Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ

21/07/2011 00:03
Ngoài ra, cử tri cũng yêu cầu Quốc hội khóa mới có những quyết sách phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn; quan tâm ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát.
Ngoài ra, cử tri cũng yêu cầu Quốc hội khóa mới có những quyết sách phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn; quan tâm ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XIII khai mạc sáng nay, 21-7 (kéo dài đến ngày 6-8). Theo báo cáo này, những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm gồm: Bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tình hình giá cả, lạm phát tăng cao; yêu cầu đối với các vị trí lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới…
Phản ứng với các vụ xâm phạm vùng biển Việt Nam
Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ nêu rõ nhiều ý kiến cử tri và nhân dân bày tỏ thái độ bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta, gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước (sự kiện Bình Minh 02 ngày 26-5 và Viking II ngày 9-6). Do đó, cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị trong thời gian tới Đảng và Nhà nước tăng cường hoạt động đối ngoại, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Riêng với việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhiều ý kiến cử tri mong mỏi những vấn đề đưa ra cần đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với khả năng thực tế của đất nước. Đặc biệt, cần tránh tình trạng quyết định không sát thực tế gây lãng phí tiền của, công sức của nhân dân.
Một số ý kiến cử tri và nhân dân cũng bày tỏ lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế. Cụ thể, hiện nay có nhiều ngành kinh tế lệ thuộc vào nước ngoài về công nghệ và nguyên, nhiên liệu. Đặc biệt, tình trạng lạm phát, giá cả tiếp tục tăng cao đã và đang gây ảnh hưởng bất lợi đến đời sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế-xã hội. “Chính phủ khóa tới cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế” - nhiều cử tri đề nghị.
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm. Ảnh: CTV
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những vấn đề được cử tri
đặc biệt quan tâm. Ảnh: CTV
Sáng suốt lựa chọn nhân sự có đức, có tài
Đối với việc bầu và phê chuẩn các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan nhà nước ở trung ương, cử tri và nhân dân kiến nghị QH nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài, thực sự tiêu biểu để đảm nhiệm những chức vụ trong bộ máy. Đặc biệt, đa số ý kiến cử tri và nhân dân mong muốn những người được QH bầu hoặc được phê chuẩn cần có chương trình hành động gửi đến Ủy ban Thường vụ QH và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để theo dõi, giám sát.
Ngoài ra, đa phần cử tri và nhân dân cả nước mong muốn và kiến nghị Chủ tịch nước nhiệm kỳ này quan tâm hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quan trọng khác. Các cử tri cũng kiến nghị QH cụ thể hóa hơn nữa các quy định của chế định Chủ tịch nước trong hiến pháp để Chủ tịch nước thực sự phát huy vai trò rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước ở trung ương.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Quốc hội nên ra nghị quyết về biển Đông
Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế và đang tìm cách vượt lên khủng hoảng kinh tế. Nhưng có lẽ nổi cộm hơn cả là vấn đề biển Đông, dù thực tế nó tồn tại từ lâu. Vì thế, cả hai vấn đề trên đều phải được đưa ra trước QH để bàn bạc. Diễn đàn QH chính là cơ hội để tìm kiếm sự đồng thuận trong xã hội.
Ở góc độ một đại biểu QH, tôi cho rằng QH cần ban hành nghị quyết để thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề biển Đông. Nội dung nghị quyết QH sẽ bàn nhưng phải đứng trên quan điểm vừa giữ được hòa bình, vừa khẳng định được chủ quyền của chúng ta với Hoàng Sa, Trường Sa. Nếu QH ra được nghị quyết đó thì sẽ tranh thủ được lòng tin của nhân dân trong nước và quốc tế. Đồng thời, thể hiện được ý chí, nguyện vọng cao nhất mà cử tri tin tưởng, gửi gắm vào các đại biểu QH.
Riêng việc bầu nhân sự, theo tôi, nếu chúng ta lựa chọn, giới thiệu và đưa ra hai ứng viên để bầu một thì rất tốt. Tuy nhiên, tiêu chí hàng đầu là những người được lựa chọn để đảm nhận cương vị lãnh đạo đất nước phải thực hiện được mục tiêu bảo vệ và xây dựng đất nước.
Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP.HCM): Giữ lời hứa với cử tri
Theo dõi các phiên chất vấn tại QH khóa XII được trực tiếp trên truyền hình hoặc thông tin đăng tải trên báo chí, tôi cảm nhận được sức nóng của nghị trường và những vấn đề quan tâm của người dân. Đến QH khóa XIII và ở kỳ họp đầu tiên này, điều mới lạ với tôi là tôi trực tiếp ngồi trong QH để làm những việc mà trước đây mình chỉ chứng kiến (ông Hoàng Hữu Phước là đại biểu tự ứng cử duy nhất trúng cử của TP.HCM - PV).
Với một đại biểu mới như tôi thì bên cạnh những vấn đề mình đã nắm bắt, tôi thấy có cả những trọng trách nặng nề, nhất là việc làm sao để có thể giữ đúng lời hứa với cử tri. Riêng tại kỳ họp này, về việc lựa chọn nhân sự cấp cao của Nhà nước và Chính phủ, tôi đặt sự tin cậy vào những người đã có bề dày về mặt chính trị, đã có thời gian dài cống hiến, phục vụ cho đất nước.
Về nhiệm vụ kinh tế-xã hội sáu tháng cuối năm, điều tôi quan tâm nhất là vấn đề chỉ số giá tiêu dùng tăng quá cao vì nó sát sườn với đời sống người dân. Việc tăng lương của công nhân, cán bộ, công chức vừa qua vẫn không theo kịp vật giá leo thang. Tôi nghĩ phải làm sao cho người dân, nhất là những người làm công ăn lương có thể sống được bằng đồng lương của mình…
{iarelatednews articleid='8172,8051,7820,7622,7555,6992,6607,6608,6362,6328,6008,5754,5849,5782,5735,5638'}
Theo THÀNH VĂN/Pháp luật TPHCM
alt