"Bầu thiếu ủy viên Bộ Chính trị Trung ương cũng không hài lòng”

14/05/2013 07:13
Ngọc Quang (tổng hợp)
(GDVN) - Chiều 13/5, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội), Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, lấy phiếu tín nhiệm với những vị trí cán bộ chủ chốt là việc làm cần thiết, là bước cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng.

Cử tri quan tâm nhiều đến luật sửa đổi đất đai

Tại cuộc tiếp xúc này, nhiều cử tri bày tỏ sự quan tâm với việc sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có nhiều điểm mới, đề cao quyền con người, quyền công dân. Nhiều cử tri cũng nêu một số quy định về đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời đề nghị cần có sự sửa đổi mang tính khái quát hơn, không nên đi vào chi tiết.

Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Luật Đất đai cũng được nhiều cử tri quan tâm. Một trong những điểm mà cử tri đã nêu là: Quyền sử dụng đất là quyền tài sản, kéo dài thời hạn sử dụng đất, bồi thường đất sát với giá thị trường. Tuy nhiên, cử tri đề nghị, đối với các dự án kinh tế - xã hội, không được thu hồi đất mà phải trưng mua. Để đảm bảo tính công khai minh bạch, việc xác định giá đất nên giao cho một tổ chức độc lập, không giao cho UBND. Giá đất, nhà tái định cư phải thấp hơn giá thị trường, để người dân có điều kiện tái sản xuất, ổn định đời sống.

Giải đáp những băn khoăn của cư tri về công tác sửa đổi Luật Đất đai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đất đai là tài sản quý của quốc gia, là nguồn sống của nhân dân. Qua góp ý của nhân dân đã thống nhất cao quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước thay mặt nhân dân làm chủ đại diện. Những băn khoăn của nhân dân, nhất là việc trưng thu hay trưng mua đất khi cần giải phóng mặt bằng nhằm thực hiện các dự án kinh tế-xã hội sẽ được tiếp thu đầy đủ nhằm bảo đảm khi luật được thông qua sẽ đi vào cuộc sống ngay, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ với Hiến pháp sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6”.


Tờ VnEconomy dẫn lời cử tri Lâm Thắng (Thành Công) đặt vấn đề về tính thích hợp của việc sẽ  lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội, khi trong Đảng vừa diễn ra hai sự kiện rất quan trọng mà nhiều cán bộ đảng viên còn băn khoăn.

Một là việc kiểm điểm cấp ủy từ trên xuống dưới theo Nghị quyết Trung ương 4 chưa thực sự đem lại kết quả như mong muốn.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình - Ảnh: Trí Dũng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình - Ảnh: Trí Dũng.


Hai là kết luận hội nghị Trung ương 7 đã làm cho nhiều cán bộ đảng viên và cử tri khó hiểu, không lý giải nổi tại sao Ban Chấp hành Trung ương với 175 ủy viên, đã qua hai lần bầu Bộ Chính trị nhưng đến nay chỉ có 16 người. “Phải chăng các đồng chí còn lại không ai đủ tiêu chuẩn để tham gia vào Bộ Chính trị hay vì lý do gì, các ủy viên Trung ương thiếu cái gì?”, cử tri Lâm Thắng đặt câu hỏi.
"Vừa rồi bầu bổ sung được thành 16 ủy viên Bộ Chính trị, định bổ sung 3 thì được 2, định bổ sung thêm 2 ủy viên Ban Bí thư thì được 1, so với yêu cầu về số lựợng thì chưa đạt, cái đó Trung ương cũng không hài lòng". - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.(nguồn: VnEconomy)

Về những băn khoăn của cử tri khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt liệu có đảm bảo tính minh bạch? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là việc làm cần thiết, là bước cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Trước đây, trong Luật quy định Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng trên thực tế chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện. Đến nay, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành không chỉ ở các chức danh chính quyền mà còn tiến hành rộng rãi trong các tổ chức khác của hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với các lo lắng của cử tri rằng, nếu không tổ chức chặt chẽ, để các nhóm lợi ích chi phối thì việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ bị hình thức, đánh giá không đúng thực chất uy tín, năng lực, phẩm chất của cán bộ. Vì vậy, trong kỳ họp Quốc hội tới đây, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ ghi nhận tâm tư nguyện vọng của cử tri, phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân, bỏ phiếu công tâm, khách quan...


