Bắt giáo viên tự bỏ tiền ra đóng phí học “thăng hạng” là đúng hay sai?

11/07/2019 06:28
An Yên
(GDVN) - Cơ quan quản lý, sử dụng viên chức phải có trách nhiệm để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp và không được thu tiền.

Cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên được bổ nhiệm, cớ sao lại bắt giáo viên phải bỏ tiền túi ra đóng phí?

Bên trong một lớp ôn thi chứng chỉ, sáng ôn, chiều thi (Ảnh: Nam Dương)
Bên trong một lớp ôn thi chứng chỉ, sáng ôn, chiều thi (Ảnh: Nam Dương)

Năm 2015, sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non; giáo viên tiểu học công lập; giáo viên trung học cơ sở công lập; giáo viên trung học phổ thông công lập (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 20; 21; 22;23 /2015/TTLT-BGDĐT-BNV).

Theo đó, các Thông tư này quy định về mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Để đạt được được các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên theo cấp học, giáo viên phải “lận lưng” thêm một loại hình chứng chỉ gọi là: “Chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên”.

Những Thông tư liên tịch này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông các cấp học trong các trường công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Quy định của các Thông tư liên tịch số 20; 21; 22;23 /2015/TTLT-BGDĐT-BNV nhìn chung là phù hợp với yêu cầu phát triển chung của xã hội.

Điều khoản áp dụng được thực hiện bài bản theo lộ trình.

Đơn cử, lấy một ví dụ điển hình (Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) để dẫn chứng.

1.Viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch giáo viên tiểu học theo quy định tại Quyết định số 202/TCCP-VC; Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư liên tịch này thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học được bổ nhiệm.

2.Viên chức đã được bổ nhiệm vào ngạch giáo viên (tiểu học chưa đạt chuẩn (mã số 15c.209) được quy định tại Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV tính đến ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành mà không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV thì được bảo lưu và thực hiện các chế độ, chính sách ở ngạch hiện giữ trong thời gian không quá 05 năm kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành.

Đối với giáo viên tiểu học hiện đang giữ ngạch giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn (chưa đạt trình độ trung cấp) mã số 15c.209 tính đến ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành có tuổi đời dưới 55 tuổi đối với nam và dưới 50 tuổi đối với nữ thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức phải bố trí cho viên chức học tập nâng cao trình độ để đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV.

Bắt giáo viên tự bỏ tiền ra đóng phí học “thăng hạng” là đúng hay sai? ảnh 2
Cần bao nhiêu loại chứng chỉ nữa thì người ta mới công nhận giáo viên chúng tôi?

Nếu viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở chức danh giáo viên tiểu học hạng IV thì cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức báo cáo cơ quan, đơn vị quản lý viên chức để xem xét, quyết định bổ nhiệm vào chức danh giáo viên tiểu học hạng IV.

Trường hợp viên chức được cử đi học tập nâng cao trình độ mà không tham gia học tập hoặc kết quả học tập không đạt yêu cầu thì cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức báo cáo cơ quan, đơn vị quản lý viên chức xem xét bố trí lại công tác khác hoặc thực hiện tinh giản biên chế.

Như vậy, có thể khẳng định rằng:

Cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức phải có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên được bổ nhiệm.

Để viên chức tham gia học tập bổ sung các điều kiện còn thiếu, hẳn nhiên họ phải được hưởng đầy đủ quyền và lợi ích theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 ( Luật viên chức 2010).

Cụ thể, Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010 quy định:

Quyền của viên chức về hoạt động nghề nghiệp là: Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ (Khoản 2, Điều 11) .

Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương là: Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập (Khoản 2, Điều 12).

Vậy, hà cớ gì các cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức lại bắt giáo viên phải tự bỏ tiền túi ra đóng phí?

Triệt để và tích cực trong việc tham gia “vận động” viên chức theo học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhưng lại không thể trả lời câu hỏi: “ Phòng Giáo dục có ký hợp đồng liên kết với cơ sở đào tạo hay không”

Từ những bức xúc của bạn đọc trong loạt bài viết về vấn đề “ thăng hạng” trên báo Giáo dục Điện tử Việt Nam, để có thêm thông tin nhằm lý giải câu chuyện này chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu tại một số địa phương để tìm lời giải đáp.

