Việt Nam mua tàu hộ vệ lớp Sigma, TQ lo "giấc mơ không có thật"

Báo Trung Quốc đổi trắng thay đen, xuyên tạc trắng trợn về Việt Nam

25/02/2014 12:18
Đông Bình
(GDVN) - Báo Trung Quốc đổi trắng thay đen, ăn cướp còn la làng, xuyên tạc không ngượng ngùng cho rằng Việt Nam đã chiếm 29 đảo ở Trường Sa.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma Hà Lan
Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma Hà Lan

Trang mạng sina Trung Quốc ngày 24 tháng 2 đăng bài viết tuyên truyền cho rằng "Việt Nam hào phóng mua tàu hộ vệ Sigma" đồng thời xuyên tạc cho nói rằng, "Việt Nam muốn dấy binh đoạt địa bàn ở Biển Đông".

Sau đây là nội dung chính của bài viế được cỗ máy truyền thông của Bắc Kinh đăng tải:

Trang mạng "Công nghệ Hải quân" Mỹ gần đây bình luận về 10 tàu hộ vệ hạng nhẹ tốt trên thế giới, tàu hộ vệ lớp Sigma của Hà Lan đứng thứ ba. Tàu hộ vệ lớp Sigma mang đậm phong cách hải quân Tây Âu, đứng vào top 3 của trang bị cùng loại, có thể có liên quan nhất định với thành tích xuất khẩu đáng tự hào của nó.

Theo tiết lộ của tờ "Jane's Defense Weekly" Anh, nhà máy đóng tàu Schelde của Tập đoàn Damen Hà Lan năm 2013 đã xác nhận, Việt Nam có kế hoạch mua 2 tàu hộ vệ lớp Sigma.

"Người hào phóng" (?-PV) của Đông Nam Á

Cùng với việc biên chế tàu chiến tiên tiến mua mới những năm gần đây, việc xây dựng hải quân của nhiều nước Đông Nam Á đều được được nâng lên tầm cao mới, nhưng nhìn về trình độ tổng thể của họ, Việt Nam mua tàu hộ vệ lớp Sigma có thể nói là "hào phóng".

Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma của Hải quân Indonesia (ảnh minh họa)
Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma của Hải quân Indonesia (ảnh minh họa)

Tàu hộ vệ lớp Sigma dài khoảng 90 m, lượng giãn nước khoảng 1.700 tấn, tốc độ tối đa là 28 hải lý/giờ, vũ khí trang bị gồm có 1 pháo tự động OTO Melara cỡ nòng 76 mm, 4 quả tên lửa chống hạm, 2 hệ thống tên lửa phòng không Mistral 4 ống, và ngư lôi.

So với tàu hộ vệ lớp Gepard do Nga chế tạo đã biên chế cho Hải quân Việt Nam, hỏa lực của tàu hộ vệ lớp Sigma không hề kém, thậm chí radar, hệ thống điện tử còn tốt hơn một bậc, nếu nhập khẩu thành công, hứa hẹn sẽ trở thành tàu chủ lực của Việt Nam.

Điều đáng chú ý hơn là, tàu hộ vệ lớp Sigma áp dụng thiết kế mô-đun, thân tàu được lắp bằng các đoạn khoang chuẩn hóa dài 7,2 m, thiết kế có 3 loại mô hình là tàu tuần tra gần bờ, tàu hộ vệ hạng nhẹ và tàu hộ vệ.

Là khách hàng nước ngoài thứ ba, sau Indonesia và Morocco, Việt Nam mua sắm tàu hộ vệ lớp Sigma có thể nói là "một mũi tên bắn trúng hai đích", không chỉ sẽ lần đầu tiên sở hữu tàu chiến mặt nước tiên tiến áp dụng thiết kế mô-đun, mà còn có lợi cho tăng cường khả năng chế tạo tàu chiến tiên tiến cho nhà máy đóng tàu của Việt Nam.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Gepard của Hải quân Việt Nam (ảnh nguồn: báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Gepard của Hải quân Việt Nam (ảnh nguồn: báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)

Tuyên truyền dụng ý xấu cho rằng Việt Nam"Dấy binh đoạt lấy địa bàn trên Biển Đông"

Do tài nguyên dầu khí phong phú và vị trí chiến lược quan trọng, khu vực Biển Đông luôn là "mơ ước" của các nước xung quanh, trong đó, Việt Nam có các động thái lớn nhất.

Báo Trung Quốc đổi trắng thay đen, ăn cướp còn la làng, xuyên tạc không ngượng ngùng cho rằng:

"Đến nay, Việt Nam đã chiếm đóng bất hợp pháp 29 đảo ở Trường Sa" (trên thực tế, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã tận dụng những lúc Việt Nam đang mải chiến tranh và gặp khó khăn để chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa).

