Bầu Đức sẽ kiếm bội tiền ở Attapeu, Lào

26/02/2013 07:14
(GDVN) - Bỏ ra 87,8 triệu USD để xây dựng Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu, bầu Đức hi vọng sẽ thu về 5.000-6.000 USD/ha/năm, thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thật sự biến những vùng nông thôn nghèo ở Lào thành những vùng nông thôn giàu có trong tương lai.

Bầu Đức dốc 87,8 triệu USD đầu tư vào mía đường
Chiều qua (ngày 25/2), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã chính thức khánh thành Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu tại Lào. Việc hoàn thành và đưa Cụm công nghiệp Hoàng Anh Attapeu vào hoạt động được đánh giá là một sự kiện lịch sử đối với Tập đoàn HAGL, giúp cho Tập đoàn tiếp tục ổn định và phát triển vững chắc, đủ sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập.
Được khởi công xây dựng vào ngày 22/11/2011, dự án Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu được coi là một dự án lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với HAGL.

Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết: Tổng số vốn đầu tư vào Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu là 87,8 triệu USD. (Ảnh: Tư Khương)
 Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết: Tổng số vốn đầu tư vào Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu là 87,8 triệu USD. (Ảnh: Tư Khương)

Quy mô của dự án bao gồm: Phát triển vùng nguyên liệu mía với diện tích 6.000 ha của tập đoàn và 6.000 ha đất của dân; Xây dựng nhà máy đường công suất 7000 tấn mía cây/ngày; Xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy từ bã mía công suất 30 MW; Xây dựng nhà máy cồn Ethanol công suất 30.000 tấn/năm chạy từ mật rỉ từ quá trình sản xuất đường; Và xây dựng nhà máy sản xuất phân bón 50.000 tấn/năm sử dụng nguyên liệu là bã bùn từ quá trình sản xuất đường.
Hiện tại, cho tới thời điểm này, theo thông tin từ lãnh đạo của HAGL, Tập đoàn này đã trồng xong hơn 5.000ha nguyên liệu mía tại các huyện Sanxay, huyện Saysetha, huyện Samakhixay và huyện Phouvong thuộc tỉnh Attapeu, số còn lại sẽ trồng năm nay và đầu tư cho dân các huyện giống, phân, kỹ thuật và phát triển thêm 6.000 ha đất trong dân, nhà máy bao tiêu toàn bộ sản phẩm do dân trồng. Như vậy, tổng diện tích vùng nguyên liệu cho nhà máy là 12.000 ha.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chumaly Saynhasone (ở giữa) và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải) tham quan Cụm Công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu tại tỉnh Attapeu-Lào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chumaly Saynhasone (ở giữa) và 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải) tham quan Cụm Công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu tại tỉnh Attapeu-Lào.

Bên cạnh đó, HAGL cũng đã xây dựng xong nhà máy sản xuất đường 7.000 tấn mía cây/ngày, xây dựng xong trung tâm nhiệt điện với công suất 30MW hòa vào lưới điện quốc gia Lào. 
Toàn bộ các công việc nêu trên được HAGL thực hiện trong thời gian 14 tháng. Để đẩy nhanh tiến độ của dự án, có nhiều thời điểm số lượng người lao động trên công trường lên đến 1.000 người, làm việc ròng rã không kể ngày đêm liên tục suốt mấy tháng. Ban lãnh đạo tập đoàn HAGL cũng đã đưa ra nhiều quyết định kịp thời để đảm bảo tiến độ của dự án.
Chia sẻ với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam trong buổi lễ khánh thành Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức bật mí: Tổng số vốn đầu tư vào các hạng mục nêu trên là 87,8 triệu USD, trong đó đầu tư vào xây dựng nhà máy nhiệt điện và mía đường là 68,7 triệu USD; và đầu tư vào vùng nguyên liệu mía là  19,1 triệu USD.
“Còn hai hạng mục còn lại là nhà máy phân và ethanol sẽ tiếp tục đầu tư và đưa vào hoạt động cuối năm nay” – bầu Đức tiết lộ.

Trồng mía tại Lào: Năng suất đạt 5.000-6.000 USD/ha/năm

Theo chia sẻ của Chủ tịch Tập đoàn HAGL, việc trồng mía tại Attapeu hoàn toàn khác với các nước trên thế giới. 
Không trồng mía như cách làm truyền thống, HAGL đã tiến hành cơ giới hóa và công nghiệp hóa tất cả các khâu từ khâu làm đất trồng mía, làm cỏ, bón phân, tưới nước, thu hoạch cho đến khâu sản xuất và đóng gói thành phẩm. 
“Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên ở Lào được cơ giới hóa hoàn toàn từ khâu làm đất đến chế biến thành phẩm. Ngoài áp dụng cơ giới hóa toàn bộ trong trồng trọt và chăm sóc, công ty còn đầu tư hệ thống tưới cho toàn bộ diện tích mía. Vì thế, năng suất mía bình quân ở đây mới năm đầu đạt khoảng 120 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân ở Việt Nam và Thái Lan” – bầu Đức nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc HAGL được chính phủ Lào cấp đất để phát triển vùng nguyên liệu tập trung và cách nhà máy bán kính trung bình khoảng 5km cũng giúp cho HAGL giảm chi phí vận chuyển mía xuống đáng kể, giá thành sản phẩm mía đường của HAGL sẽ ở mức rất thấp. 
Vì vậy, bầu Đức tin tưởng: sản phẩm đường của HAGL sản xuất tại Lào đủ sức cạnh tranh với bất kỳ công ty sản xuất đường nào trên thế giới.
Đại diện của Chính phủ nước CHDCND Lào cho hay: Cụm công nghiệp mía đường của HAGL đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế xã hội tỉnh Attapeu. 
Nó cùng nhà máy mủ cao su và sản phẩm cao su Hoàng Anh có thể tạo ra kim ngạch xuất khẩu lên đến hàng trăm triệu USD/năm và tạo ra việc làm cho hàng ngàn người, đóng góp ngân sách cho tỉnh một cách đáng kể, đưa Attapeu trở thành một tỉnh công nghiệp chế biến và phát triển bền vững trong tương lai gần. 

Lễ cắt băng khánh thành Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu. (Ảnh: Tư Khương).
Lễ cắt băng khánh thành Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu. (Ảnh: Tư Khương).

Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực mía đường cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xoá đói giảm nghèo cho người dân huyện Phu Vông nơi nhà máy đứng chân, cũng như người dân ở các vùng lân cận. 
Bởi lẽ, bà con các bộ tộc Lào nơi này lâu nay chưa biết trồng mía song tương lai với sự trợ giúp kỹ thuật của HAGL, cây mía sẽ góp phần đáng kể cải thiện đời sống của họ. 
“Từ bước đi đầu tiên của HAGL, sau khi bà con nông dân tự trồng mía, với sự hỗ trợ của tập đoàn HAGL về kỹ thuật, giống, đầu tư trang thiết bị, và bao tiêu sản phẩm đầu ra, tôi tin tưởng rằng người dân Attapeu có thể biến những thửa ruộng xưa nay canh tác lạc hậu, giá trị thu hoạch từ 300 - 400 USD/ha/năm thành những vườn mía đạt năng suất từ 100 tấn/ha/năm trở lên và giá trị đạt 5.000-6.000 USD/ha/năm. Đây có thể nói là cuộc cách mạng nông nghiệp thật sự biến những vùng nông thôn nghèo thành những vùng nông thôn giàu có trong tương lai”- bầu Đức nhấn mạnh.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Bài: Tiểu Phương, Ảnh: Tư Khương (gửi về từ Attapeu, Lào)