Báo Trung Quốc lo Hải quân Mỹ điều tàu sân bay mạnh hơn tới Nhật Bản

21/05/2015 07:37
Việt Dũng (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Mỹ chọn tàu sân bay USS Ronald Reagan bố trí ở châu Á là có tính toán kỹ càng về chiến lược, tính năng tổng thể tốt hơn, sẽ trang bị máy bay F-35C...
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan CVN 76 Hải quân Mỹ sẽ đến Nhật Bản thời gian tới
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan CVN 76 Hải quân Mỹ sẽ đến Nhật Bản thời gian tới

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 20 tháng 5 đưa tin, ngày 18 tháng 5, tàu sân bay USS George Washington Hải quân Mỹ rời căn cứ Yokosuka Nhật Bản, quay trở lại lãnh thổ nước này để tiến hành đại tu trung hạn và đổi nhiên liệu.

Thời gian tới, tàu sân bay USS Ronald Reagan có tính năng mạnh hơn sẽ thay thế tàu USS George Washington, triển khai ở Nhật Bản.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, mặc dù về phạm vi hoạt động, tàu này “thu lại” so với tiền nhiệm - tàu sân bay USS Kitty Hawk (CV 63), rất ít tiến vào chuỗi đảo thứ nhất, nhưng, mỗi khi bán đảo Triều Tiên xuất hiện khủng hoảng hoặc Biển Đông thay đổi bất ngờ, luôn thấy xuất hiện bóng dáng của nó.

Trong khi đó, tính năng tổng hợp của tàu sân bay USS Ronald Reagan mạnh hơn, trong tương lai có thể trang bị vũ khí tác chiến tiên tiến hơn, phương pháp tác chiến cũng có khả năng thay đổi, đáng để Trung Quốc cảnh giác.

Tàu sân bay USS Kitty Hawk CV 63 Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS Kitty Hawk CV 63 Hải quân Mỹ

Tiến hành diễn tập quân sự với tần suất cao

Theo bài báo, ngày 25 tháng 9 năm 2008, tàu sân bay USS George Washington đến Yokosuka, Nhật Bản thay thế tàu sân bay USS Kitty Hawk. Sau đó, cuộc diễn tập có quy mô tương đối lớn đầu tiên mà tàu sân bay USS George Washington tham gia là "Talisman Sabre" (Trường đao hộ thân) năm 2009, diễn ra ở bờ biển phía bắc Australia.

Một cuộc diễn tập gây quan ngại nhất cho Trung Quốc mà nó tham gia chắc chắn là cuộc diễn tập liên hợp "Tinh thần vô địch" giữa Mỹ-Hàn. Ngày 11 tháng 5 năm 2010, tàu sân bay USS George Washington hoàn thành bảo dưỡng, tu sửa, rời khỏi Yokosuka tiến hành huấn luyện.

Trước đó, Mỹ luôn nhấn mạnh tàu sân bay này sẽ tiến vào biển Hoàng Hải tiến hành diễn tập quân sự như tàu USS Kitty Hawk. Nhưng, cuối cùng, tàu này chỉ đến biển Nhật Bản tiến hành diễn tập. Đây chắc chắn là kết quả từ sự phản đối của Trung Quốc.

Sau khi kết thúc cuộc diễn tập này, tàu sân bay USS George Washington cũng đã tham gia cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Hàn-Mỹ-Nhật.

Chỉ trong năm 2011, tàu này đã đậu ở 4 cảng biển và đã tham gia 2 cuộc diễn tập tương đối lớn, tuần tra trên 50.0000 hải lý. Năm 2012, tàu này còn tiến hành huấn luyện diễn tập liên hợp với Hải quân Malaysia ở biển Andaman, hơn nữa cùng với tàu sân bay John C. Stennis tiến hành hoạt động diễn tập 2 tàu sân bay.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Washington Hải quân Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Washington Hải quân Mỹ

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt ngày 19 tháng 5 cho rằng, từ khi Mỹ cho rằng Trung Quốc đã sở hữu tên lửa chống hạm Đông Phong-21D, tàu sân bay Mỹ đã tương đối kiêng dè tiến vào chuỗi đảo thứ nhất, thường kéo ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất, sử dụng máy bay hải quân hoặc tàu tuần duyên đến tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, mặc dù nó rất ít tiến vào chuỗi đảo thứ nhất như tàu sân bay USS Kitty Hawk, nhưng khả năng răn đe của nó ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải lớn hơn nhiều so với tàu sân bay USS Kitty Hawk.

