Báo Nhân Dân của TQ đăng bài xuyên tạc của học giả Vương Hiểu Bằng

19/05/2014 06:42
Đông Bình
(GDVN) - Học giả này đã phân tích ý định của Philipppines, nhưng thực chất đang đánh lừa dư luận để đòi cái gọi là "biển tổ tiên" không có bất cứ chứng cứ gì.
Chân dung ông Vương Hiểu Bằng - người nghiên cứu về biên giới biển của Viện khoa học xã hội Trung Quốc.
Chân dung ông Vương Hiểu Bằng - người nghiên cứu về biên giới biển của Viện khoa học xã hội Trung Quốc.

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 12 tháng 5 đăng bài viết nhan đề "Vương Hiểu Bằng: 9 ý đồ quan trọng bắt ngư dân Trung Quốc trên Biển Đông của Philippines". Tác giả Vương Hiểu Bằng được báo TQ giới thiệu  là chuyên gia vấn đề biên giới biển thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Theo bài viết, ngày 6 tháng 5, Cảnh sát biển Philippines đã bắt 1 tàu cá cùng với 11 ngư dân của Trung Quốc ở vùng biển bãi Trăng Khuyết (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Vương Hiểu Bằng cho rằng, bất kể nhìn vào bối cảnh quốc tế, động cơ hành vi hay thủ đoạn cụ thể, hành vi lần này của Philippines đã được tính toán cẩn thận, chu đáo. Nghiên cứu nguyên nhân sâu xa của nó, tổng cộng có 9 nguyên nhân quan trọng.

Một là thăm dò thái độ của Mỹ, trong thời gian Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Philippines, Mỹ-Philippines đã đạt được đồng thuận tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng.

Hiện nay, cuộc diễn tập "Balikatan" giữa Mỹ-Philippines đang tiến hành, Philippines lựa chọn thời điểm này để hành động (TQ nói là khiêu khích) Trung Quốc chính là muốn Mỹ không nên để cam kết bảo vệ đồng minh chỉ thể hiện ở lời nói.

Hai là lấy chứng cứ cho trọng tài quốc tế Biển Đông của Philippines. Hiện nay, Philippines đã đệ trình đơn kiện lên tòa án trọng tài, nếu tòa án đưa ra quyết định có quyền thụ lý thì vụ kiện này sẽ bước vào "giai đoạn lấy chứng cứ".

Lần này, Philippines lựa chọn "động thủ" với ngư dân Trung Quốc ở bãi Trăng Khuyết, lân cận "đường chín đoạn" hoàn toàn là để phối hợp với mấy yếu tố quan trọng tấn công Trung Quốc trong đơn kiện.

Hình ảnh tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông
Hình ảnh tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông

Ba là để tăng cường kiểm soát đối với những đảo, đá ngầm ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) mà Philippines đã chiếm đóng. Hiện nay, Philippines đã chiếm đóng 8 đảo, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa gồm đảo Vĩnh Viễn, đảo Bình Nguyên, đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta, đảo Song Tử Đông, đảo Bến Lạc, bãi Loại Ta Nam và đá Công Đo.

Để chuyển sự tập trung của Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc đánh chiếm đảo, đá ngầm, Philippines nhiều lần mở rộng "vùng tranh chấp", đồng thời không ngừng tăng cường triển khai quân sự ở 8 đảo đá này.

Căn cứ vào "kế hoạch phòng thủ Biển Đông" mới tiết lộ, Philippines sẽ lập tức triển khai 2 tàu tuần tra và 2 máy bay trinh sát trên biển ở đảo Thị Tứ; điều 1 tàu tuần tra thường trú ở đảo Vĩnh Viễn, một chiếc khác thường trú ở đá Công Đo; thành lập "đội đặc nhiệm quần đảo Kalayaan" có quy mô cấp lữ đoàn đánh bộ; lập tức sửa chữa sân bay trên đảo Thị Tứ, xây thêm khu chứa, các công trình dành cho tàu chiến và máy bay.

Bốn là tuyên bố chủ trương của họ đối với bãi Trăng Khuyết. Báo Trung Quốc bịa đặt nói rằng "TQ coi bãi Trăng Khuyết là "lãnh thổ cố hữu" của họ, ngư dân Trung Quốc trên Biển Đông gọi nó là "hải công", tức có nghĩa là cá voi – theo đó báo Trung Quốc gọi vùng biển này là "biển tổ tiên" của ngư dân Trung Quốc, Trung Quốc "có chủ quyền không thể nghi ngờ" đối với bãi Trăng Khuyết".

Tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Nhưng, Philippines luôn đánh giá cao nguồn lợi thủy sản phong phú và điều kiện tránh gió tự nhiên của bãi Trăng Khuyết, lần này bắt ngư dân Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm này chính là tiếp tục thể hiện có "tham vọng lãnh thổ" đối với nó.

Lý do hết sức nực cười thứ 5 được chuyên gia này đưa ra là, Philippines "bôi đen hình tượng" của ngư dân Trung Quốc.

Báo TQ không hề xấu hổ khi viết ý kiến này rằng "Ngư dân Trung Quốc hàng năm triển khai hoạt động đánh bắt cá ở "tuyến một hải phận", là "quân tiên phong khẳng định quyền lợi Biển Đông"  của Trung Quốc, tàu cá của họ cũng có thể đóng vai trò "lãnh thổ di động"".

