thừa nhận, những nghi ngờ về việc Trung Quốc ăn cắp công nghệ tạm thời còn chưa được xác nhận bởi bất cứ thông tin chính xác và vững chắc nào.

Báo Nga cho rằng, trong bối cảnh phương Tây chỉ trích Trung Quốc sử dụng gián điệp mạng làm thủ đoạn cơ bản để phát triển khoa học công nghệ, việc nghiên cứu tìm hiểu về thực trạng lĩnh vực chế tạo động cơ hàng không của Trung Quốc trở nên rất thú vị. Trên lĩnh vực này, Trung Quốc đã đạt được những thành tích nhất định, nhưng hiện còn chưa thể đạt trình độ dẫn đầu thế giới.

Chẳng hạn, động cơ phản lực nội địa WS-10 được Trung Quốc tuyên truyền rộng rãi là loại động cơ được nghiên cứu chế tạo trên nền tảng động cơ AL-31 của Nga, nhưng tuổi thọ của nó rất thấp, điều này trước hết cho thấy các nhà chế tạo động cơ Trung Quốc tạm thời còn chưa nắm được công nghệ cần thiết, không thể bảo đảm được tính năng sử dụng cần có của động cơ.

Động cơ máy bay WS-10 Trung Quốc (trên) và động cơ máy bay AL-31FN Nga (dưới).
Động cơ máy bay WS-10 Trung Quốc (trên) và động cơ máy bay AL-31FN Nga (dưới).

Căn cứ vào thực tế này, phương Tây đặt câu hỏi, tại sao gián điệp mạng Trung Quốc không ăn cắp thông tin công nghệ động cơ mà họ cần? Theo quan điểm của cơ quan chống phản gián Mỹ, thì các nhân viên tình báo tin tặc Trung Quốc hoàn toàn có thể lấy được thông tin cần thiết, bất kể là bản vẽ kỹ thuật của máy bay thành phẩm hay tài liệu công nghệ sản xuất của những linh kiện nhất định.

Có quan điểm cho rằng, Trung Quốc đạt được thành tựu tương đối lớn về nghiên cứu phát triển trang bị hàng không là do, Trung Quốc vừa tận dụng những thành quả tự nghiên cứu phát triển, vừa tích cực học hỏi các kinh nghiệm tiên tiến của nước ngoài thông qua các chương trình hợp tác.

Bất kể tài liệu công nghệ nào mà Trung Quốc lấy tiền nhập về hay dùng gián điệp mạng thu được, tình hình cụ thể tùy thuộc vào trình độ phát triển công nghệ mới của bản thân Trung Quốc và nước khác. Trên một số lĩnh vực, Trung Quốc đã sản xuất được những trang bị tương đối tiên tiến, nhưng trên một số lĩnh vực khác, Trung Quốc buộc phải sao chép trang bị thành phẩm của nước ngoài.

Tất cả những vấn đề xoay quanh việc Trung Quốc có thể tiến hành các hoạt động gián điệp mạng đều chỉ có thể chứng minh, Trung Quốc đang rất quyết tâm phát triển công nghiệp, kinh tế và quốc phòng của họ.

Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc (trên) là bản sao của máy bay chiến đấu Su-27 Nga (dưới).
Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc (trên) là bản sao của máy bay chiến đấu Su-27 Nga (dưới).
Việt Dũng