Theo bài báo, trong một thời gian rất dài, thực lực của Hải quân Việt Nam không đủ, chỉ có thể giữ các hòn đảo hiện có.

Cùng với việc không ngừng tăng cường triển khai lực lượng quân sự trên đảo, Việt Nam còn từng bước hoàn thiện các công trình dân dụng trên một số đảo, muốn thực hiện "chiếm đóng hoặc quản lý, kiểm soát lâu dài".

Đến nay, Việt Nam đã không còn nhiều "không gian xoay xở" ở các đảo trên quần đảo Trường Sa, nên việc mở rộng hạm đội, tăng cường sức chiến đấu trên vùng biển xa hơn đã trở thành sự lựa chọn tất yếu tiếp theo.

Như vậy, Việt Nam cấp bách mở rộng thực lực hải quân một mặt "có ý đồ củng cố lợi ích đã có", mặt khác cũng tính đến việc tìm cách giành lấy không gian xoay xở lớn hơn trong vấn đề Biển Đông.

Tàu tên lửa cỡ lớn lớp Molniya (Type 1241.8) của Hải quân Việt Nam.
Tàu tên lửa cỡ lớn lớp Molniya (Type 1241.8) của Hải quân Việt Nam.

Cùng với quy mô lực lượng tàu tên lửa, pháo hạm từng bước mở rộng, tàu hộ vệ hạng nhẹ kiểu mới lần lượt biên chế, phạm vi hoạt động của Hải quân Việt Nam có thể tiếp tục mở rộng ra biển xa và nước ngoài.

Sau khi tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo đưa vào biên chế, Hải quân Việt Nam càng có thể tiến hành răn đe có trọng điểm đối với vùng biển nhạy cảm trên Biển Đông.

Nói cách khác, cùng với việc đẩy nhanh xây dựng hiện đại hóa của Hải quân Việt Nam, đòi hỏi lợi ích (chính đáng, đúng luật - PV) của Việt Nam đối với Biển Đông cũng có thể sẽ gia tăng.

Đồng thời, bài báo tuyên truyền “mối đe dọa Việt Nam” cho rằng: Động thái đóng tàu tăng cường sức mạnh trên biển ngày càng gia tăng của Việt Nam còn có thể gây phản ứng dây chuyền ở các nước Đông Nam Á, thậm chí chạy đua vũ trang trong khu vực, tiếp tục làm phức tạp vấn đề Biển Đông.

Tóm lại, theo tuyên truyền của truyền thông TQ: một loạt động thái tăng cường thực lực hải quân của Việt Nam đã thể hiện ý đồ chiến lược "từ bờ biển vươn ra vùng nước sâu".

Trên thực tế, Việt Nam xây dựng hải quân là để bảo vệ chủ quyền biển đảo (quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa) hợp pháp của Việt Nam. Chính Trung Quốc đã xâm lược quần đảo Hoàng Sa và một số đá ngầm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, từ đó gây ra tranh chấp trên Biển Đông.

Tàu ngầm Hà Nội lớp Kilo tại quân cảng Cam Ranh của Việt Nam
Tàu ngầm Hà Nội lớp Kilo tại quân cảng Cam Ranh của Việt Nam

Sự thật là bản đồ Trung Quốc (ít nhất là ở thời nhà Thanh) chỉ coi đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc, chứ không có quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough như Trung Quốc đang chủ trương bất hợp pháp. Không ai chấp nhận lòng tham vô độ "đường lưỡi bò".

Tất nhiên, ngôn ngữ của bài viết còn có các ngôn từ sai trái, ngỗ ngược, ngạo mạn, láo xược, điêu toa hơn nhiều. Những tuyên truyền trên truyền thông Trung Quốc rất giống kiểu "cả vú lấp miệng em", nói nghe thành quen, họ muốn tạo câu chuyện về "giấc mơ Biển Đông" viển vông của mình.

Liên quan đến tàu chiến mua của Hà Lan, ngày 29 tháng 10 năm 2011, tờ "Phượng Hoàng" Hồng Kông cũng có bài viết cho rằng, tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma (nếu được mua) sẽ trở thành một trong "tứ đại kim cương" của Hải quân Việt Nam trong tương lai.

Ngoài tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma, trong "tứ đại kim cương" này còn có tàu hộ vệ lớp Gepard, tàu tên lửa lớp Molniya và tàu ngầm thông thường lớp Kilo - ba loại tàu này đều đã có trong biên chế của Hải quân Việt Nam và chúng sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tàu ngầm Hồ Chí Minh lớp Kilo đang trở về Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo
Tàu ngầm Hồ Chí Minh lớp Kilo đang trở về Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo
Đông Bình