Đến tỉnh Kiên Giang, thông qua các tài liệu có được, có thể thấy rằng việc tổ chức cho giáo viên tham gia các lớp học bồi dưỡng thăng hạng đã được nhiều phòng giáo dục địa phương này thực hiện rất tích cực.

Cụ thể, ngày 30/6/2017, Trường Đại học Đồng Tháp có công văn số 392/ĐHĐT về việc tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Theo công văn số 392/ĐHĐT ngày 30/6/2017, thời gian học chủ yếu là thứ Bảy và Chủ nhật.

Địa điểm: Học tại trường Đại học Đồng Tháp hoặc tại các địa phương có đủ 50 học viên tham gia.

Học phí: 2,5 triệu đồng/ học viên/ khóa học, nếu lớp học đặt tại trường Đại học Đồng Tháp.

Học phí là 2,8 triệu đồng/ học viên/ khóa học nếu lớp học đặt tại địa phương.

Có thể nói, từ văn bản này, để tạo điều kiện cho giáo viên tham gia bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang đã rất tích cực ban hành các văn bản gửi tới cơ sở giáo dục để vận động giáo viên tham gia học tập.

Bắt giáo viên tự bỏ tiền ra đóng phí học “thăng hạng” là đúng hay sai? ảnh 3
Quy định về chứng chỉ, ai là người hưởng lợi nhiều nhất, có phải thầy cô không?

Theo số liệu chúng tôi thu nhận được, chỉ riêng năm 2017 số lượng giáo viên tham gia bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập do trường Đại học Đồng Tháp mở tại huyện Vĩnh Thuận lên tới 467 người/ 06 lớp.

Năm 2018, căn cứ Thông báo số 42/TB-CĐSP ngày 10/8/2018 của Trường Cao đẳng sư phạm Kiên Giang về việc chiêu sinh các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận cũng tích cực quán triệt vận động được 376 người / 05 lớp.

Thời gian bồi dưỡng học vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần tại địa bàn huyện Vĩnh Thuận. Học phí 2,2 triệu đồng / học viên.

Như vậy, chỉ riêng địa phương huyện Vĩnh Thuận  tỉnh Kiên Giang, số tiền học phí 02 cơ sở đào tạo này thu được trong việc bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập đã lên đến tiền tỷ.

Để làm rõ thêm, sáng ngày 10/7/2019 chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với một chuyên viên tổ chức Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận để tìm hiểu về hợp đồng liên kết bồi dưỡng giáo viên của Phòng Giáo dục – Đào tạo huyệnVĩnh Thuận với 02 cơ sở đào tạo (trường Đại học Đồng Tháp và Trường Cao đẳng sư phạm Kiên Giang).

Qua điện thoại, chúng tôi được trả lời ngắn gọn:

Chúng tôi chỉ là người lập danh sách, ký hợp đồng hay không là do lãnh đạo Phòng Giáo dục, tôi không biết”. Phải nói rằng, đây là một câu trả lời khá lạ lùng.

Theo tài liệu chúng tôi có được, chính vị chuyên viên phụ trách công tác tổ chức của Phòng Giáo dục này là người rất tích cực đôn đốc các đơn vị trường học vận động giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng.

Không chỉ “tích cực vận động” giáo viên tham gia bằng các văn bản “chỉ đạo sắc lạnh” mà Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận còn trực tiếp đứng ra đôn đốc, thu nhận học phí của học viên tham gia bồi dưỡng giúp các cơ sở đào tạo bồi dưỡng.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận, sẵn sàng công khai danh tính học viên chậm trễ đóng phí lên email toàn ngành.

Thâm chí “ra tối hậu thư” cho các đơn vị trường học phải có trách nhiệm đôn đốc giáo viên phải đóng dứt điểm trong kỳ lương tháng 1/2018 (và đây là kỳ lương Tết)

Tích cực trong việc vận động giáo viên bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và cũng rất tích cực trực tiếp thu gom học phí giúp các cơ sở đào tạo bồi dưỡng, nhưng vị chuyên viên phụ trách công tác tổ chức Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận lại thẳng thừng trả lời “không biết” có ký hợp đồng liên kết giảng dạy hay không là một điều rất kỳ lạ và cần có lời giải đáp.

Kỳ sau: Có hay không việc các Phòng giáo dục được nhận 25% hoa hồng từ cơ sở liên kết đào tạo khi mở lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên?

An Yên