Lo “kết quả ngược” của lấy phiếu tín nhiệm

Cũng trên tờ báo VnEconomy trích lời của cử tri Phạm Quy, phường Ngọc Khánh phát biểu: “Việc bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị lúc này tôi cho là chưa thích hợp”.
Trả lời thắc mắc của cử tri, Tổng bí thư giải thích, “bây giờ giữa nhiệm kỳ rồi, nếu chúng ta không bổ sung thì một là không tăng cường được nhân sự trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong khi đầu nhiệm kỳ đã quyết định số lượng là từ 15 - 17 ủy viên Bộ Chính trị , 9 - 11 đồng chí Ban Bí thư. Chả nhẽ cứ để mãi thế này, thì đến một lúc nào đó, cái anh ngấp nghé tuổi lại quá tuổi mất rồi, lại lỡ; hoặc là khi bổ sung vào cái lại chuẩn bị vào ngay Đại hội rồi”.
Theo Tổng bí thư thì quan trọng là chọn nhân sự có đúng không, có công tâm, khách quan không, và cách làm có bảo đảm dân chủ, tập trung, chặt chẽ, lắng nghe nhiều và lựa chọn làm sao cho chính xác hay không? 
“Thẩm quyền là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng là cơ quan chuẩn bị để Trung ương quyết thôi. Vừa rồi bầu bổ sung được thành 16 ủy viên Bộ Chính trị, định bổ sung 3 thì được 2, định bổ sung thêm 2 ủy viên Ban Bí thư thì được 1, so với yêu cầu về số lựợng thì chưa đạt, cái đó Trung ương cũng không hài lòng”, Tổng bí thư nói.
Ông cũng giải thích rằng, trong không khí dân chủ này cơ chế phải có số dư, để tôn trọng các ý kiến của người ta. Bây giờ đang nói là chọn cán bộ không nên chỉ có độc diễn, phải có nhiều số dư để có sự lựa chọn. Thế là đôi khi có nhiều lại bị phân tán.

Cũng trong buổi chiều qua, nhiều cử tri bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, kiên định mục tiêu Đảng ta ngày càng trọng sạch vững mạnh, Nhà nước ta thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân; tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết trong cuộc sống.

Cử tri Phạm Hồng Cư (phường Liễu Giai) đề nghị Quốc hội đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhằm tăng quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của hệ thống chính trị, đồng thời đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh cán bộ tới đây cần lấy kết quả kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua làm cơ sở và phải công khai cho nhân dân có điều kiện giám sát.

Cử tri Lâm Thắng (phường Thành Công) bày tỏ băn khoăn trước việc kỳ họp này, Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh cán bộ chủ chốt, nếu làm không chặt chẽ, để các nhóm lợi ích chi phối thì sẽ phản ánh không đúng uy tín của đội ngũ cán bộ.

Cử tri Trần Hiền Thuật (phường Quán Thánh) bày tỏ sự lo ngại quyền làm chủ của nhân dân bị ảnh hưởng khi Quốc hội thí điểm việc bỏ hội đồng nhân dân cấp quận, huyện và phường; lo ngại trước việc một số thế lực thù địch lợi dụng sự kiện toàn dân góp ý vào nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để chống phá Đảng, nhà nước.

Cho rằng còn có ý kiến thế này thế khác cũng là đương nhiên, theo Tổng bí thư, vấn đề là phải tiếp thu chọn lọc thế nào, phải nói rõ cái gì là tiếp thu, cái gì là giải trình, cái gì không chấp nhận, điểm nào không phù hợp, mang tính chống đối chế độ ta, chống đối Đảng ta, mang tính chất phá hoại thì kiên quyết phê bình, bác bỏ. 
"Trách nhiệm của đại biểu rất lớn, dân gửi gắm tin tưởng anh thì anh phải thể hiện được ý kiến mình cho chính xác. Chúng tôi thực sự cũng lo nhưng bây giờ Quốc hội quyết rồi, vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm."
- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.(nguồn: VnEconomy)
Quốc hội sẽ lọc ra các ý kiến khác nhau, nếu còn những ý kiến chưa thuyết phục nhau lắm thì tiếp tục nêu ra các phương án để thảo luận, quyết định, chứ chưa phải là “chốt cứng” ngay vì đến kỳ họp thứ 6 mới thông qua chính thức, còn thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo sửa đổi, Tổng bí thư nói.
Về lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội, với băn khoăn là liệu có chuẩn xác không của cử tri, Tổng bí thư trao đổi, “có khi người tốt bị loại, anh cơ hội lại có phiếu cao, trong thời buổi kinh tế thị trường này, điều đó cần hết sức quan tâm để làm sao thực hiện lấy phiếu cho chính xác”.
“Trách nhiệm của đại biểu rất lớn, dân gửi gắm tin tưởng anh thì anh phải thể hiện được ý kiến mình cho chính xác. Chúng tôi thực sự cũng lo nhưng bây giờ Quốc hội quyết rồi, vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm”. 

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri đã quan tâm sát sao đến tình hình đất nước, đồng thời khẳng định: “Quan điểm nhất quán của Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 

Trên tinh thần phát huy dân chủ rộng rãi nhưng Quốc hội cũng luôn nêu cao cảnh giác trước các âm mưu, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực phản động, kiên quyết bác bỏ những góp ý sai trái. Trong lịch sử lập pháp của nhân dân ta, lần góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp này thu được đông đảo ý kiến góp ý nhất với 26 triệu lượt người dân cho ý kiến. Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiếp thu và giải trình cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo để thông qua vào kỳ họp thứ 6”.

Ngọc Quang (tổng hợp)