Báo TQ tuyên truyền: Việt Nam, Philippines không coi Trung Quốc ra gì

18/08/2014 12:57
Đông Bình
(GDVN) - Báo TQ cho rằng nguyên nhân là thực lực quân sự của Trung Quốc chưa đủ, nên cần phát triển đến lúc nào ngang cơ Mỹ và Việt Nam, Philippines không còn cứng rắn.

Trung Quốc thiếu sức mạnh mềm

Trang mạng tiếng Trung qianzhan.com ngày 16 tháng 8 dẫn tờ “Khủng hoảng thế giới” của “nước ngoài” cho rằng, các đảo “tranh chấp” trên Biển Đông nhiều và phân bố rộng, đã ngăn cản yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và hạn chế hành động của Quân đội Trung Quốc.

Đặc biệt, so với Mỹ, “tranh chấp Biển Đông” được cho là nơi “yếu nhất về quân sự” của Trung Quốc, cũng là nguồn gốc khiến cho Trung Quốc gặp trở ngại.

Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: Đâm chìm tàu cá của Việt Nam, ngăn chặn không cho cứu ngư dân trên tàu cá này.
Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: Đâm chìm tàu cá của Việt Nam, ngăn chặn không cho cứu ngư dân trên tàu cá này.

Năm 2014, Trung Quốc đã tập trung triển khai các hành động quân sự (hung hăng, hăm dọa) hơn. “Tranh chấp lãnh thổ” (TQ cố tình tạo ra tranh chấp để đòi quyền lợi -PV) giữa Trung Quốc với các nước láng giềng không mới, nhưng thái độ của Trung Quốc đã “hoàn toàn thay đổi” trong mấy năm qua.

Trước đây, chính sách của Bắc Kinh là “thận trọng” và “duy trì hiện trạng”, Bắc Kinh hiện nay “cảm thấy tự tin hơn”, hành vi gần đây “giống như một kẻ gây ra phiền phức”.

Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, trên biển Hoa Đông, Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku và xây dựng hạ tầng cơ sở đã kích động Trung Quốc, “tạo ra đối đầu Trung-Nhật”. “Chủ nghĩa xét lại lịch sử Nhật Bản không chỉ sẽ không làm dịu tình hình căng thẳng khu vực này, trái lại gây ra đối đầu Trung-Nhật”.

Theo bài báo, vấn đề quan trọng nhất là, Chính phủ Trung Quốc đang tranh đoạt nhóm đảo Senkaku, trong khi hòn đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản. Gần đây, máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc hầu như áp sát máy bay chiến đấu Nhật Bản, đây là hành vi khiêu khích quân sự nguy hiểm.

Nhưng diễn biến thực tế hiện nay có liên quan đến các vấn đề rộng lớn hơn như ngoại giao Trung Quốc. Trung Quốc hiện nay đã trở thành “kẻ xâm lược tiềm tàng” trong con mắt của các nước láng giềng. Điều này có thể phá hoại danh dự/uy tín toàn cầu của Trung Quốc và hình tượng “hòa bình” do họ cố gắng tạo dựng bấy lâu nay.

Tàu chiến, máy bay quân sự Trung Quốc hung hăng đe dọa ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Tàu chiến, máy bay quân sự Trung Quốc hung hăng đe dọa ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Chuyên gia quan hệ công chúng cho rằng, việc hình thành hình tượng thương hiệu chất lượng cao phải trải qua thời gian rất dài, nhưng phá hoại một hình tượng tốt chỉ cần thời gian rất ngắn. Điều này cũng thích hợp với danh dự/uy tín của một quốc gia trên sâu khấu thế giới.

Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của sức mạnh mềm để cạnh tranh với hình tượng của Mỹ: Họ đầu tư văn hóa và xây dựng Học viện Khổng Tử ở khắp nơi trên thế giới, đồng thời mở rộng vai trò ảnh hưởng của truyền thông.

Mặc dù Trung Quốc vẫn có ý đồ thông qua “ngoại giao gấu trúc” để thay đổi quan hệ với láng giềng, nhưng phần nhiều hơn là gây ra mối lo ngại cho họ. Mối lo ngại đối với Trung Quốc đã dẫn đến một loạt phản ứng: Các nước Đông Nam Á bắt đầu hình thành “trận tuyến thống nhất”, còn Nhật Bản đã nắm chắc cơ hội, phát huy vai trò nước lớn trong khu vực này, trong đó tuyên bố tặng cho Việt Nam vài chiếc tàu đã qua sử dụng (bàn giao trong năm 2014).