Bài báo xuyên tạc cho rằng, để "bôi đen" hình tượng ngư dân Trung Quốc, Philippines trong nhiều năm qua tiến hành "vu oan giá họa" như bắt giết rùa biển, phá hoại san hô đối với ngư dân Trung Quốc.

Tiếp tục luận điệu này, bài báo quay đổ tội cho Philippines với ngôn từ cho rằng, thật là không ai biết, ngư dân Philippines hàng năm giết cá, cho nổ để chết cá, phá hoại hệ sinh thái rạn san hô ở các hòn đảo, đá ngầm Trường Sa, thậm chí, một số ngư dân Philippines lấy thịt rùa biển làm đồ ăn, chất bài tiết màu xanh của nó chính là "bằng chứng phạm tội".

Khi mới lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã đến làng chài Đàm Môn, thành phố Quỳnh Hải, tỉnh Hải Nam khuyến khích ngư dân nước này vươn ra Biển Đông để thực hiện "giấc mơ Trung Hoa". Ông Bình cũng đã 2 lần thị sát Hạm đội Nam Hải để khuyến khích lực lượng này hành động trên Biển Đông.
Khi mới lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã đến làng chài Đàm Môn, thành phố Quỳnh Hải, tỉnh Hải Nam khuyến khích ngư dân nước này vươn ra Biển Đông để thực hiện "giấc mơ Trung Hoa". Ông Bình cũng đã 2 lần thị sát Hạm đội Nam Hải để khuyến khích lực lượng này hành động trên Biển Đông.

Sáu là thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Philippines luôn tìm cách thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, một mặt lôi kéo các nước đòi hỏi chủ quyền Biển Đông khác cùng đối phó với Trung Quốc, mặt khác lôi kéo nước lớn ngoài khu vực can dự tranh chấp Biển Đông.

Lần này Philippines hy vọng thông qua tuyên truyền vấn đề nghề cá tiếp tục thúc đẩy tranh chấp Biển Đông với các nước nói trên, nhằm duy trì "trạng thái tranh chấp" ở khu vực xung quanh Biển Đông.

Bảy là để xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông theo tiêu chí của Philippines". Hiện nay, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được đồng thuận về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) - đó là sau khi thực hiện toàn diện "Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông" (DOC), tiếp tục xây dựng bộ quy tắc (Trên thực tế, Trung Quốc đang tìm mọi cách trì hoãn xây dựng COC, chẳng hạn vi phạm nghiêm trọng DOC khi cho giàn khoan, tàu chiến, máy bay quân sự... xâm lược vùng biển của Việt Nam).

Theo bài viết, hành động lần này của Philippines chính là "ngang nhiên khiêu khích" điều khoản "không áp dụng hành vi mở rộng hơn" mà DOC quy định, mục đích ở chỗ "phá hoại tiến trình xây dựng bình thường của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), "trộn lẫn hàng lậu" vào quá trình này – học giả Trung Quốc tuyên truyền xuyên tạc đánh lừa dư luận, đổ mọi tội lỗi cho nước khác.  

Tháng 3 năm 2013, biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải cho quân tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo trái phép ở vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Tháng 3 năm 2013, biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải cho quân tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo trái phép ở vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Tám là đáp ứng yêu cầu của ngư dân Philippines. Từ sau sự kiện đối đầu bãi cạn Scarborough năm 2012, ngư dân Philippines nhất là như dân duyên hải miền tây luôn đưa ra yêu cầu với chính phủ Philippines để quay trở lại vùng biển Trường Sa.

Đối với vấn đề này, dưới sự khuyến khích của chính quyền Philippines, vài chục tổ chức ngư dân lỏng lẻo đã phối hợp thành lập tổ chức mang tính hiệp hội, dựa vào đó thực hiện "ngư dân tương trợ trên biển".

Lần này, hành động ở bãi Trăng Khuyết của cảnh sát biển Philippines chính là một "cam kết an ninh" đối với ngư dân của họ.

Chín là đáp ứng lợi ích tự thân của nhà cầm quyền. Tổng quan tình hình trong nước của Philippines, kinh tế tiếp tục yếu đi, hiện tượng tham nhũng không được ngăn chặn có hiệu quả, tỷ lệ ủng hộ chính quyền hiện nay đối mặt với rủi ro lớn bất cứ lúc nào.

Để ứng phó với tình hình này, nhà cầm quyền Philippines đã đi một "đường tà đạo" - "kích động ác ý tinh thần dân tộc cực đoan trong nước", trong quá trình này, "mối đe dọa biển từ Trung Quốc" chính là sự lựa chọn tuyệt vời – học giả Trung Quốc đúng là nhiều lý sự cùn.

Trên đây là toàn bộ bài viết được “học giả” Trung Quốc phân tích, bình luận, tất cả đều là bịa đặt, võ đoán, xuyên tạc, đánh lừa dư luận, phản ánh rõ tham vọng “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc.

Đây cũng là một bài viết nằm trong hệ thống tuyên truyền nhất quán của chính phủ Trung Quốc nhằm thực hiện mục tiêu “nói lâu thành quen”, biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp, biến lãnh hải nước khác thành lãnh hải của Trung Quốc.

Dư luận quốc tế không được mơ hồ về tham vọng này, cần tiếp tục tiến hành các cuộc chiến về chấp pháp, pháp lý, về dư luận, ngoại giao, ... để phá vỡ, đập tan hoàn toàn tham vọng “đường lưỡi bò”, không để cho đối phương tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế và quyền lợi của nước khác, thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ, tham vọng “cướp biển”, thích làm gì thì làm trong thời đại văn minh này.

Đông Bình