Bắt tiếp Thiếu tướng Học viện Quốc phòng, sẽ bắt "hổ" lớn hơn Từ Tài Hậu

21/01/2015 14:45
Hồng Thủy
(GDVN) - Trước khi ông Kiệt bị bắt quân đội Trung Quốc đã công bố danh sách 16 sĩ quan chỉ huy cấp quân đoàn trở lên bị điều tra, trong đó đại đa số đều đã có tin đồn.
Đoàn Thiên Kiệt.
Đoàn Thiên Kiệt.

South China Morning Post ngày 21/1 đưa tin, Đoàn Thiên Kiệt, Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Học viện Quốc phòng Trung Quốc đã trở thành viên Thiếu tướng thứ 3 bị bắt từ các học viện nhà trường quân sự liên quan đến việc mua bán quân hàm. Ông Kiệt là sĩ quan cao cấp nhất của Học viện Quốc phòng bị điều tra cho đến nay.

Học viện Quốc phòng Trung Quốc được thành lập năm 1985 trên cơ sở sáp nhập 3 trường Học viện Lục quân, Học viện Chính trị và Học viện Hậu cần, đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy trung ương, tương đương Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point.

Cục Chính trị thuộc Học viện Quốc phòng Trung Quốc là cơ quan phụ trách công tác nhân sự, xét duyệt thăng phong quân hàm, Đoàn Thiên Kiệt bị bắt vì mua bán quân hàm. Từ Tài Hậu đã từng đòi 60 triệu nhân dân tệ (xấp xỉ 1 triệu USD) cho vị trí chỉ huy quân khu, trong khi một chỉ huy cấp trung đoàn cần phải có 1 triệu nhân dân tệ, một Đại tá quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu nói với South China Morning Post.

Cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu đã bị bắt và truy tố vì tội tham nhũng, buôn bán quân hàm sĩ quan dù đã nghỉ hưu và đang bị ung thư bàng quang.

Theo tường thuật của Đa Chiều, thông tin bắt Đoàn Thiên Kiệt được tờ Caixin công bố đầu tiên vào chiều qua 20/1, đồng thời còn bóng gió nói rằng năm 2015 sẽ còn con hổ lớn hơn cả Từ Tài Hậu bị bắt. Thông tin này đã nhanh chóng được truyền thông Trung Quốc lan truyền, nhưng chỉ ít lâu sau nó đã bị gỡ khỏi mặt báo, kể cả các ý kiến bình luận.

Theo Caixin, Đoàn Thiên Kiệt bị bắt vào đầu tháng 12/2014. Tài liệu công khai cho biết ông Kiệt quê Sơn Tây, công tác lâu năm trong ngạch chính trị tuyên truyền, từng làm Tổng biên tập tờ Chiến hữu của đại quân khu Bắc Kinh.

Tháng 6 năm ngoái Đoàn Thiên Kiệt được thăng lon Thiếu tướng, bổ nhiệm làm Chính ủy Khoa Cơ bản Học viện Quốc phòng, sau đó được thăng chức Phó Chủ nhiệm Chính trị Học viện Quốc phòng Trung Quốc. Caixin là tờ báo Trung Quốc thường có nguồn tin xung quanh thượng tầng quyền lực Trung Nam Hải.

Bản tin bị gỡ của Caixin nói rằng, trước khi Kiệt bị bắt quân đội Trung Quốc đã công bố danh sách 16 sĩ quan chỉ huy cấp quân đoàn trở lên bị điều tra, trong đó đại đa số đều đã có tin đồn trên mạng internet từ trước. Hiện tại còn duy nhất một tin đồn chưa được xác nhận: Năm 2015 sẽ có con hổ lớn hơn cả Từ Tài Hậu bị bắt.

Caixin cho biết ngay từ tháng 11 năm ngoái trên mạng internet đã xuất hiện nhiều tin đồn về một loạt các tướng lĩnh cấp cao dính vào tham nhũng bị điều tra, đồng thời có tin một con hổ lớn khác sẽ bị đả. Tuy nhiên những thông tin này không ghi rõ nguồn, không thể xác minh được thật giả.

Thậm chí có nguồn tin nói rằng Cốc Tuấn Sơn, cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần không chỉ có 1 chỗ dựa là Từ Tài Hậu, mà còn có một con hổ lớn hơn, chức vụ ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn Từ Tài Hậu một chút. Những thông tin này trên tờ Caixin đã bị xóa ngay sau đó, những kênh truyền thông internet lớn ở Trung Quốc như QQ News, Soso...dẫn lại cũng bị gỡ.

Trước đây đã có những tờ báo tiếng Hoa ở hải ngoại cho biết, trước thềm hội nghị trung ương 4 đảng Cộng sản Trung Quốc, Lưu Nguyên - Thượng tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần và thân tín của ông là Trương Mộc Sinh đã công khai tuyên bố, trong quân đội Trung Quốc còn có con hổ lớn hơn cả Từ  Tài Hậu, thậm chí con hổ này dám động đến cả ngân sách quốc phòng.

Ngày 17/12 năm ngoái tờ Quân giải phóng Trung Quốc còn đăng bài xã luận tuyên bố, hổ lớn như Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu còn bắt được thì có ai không thể bắt?

Giới phân tích cho rằng những tin đồn, phát biểu và thông tin về "con hổ lớn" này nhiều khả năng là Quách Bá Hùng, một cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương cùng thời Từ Tài Hậu.

Còn tờ Caixin cũng là tờ báo chính thống duy nhất ở Trung Quốc xác nhận tin đồn về cái chết của con trai Lệnh Kế Hoạch trong vụ tai nạn siêu xe Ferrari lan truyền trên internet từ lâu là sự thật. Mặc dù thông tin này cũng bị xóa ngay sau đó, nhưng rồi nó được Bắc Kinh chính thức xác nhận, báo chí Trung Quốc khi đưa tin chủ yếu dẫn nguồn từ Caixin.

Hồng Thủy