BĐS điêu đứng vì quá nhiều công ty không am hiểu lao vào kinh doanh

13/03/2013 07:19
B.An
(GDVN) - TS Phạm Sỹ Liêm  cho rằng: Hiện có quá nhiều công ty không am hiểu về bất động sản cũng lao vào kinh doanh bất động sản để đến lúc thị trường khó khăn thì các công ty mới đổ lỗi tại kinh doanh thất bát, thanh khoản khó khăn.
Gắn mác "ông lớn", dự án vẫn đình trệ Vào thời điểm vàng của bất động sản, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngoài luồng đất đai cũng xin tham gia vào kinh doanh xây dựng bất động sản. Sau một thời gian đói vốn, nhiều dự án trì trệ thi công hoặc không thể triển khai nổi dự án kéo theo hàng nghìn khách hàng đã mua nhà cũng điêu đứng. Được gắn mác của đại gia dầu khí, dự án Hà Nội Time Towers  - Hà Đông – Hà Nội do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVCR) thu tiền mua nhà của khách gần 3 năm nhưng đến nay vẫn ngổn ngang chưa xong phần đế. Nhiều khách hàng đã tìm đến công ty đòi lại tiền đặt cọc theo hợp đồng góp vốn trước đó đều chưa được giải quyết với lý do dự án đang cố gắng đẩy lại tiến độ. Anh Nguyễn Mạnh Th., khách hàng mua nhà tại đây ngao ngán cho biết, anh mu nhà vì tin vào tiềm lực tài chính của PVCR nhưng đến nay sau 3 năm chờ đợi  dự án triển khai, niềm tin hoàn toàn không còn nên anh muốn thanh lý hợp đồng. Cùng cảnh ngộ với “đồng nghiệp”, dự án căn hộ chung cư của Petroland quận 2 tại P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM do cũng bị khách hàng tố cáo thi công “rùa”. Theo ý kiến của các khách hàng, Công ty Petroland đã vi phạm hợp đồng mua bán căn hộ chung cư đã kí kết. Bởi căn cứ theo hợp đồng mua bán, đến tháng 9/2012 là đã quá 14 tháng so với tiến độ bàn giao nhà ghi trong hợp đồng tuy nhiên, Công ty Petroland vẫn chưa bàn giao căn hộ cho bên mua. Nhiều khách hàng của dự án yêu cầu chủ đầu tư thanh lý hợp đồng.
Dự án Hà Nội Times Tower vẫn chưa xong phần đế móng
Dự án Hà Nội Times Tower vẫn chưa xong phần đế móng
Không gắn mác dầu khí, chung cư 52 Lĩnh Nam của Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cũng khiến hàng trăm khách hàng điêu đứng khi dự án thi công “siêu rùa”. Mặc dù đã xây gần xong phần thô nhưng chủ đầu tư là Công ty Lilama Hà Nội đột nhiên ngừng thi công và yêu cầu khách đóng tiếp tiền theo hợp đồng để tiến hành hoàn thiện nhà. Trước những vi phạm hợp đồng của chủ đầu tư, các khách hàng đã đấu tranh đòi thanh lý hợp đồng hoặc đòi nhận nhà chưa hoàn thiện để tự hoàn thiện. Tuy nhiên đến nay chủ đầu tư cũng không tìm ra lối thoát cho dự án này. Dự án 102 Trường Chinh của Công ty Cơ điện Việt Nam làm chủ đầu tư cũng bị khách hàng cho vào tốp những dự án “trơ cùng tuế nguyệt” khi huy động góp vốn từ năm 2007 nhưng 5 năm sau vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục hợp đồng mua bán nhà cho khách hàng vì chậm tiến độ. Nhận sai sót trong chậm tiến độ, đại diện chủ đầu tư cũng phải thừa nhận rằng do chưa có kinh nghiệm trong kinh doanh bất động sản nên phải từ từ nghiên cứu và xin “trợ giúp” từ những công ty khác.Quá nhiều công ty không am hiểu BĐS lao vào kinh doanh BĐS TS Phạm Sỹ Liêm  - Phó Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng hiện có quá nhiều công ty không am hiểu về bất động sản cũng lao vào kinh doanh bất động sản để đến lúc thị trường khó khăn thì các công ty mới đổ lỗi tại kinh doanh thất bát, thanh khoản khó khăn. Theo TS Liêm, nghiệp vụ bất động sản ở Việt Nam còn mới mẻ và sơ khai. Vài năm trước, Việt Nam và Trung Quốc đều đi từ “học việc” trong bất động sản nhưng bất động sản của mình chuyên nghiệp chậm hơn họ. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản Trung Quốc sẵn sàng mời chuyên gia Hồng Kông về giảng dạy để họ trở nên chuyên nghiệp hơn, còn ở nước ta, điều này không có.
Bộ Xây dựng đã yêu cầu Lilama rút khỏi kinh doanh địa ốc.
Bộ Xây dựng đã yêu cầu Lilama rút khỏi kinh doanh địa ốc.
Quá nhiều doanh nghiệp lan man sang kinh doanh bất động sản nhưng năng lực tài chính không có khi tin tưởng vào... vốn ngân hàng, do đó tính thanh khoản thấp thì dự án bị đình trệ là điều đương nhiên. Trước nhiều dự án "rùa", Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty chấn chỉnh lại kinh doanh. Trong đó, Thủ tưởng Chính phủ yêu cầu Petro Vietnam cần có phương án sắp xếp lại các doanh nghiệp “cháu chắt” thu gọn đầu mối để thực sự tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính, gồm: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc - hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Còn Tổng Công ty Lilama cũng phải thoái vốn khỏi địa ốc và xác định ngành, nghề kinh doanh chính của tổng công ty này bao gồm Ngành tổng thầu EPC (bao gồm tư vấn, mua sắm thiết bị, xây dựng và lắp đặt các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi, bưu điện, hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, các công trình đường dây trạm biến thế điện); Ngành Cơ khí, chế tạo; Ngành Tư vấn (bao gồm tư vấn thiết kế, giám sát và quản lý dự án), xuất nhập khẩu và cho thuê máy móc, thiết bị.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
B.An