Nhiều lần đóng vai trò sứ giả hòa bình

Ngoài thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, tàu sân bay USS George Washington cũng đã đóng vai trò sứ giả ngoại giao, đến thăm nhiều quốc gia. Hoạt động ngoại giao quan trọng đầu tiên mà nó tham gia là tham gia lễ duyệt binh trên biển tổ chức ở phía bắc đảo Sulawesi, Indonesia.

Khi đó, có 40 quốc gia đã tham gia lễ duyệt binh trên biển này. Ngày 8 tháng 8 năm 2010, tàu sân bay USS George Washington thăm Việt Nam để chúc mừng tròn 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt, đây là chiếc tàu sân bay đầu tiên của Mỹ thăm Việt Nam sau chiến tranh Việt Nam.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Washington Hải quân Mỹ thăm Việt Nam
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Washington Hải quân Mỹ thăm Việt Nam

Đương nhiên, các đô thị mà tàu sân bay Washington đã thăm còn nhiều hơn. Từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 8 năm 2009, tàu sân bay USS George Washington thăm Singapore, các thủy thủ đã tiến hành nghỉ ngơi ở đó. Tháng 6 năm 2014, đến thăm Hồng Kông, đây là lần thứ 6 tàu này đến thăm.

Trước đó, 4 quân nhân Quân đội Trung Quốc ngồi lên máy bay vận tải C-2 Greyhound của Hải quân Mỹ đổ bộ lên tàu sân bay này để tiến hành thăm đặc biệt. Tháng 10 năm đó, tàu USS George Washington còn đến thủ đô Manila, Philippines tiến hành "đỗ cảng theo thường lệ" và tiến hành diễn tập mang tính tượng trưng với Hải quân Philippines.

Tàu sân bay USS George Washington còn hai lần thực hiện nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo. Năm 2011, tàu sân bay USS George Washington là một trong nhiều tàu chiến tham gia cứu nạn động đất ở Nhật Bản. Nhưng, do trinh sát được bụi phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, tàu USS George Washington đã rút khỏi hiện trường trước.

Tháng 11 năm 2013, tàu sân bayUSS George  Washington và cụm tấn công tàu sân bay còn được triển khai ở Philippines, thực hiện hành động cứu trợ nhân đạo. Khi đó, Philippines bị bão Hải Yến tấn công.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Washington Hải quân Mỹ trên Biển Đông
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Washington Hải quân Mỹ trên Biển Đông

Tàu sân bay USS Ronald Reagan có sức chiến đấu mạnh hơn

Chuyên gia Lý Kiệt cho rằng, Mỹ dùng tàu sân bay USS Ronald Reagan thay thế USS George Washington chính là một hoạt động thay phiên tàu sân bay bình thường, nhưng trên thực tế là sự bố trí chiến lược được tính toán kỹ càng, đáng để Trung Quốc cảnh giác.

Mỹ sở dĩ lựa chọn tàu sân bay USS Ronald Reagan để triển khai thường trú ở Nhật Bản trong tương lai, cho thấy Mỹ cho rằng tàu sân bay này sẽ đóng vai trò lớn hơn trong thời gian tương đối dài sắp tới.

Theo Lý Kiệt, USS Ronald Reagan là chiếc thứ hai "đếm ngược" của tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Nimitz, có sự cải tiến rõ rệt so với vài chiếc trước, bao gồm tính tàng hình, hệ thống động lực, hệ thống điện tử của tàu và máy bay hải quân đều được nâng cấp không nhỏ, tính năng tổng thể được cải thiện khá nhiều so với USS George Washington.

Nó là tàu sân bay động cơ hạt nhân mạnh nhất mà Mỹ có thể điều đến triển khai lâu dài ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ đang được hoàn thiện
Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ đang được hoàn thiện

Lý Kiệt cho rằng, trong tương lai, nếu như máy bay chiến đấu F-35C được biên chế thuận lợi, tàu sân bay USS Ronald Reagan có khả năng sẽ đổi trang bị máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới, làm cho tính năng tác chiến của toàn bộ tàu sân bay tiếp tục tăng lên.

Cùng với việc nghiên cứu chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R. Ford của Mỹ, vũ khí khái niệm mới ứng dụng trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford cũng có khả năng làm thay đổi to lớn phương pháp tác chiến cụm chiến đấu tàu sân bay.

Việt Dũng (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)