Bão số 3 đang gây gió mạnh cấp 10 ở Hải Phòng, Quảng Ninh

16/09/2014 21:03
Nguyễn Hoàng (Tổng hợp)
(GDVN) - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho biết, vào khoảng 21-22 giờ ngày 16/9 bão số 3 (Kalmaegi) với sức gió giật cấp 10 sẽ đi vào Quảng Ninh, Hải Phòng.

Theo tin từ Trung tâm khí tượng thùy văn quốc gia, lúc 10 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ vĩ Bắc; 110,6 độ kinh Đông, trên vùng ven biển phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Hải Phòng-Quảng Ninh khoảng 360 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Dự báo đến 22 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh.

Trong các ngày 15, 16/9, thành phố tổ chức 6 đoàn công tác của Lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bão tại các địa bàn trọng điểm.Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng chỉ đạo đồn các Đồn, Trạm biên phòng phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng, địa phương thông báo cho các phương tiện di chuyển về nơi trú tránh. Tổ chức lực lượng, phương tiện trực phòng chống bão và tìm kiếm cứu nạn; bắn pháo hiệu báo bão tại Long Châu và Bạch Long Vỹ; điều động tàu CN09 ra ứng trực tại Cát Bà từ sáng 16/9.

Biểu đồ hướng đi của bão số 3 (Kalmaegi).
Biểu đồ hướng đi của bão số 3 (Kalmaegi).

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chỉ đạo các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tổ chức thường trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (lực lượng: 8.669 người; 82 phương tiện).Giao Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải KVI đã điều động tàu SAR273 ra ứng trực tại Gia Luận, Cát Bà.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng, đến 10h ngày 16/9 đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho gần 3.900 phương tiện với gần 14.500 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công điện khẩn gửi các cơ sở giáo dục thuộc các tỉnh chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, yêu cầu các đơn vị này chủ động đối phó với các diễn biến của bão.

Theo đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục chủ động đảm bảo an toàn cơ sở vật chất, ngừng các hoạt động ngoại khóa trong thời gian bão, mưa, lũ đang diễn ra.

Đối với các vùng có nhiều sông, suối, địa bàn phức tạp, có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao, các trường cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm tránh những rủi ro cho học sinh, sinh viên khi đến trường.

Bộ cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão, mưa, lũ lụt, tổ chức bộ phận trực ban, phối hợp với lực lượng phòng chống bão địa phương để sẵn sàng ứng phó với các tình huống do bão gây ra.

Các trường rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh hiệu quả, đặc biệt là các công trình đang thi công dang dở, công trình trọng yếu, công trình có độ an toàn thấp.

Việc phòng tránh bão phải chú trọng đến các phòng thí nghiệm, phòng máy tính, thư viện, phòng học bộ môn, các xưởng thực hành, có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước.

Sau bão, trường chủ động phối hợp với các cơ quan đơn vị trên địa bàn để có phương án làm vệ sinh môi trường, nhanh chóng đưa các cơ sở giáo dục trở lại hoạt động bình thường.

Tính đến 11h ngày 16/9 đã tổ chức sơ tán và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn về người ở các khu vực nguy hiểm cho hơn 13.400 người (bao gồm trên phương tiện và các khu vực xung yếu).

Thành phố đã huy động lực lượng xung kích là hơn 39.000 người; 320 xe ô tô các loại, 44 tàu xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp và nhiều lương thực phẩm cần thiết khác.

Tại Quảng Ninh, trước diễn biến nhanh của cơn bão số 3, sáng 16/9, đích thân ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão tại huyện Vân Đồn.

Tại đây đã có 1.650 các tàu gần, xa bờ đều vào nơi tránh trú an toàn, đồng thờ di dời các hộ dân sinh sống trên các bè nuôi trồng thủy sản lên bờ trước 16h; khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống bão ở các địa bàn xung yếu, các khu vực dân cư...

Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu lãnh đạo huyện Vân Đồn, các xã đảo vận động các hộ dân sinh sống trên các bè nuôi trồng thủy sản về nơi tránh trú bão an toàn, có thể tiến hành cưỡng chế để di dời dân, kiên quyết không để bất kỳ hộ dân nào còn ở trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà yếu trước giờ bão đổ bộ. Đồng thời, đồng chí yêu cầu các lực lượng chức năng của huyện Vân Đồn phải thường trực ngay tại các địa bàn xung yếu, đặc biệt chú ý thời điểm bão đổ bộ vào ban đêm, không để bất kỳ người dân nào quay trở lại các tàu, bè này.

Tại Thái Bình, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, 981 phương tiện tàu thuyền đã neo đậu tại các bến và được chằng chống an toàn; những tàu thuyền đang làm ăn và neo đậu tại các tỉnh khác đã có thông tin với bộ đội biên phòng.

Tại các vùng đầm bãi, chòi canh ngao, Bộ đội Biên phòng phối hợp vận động, tuyên truyền yêu cầu lao động vào nơi tránh trú bão trước 16h ngày 16/9. Công tác di dời dân ngoài đê chính được triển khai thực hiện đồng bộ theo kế hoạch.

Tại tỉnh Thanh Hóa, sáng 16/9 UBND tỉnh đã ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND về phòng chống bão. Có 7.195 phương tiện/25.669 lao động đã neo đậu tại bến; còn 37 phương tiện/142 lao động đã nắm được thông tin và đang trên đường về nơi tránh, trú bão vào cuối giờ chiều nay. 

Nguyễn Hoàng (Tổng hợp)