Nếu Trung Quốc thực sự muốn phát triển sức mạnh mềm, hoàn thiện sách lược mê hoặc/quyến rũ của họ, họ không chỉ phải thay đổi triệt để thái độ, mà còn phải thể hiện được khả năng ngoại giao hoàn thiện hơn để phù hợp với tham vọng của họ trong các vấn đề quốc tế.

Trung Quốc muốn biến vùng biển của nước khác ven Biển Đông thành "vùng biển tranh chấp". Trong hình là giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 Trung Quốc
Trung Quốc muốn biến vùng biển của nước khác ven Biển Đông thành "vùng biển tranh chấp". Trong hình là giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 Trung Quốc

Hiện nay, Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao không can thiệp, điều này đã phản ánh sự “lạnh nhạt” của Trung Quốc đối với bất cứ vấn đề quốc tế nào không liên quan trực tiếp tới lợi ích của họ. Sức mạnh mềm cần sự tiếp xúc nhiều hơn và ý thức hiện diện tinh tế.

“Trung Quốc chưa đủ thực lực, các nước không coi ra gì”

Trang mạng qianzhan.com ngày 15 tháng 8 còn tập trung nhấn mạnh, so với Mỹ, thực lực quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông còn rất yếu và coi đó là nguyên nhân Trung Quốc nhiều lần bị cản trở trong “tranh chấp lãnh thổ Biển Đông” (Trung Quốc xâm lược, nhảy vào tranh chấp).

Đối với vấn đề này, theo bài báo, quan điểm trên có “đạo lý nhất định”, bởi vì hiện nay Mỹ “ngang nhiên” can thiệp vấn đề Biển Đông, điều này các nước trên thế giới “không ai dám nói” – bài báo cho đây là do Mỹ có thực lực quân sự mạnh ở châu Á-Thái Bình Dương.

Bài báo đặt vấn đề là Trung Quốc phải đến lúc nào mới phát triển được thực lực quân sự như Mỹ và đến lúc đó thì các “nước nhỏ” như Việt Nam và Philippines có còn dám cứng rắn không coi Trung Quốc ra gì như vậy nữa không.

Trung Quốc trắng trợn mời thầu ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Trung Quốc trắng trợn mời thầu ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Ngoài ra, trang mạng qianzhan.com ngày 17 tháng 8 cũng có bài viết nhắc lại đề xuất tổ chức “du lịch Biển Đông” của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines. Tuy nhiên, theo bài báo, hiện nay Trung Quốc bố trí 5 – 6 tàu công vụ trên Biển Đông, thường xuyên thực hiện “tuần tra” (phi pháp) ở vùng biển bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam)…

Tàu công vụ Trung Quốc từng đối đầu với tàu tiếp tế của Philippines ở vùng biển bãi Cỏ Mây. Trên thực tế, Trung Quốc luôn tìm cách “trục xuất” tiểu đội canh giữ trên chiếc tàu chiến cũ của Quân đội Philippines tại bãi Cỏ Mây, nhưng đến nay vẫn chỉ “nhìn chòng chọc” đối với nó mà không làm gì được.

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines cho rằng, hiện nay, Trung Quốc đã có “căn cứ tác chiến tiền phương” trên Biển Đông. Đáng chú ý, Trung Quốc đang tìm mọi cách làm thay đổi hiện trạng như lấn biển và nhiều hoạt động khác (như tổ chức du lịch, khảo sát xây dựng hải đăng…) ở những hòn đảo, đá ngầm đã xâm lược của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Phê phán, đòi Mỹ thay đổi thái độ và đứng ngoài

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 14 tháng 8 cho rằng, gần đây, Mỹ không thỏa mãn với cách làm cũ, đã lựa chọn thông qua phương pháp trực tiếp hơn, thực tế hơn để can dự vấn đề Biển Đông.

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines Gregorio Pio Catapang cho rằng, Trung Quốc đã có "căn cứ tác chiến tiền phương" trên Biển Đông.
Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines Gregorio Pio Catapang cho rằng, Trung Quốc đã có "căn cứ tác chiến tiền phương" trên Biển Đông.

