Báo Nga: Trung Quốc sẽ lập Khu nhận biết phòng không Biển Đông

03/01/2014 09:53
Đông Bình
(GDVN) - Theo bài báo, Trung Quốc đang có những chuyển đổi quan trọng trong thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại, trong đó sẽ có các hành động mạnh bạo hơn.
Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc được cho là bắt đầu sản xuất hàng loạt
Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc được cho là bắt đầu sản xuất hàng loạt

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 3 tháng 1 dẫn trang mạng "Đài tiếng nói nước Nga" Ngày 31 tháng 12 năm 2013 đưa tin, chuyên gia Vasilii Cashin, Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, năm 2013 đã trở thành một năm có sự thay đổi to lớn của chính sách ngoại giao và quân sự của Trung Quốc.

Có lẽ, chúng ta bắt đầu nhìn thấy Trung Quốc có sự chuyển đổi căn bản trong nguyên tắc hành động trên vũ đài quốc tế, trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ thực hiện tham vọng trở thành cường quốc quân sự thế giới với ý nghĩa toàn diện.

Nội dung nguyên văn bài viết như sau:

Tháng 3 năm 2013, Trung Quốc đã thay đổi quy tắc hành động của họ ở khu vực đảo Senkaku có tranh chấp, lần đầu tiên phái tàu chiến và máy bay quân sự không quân tới khu vực này, trong khi đó, trước đó Trung Quốc chỉ điều tàu hải giám đến đó tuần tra.

Hành động này có hiệu quả chính trị đáng kể, đặc biệt là sau khi Trung Quốc sử dụng radar điều khiển hỏa lực của tàu chiến ngắm bắn tàu chiến và máy bay trực thăng của Nhật Bản.

Máy bay trực thăng thông dụng hạng trung Z-20 Trung Quốc vừa bay thử
Máy bay trực thăng thông dụng hạng trung Z-20 Trung Quốc vừa bay thử

Ngoài ra, điều đáng nói đến là, Trung Quốc đã tiến hành cải cách quan trọng cơ quan "bảo vệ chủ quyền" trong năm 2013, xây dựng tổ chức cảnh giới bờ biển có thực lực mạnh. Khả năng phản ứng phi quân sự đối với tình hình có tranh chấp đã nâng lên, về điểm này, cũng có thể nhìn thấy trong các hành động của Quân đội Trung Quốc ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tháng 11 năm 2013, Trung Quốc thiết lập Khu nhận biết phòng không ở biển Hoa Đông. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản bắt đầu sử dụng máy bay quân sự tiến hành bay biểu thị công khai ở khu vực này, thông qua đó khẳng định không thừa nhận quyết định do Trung Quốc đơn phương đưa ra.

Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa trực tiếp sử dụng vũ lực, nhưng không thể nói Trung Quốc không đạt được gì. Tháng đầu tiên sau khi thiết lập Khu nhận biết phòng không, để đáp trả sự xâm nhập của máy bay quân sự nước ngoài, Trung Quốc cho máy bay quân sự cất cánh 51 lần. Nói chung, máy bay quân sự Trung Quốc đã tổng cộng thực hiện bay cất cánh 87 lần.

Trung Quốc cho tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông thử nghiệm
Trung Quốc cho tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông thử nghiệm

Do đó, trong vấn đề lãnh thổ, Trung Quốc đã có thủ đoạn tiềm năng mới để gây sức ép với Nhật Bản. Nhìn vào viễn cảnh, loại gây sức ép này có thể buộc lãnh đạo Nhật Bản tìm cách nhượng bộ với Trung Quốc, đương nhiên, trên phương diện tăng cường Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản và đồng minh quân sự Nhật-Mỹ cũng đã xuất hiện hiệu quả trái ngược.

Xem ra, trong tương lai không xa, Trung Quốc sẽ còn thiết lập Khu nhận biết phòng không ở toàn bộ khu vực Biển Đông hoặc khu vực có tranh chấp khác. Hiện nay, thông tin cụ thể về vấn đề này còn chưa có, nhưng Mỹ đã cho biết sự lo ngại của họ về khả năng này.

Năm 2013, Trung Quốc cũng đã tăng mạnh khả năng đưa ra phản ứng đối với tình hình khủng hoảng trong và ngoài nước, theo đó đã thiết lập Ủy ban An ninh Quốc gia, thay thế cơ chế hiệp thương liên bộ-ủy ban trong khuôn khổ Tiểu ban lãnh đạo (Tiểu ban lãnh đạo các vấn đề quốc tế và an ninh) có hiệu suất thấp trước đây.

Theo báo Nga, Trung Quốc đang đồng thời chế tạo 2 tàu sân bay. Trong hình là tàu Liêu Ninh thử nghiệm, huấn luyện trên Biển Đông.
Theo báo Nga, Trung Quốc đang đồng thời chế tạo 2 tàu sân bay. Trong hình là tàu Liêu Ninh thử nghiệm, huấn luyện trên Biển Đông.

Ủy ban An ninh Quốc gia có quyền hạn lớn hơn, quyết định đưa ra phải được thực hiện. Ủy ban này trở thành một trung tâm quan trọng khác đưa ra quyết sách, trong khi đó, sự tồn tại của đại diện quân đội trong Ủy ban An ninh Quốc gia cũng đã nâng cao tiếng nói của quân đội trong chính trị.

Trung Quốc cũng đã đạt được thành tựu mới về củng cố thực lực quân sự, hơn nữa những thành tựu này sẽ làm cho Trung Quốc trở thành cường quốc quân sự. Xem ra, chính trong năm 2013, tàu ngầm hạt nhân mới và tên lửa đạn đạo JL-2 trang bị cho tàu ngầm của Trung Quốc đã có khả năng sẵn sàng chiến đấu ban đầu.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã tích cực thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, máy bay ném bom H-6K cũng đã trang bị toàn diện cho lực lượng vũ trang, máy bay tàu sân bay J-15 cũng bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Hơn nữa, Trung Quốc vẫn đang đồng thời chế tạo hai tàu sân bay, đồng thời, trong hệ thống chỉ huy quân sự, Trung Quốc cũng đã khởi động các biện pháp cải cách quan trọng.

Máy bay ném bom chiến lược H-6K Trung Quốc
Máy bay ném bom chiến lược H-6K Trung Quốc

Năm 2013 đã trở thành năm đưa ra các quyết định chính trị quan trọng và bắt đầu cải cách quan trọng. Trong một số năm tới, những thành quả cải cách này sẽ gây ảnh hưởng rõ rệt tới tình hình chính trị và quân sự toàn thế giới.

Đông Bình