Đáng chú ý, Mỹ vừa đưa ra đề nghị “đóng băng tranh chấp Biển Đông”, điều này đã được trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đưa ra khi Trung-Mỹ đang tổ chức Đối thoại chiến lược và kinh tế tại Bắc Kinh vào tháng 7, đồng thời được Mỹ đưa ra tại Diễn đàn khu vực ASEAN vừa tổ chức ở Myanmar vào đầu tháng 8.

Báo Trung Quốc coi đề nghị này của Mỹ ẩn chứa “sự nham hiểm” và “mai phục (Trung Quốc) khắp nơi”. Coi đề nghị này thực chất là muốn Trung Quốc từ bỏ yêu sách chủ quyền, không làm thay đổi hiện trạng “các nước Việt Nam, Philippines xâm chiếm biển đảo của Trung Quốc” - luận điệu xuyên tạc khó chấp nhận.

Báo “Hoàn Cầu” nói như này cùng luận điệu của trang mạng qianzhan.com nêu trên cũng đã để lộ rất rõ ý đồ của Trung Quốc là muốn dùng vũ lực để “làm thay đổi hiện trạng” và ăn cướp nốt các biển đảo của các nước ven Biển Đông.

Tại Diễn đàn khu vực ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc từ chối các đề nghị, sáng kiến này của Mỹ và Philippines rõ ràng cũng để lộ ý đồ trên của Trung Quốc, cần hết sức cảnh giác. Các vụ việc vừa qua như cướp bãi cạn Scarborough từ tay Philippines hay định biến vùng biển chủ quyền của Việt Nam (hạ đặt phi pháp giàn khoan 981) thành vùng biển tranh chấp… là những minh chứng rất cụ thể. Vừa ăn cướp vừa la làng!

Báo Trung Quốc cho rằng, Mỹ đang can dự trực tiếp hơn, công khai hơn vào vấn đề Biển Đông.
Báo Trung Quốc cho rằng, Mỹ đang can dự trực tiếp hơn, công khai hơn vào vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc luôn coi Mỹ là nước ngoài khu vực, nên theo báo “Hoàn Cầu”, Mỹ “không có tư cách khoa chân múa tay” đối với vấn đề Biển Đông, coi Mỹ can dự là hành động muốn làm “cảnh sát thế giới”, làm “người phát ngôn” của các “đồng minh” Philippines, Việt Nam, nỗ lực thể hiện “cơ bắp” trong vấn đề Biển Đông, ngăn chặn Trung Quốc đoạt lấy lãnh thổ.

Bài báo cho rằng, Mỹ thực hiện chính sách quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, can dự Biển Đông là một biểu hiện của “chủ nghĩa bá quyền”. Báo Trung Quốc kêu gọi Mỹ cần thay đổi thái độ, nếu thực hiện “chơi trò tổng bằng không” thì cả hai (Trung Quốc và Mỹ) đều “thua”.

Được biết, dư luận Trung Quốc gần đây đặc biệt lo ngại về sự can dự của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông, dẫn nhiều quan điểm cho rằng, Mỹ đã trực tiếp, công khai can thiệp Biển Đông, lập trường ngày càng cứng rắn, sự can thiệp của Mỹ đã thể hiện bằng “hành động thực tế”, đứng về phía Philippines và Việt Nam…, gây sức ép ngoại giao to lớn cho Trung Quốc.

Trong dư luận Trung Quốc cũng thừa nhận, Trung Quốc thực sự đang “đuối lý” với chủ trương “đường lưỡi bò” – tức thiếu cơ sở pháp lý. Ngoài ra, cũng có lẽ chính vì lý do này và cũng vì có thực lực mạnh hơn, nên một số trang mạng của Trung Quốc trong thời gian qua và cả hiện nay vẫn cổ xúy cho dùng “vũ lực” để thực hiện tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey vừa có chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam, bị báo chí Trung Quốc soi mói.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey vừa có chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam, bị báo chí Trung Quốc soi mói.

Bên cạnh đó, cũng có các dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc tiếp tục né tránh các sáng kiến (như của Mỹ, Phillippines) gây bất lợi cho họ, tiếp tục kiên trì “đàm phán song phương”, tìm cách ép các “nước nhỏ” ven Biển Đông thừa nhận tranh chấp ở vùng biển chủ quyền của họ, ép “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” (tiền đề là chủ quyền thuộc về Trung Quốc).

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tìm kiếm cơ chế mới để áp đặt yêu sách chủ quyền Biển Đông của họ, gạt bỏ sự can dự của các nước lớn v.v…

Đông Bình