Bệnh viện có Giám đốc ôm 7 đến 9 chức danh là "tham nhũng chức vụ"

31/10/2016 09:50
Trinh Phúc
(GDVN) - "Giám đốc bệnh viện kiêm nhiệm nhiều chức tuy pháp luật không cấm nhưng nó trái với đạo lý và dễ nảy sinh ra suy nghĩ tiêu cực từ cấp dưới".

Kiêm nhiệm nhiều chức vì luật không cấm

Sau hai bài báo, “Giám đốc bệnh viện ôm 7 chức là thiếu lòng tin ở cấp dưới, người bệnh thiệt thòi” và “Có nhiều lãnh đạo bệnh viện ôm chức, đâu chỉ riêng Viện nhi Trung ương”, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều phản hồi từ phía độc giả.

Hầu hết ý kiến đều không đồng tình với việc một lãnh đạo bệnh viện kiêm nhiệm nhiều chức vụ.

Có ý kiến bạn đọc cho rằng:“Đây là biểu hiện của một loại tham nhũng mới, tham nhũng chức vụ. Đó là thứ tham nhũng quyền lực nguy hiểm hơn mọi loại tham nhũng khác nên cần tìm cách hạn chế”.

Trong hai bài báo cũng phản ánh về việc dịch vụ hóa việc khám chữa bệnh trong bệnh viện tuyến Trung ương.

Trong khi đa số lãnh đạo bệnh viện đều ủng hộ việc dịch vụ hóa công tác khám chữa bệnh và xem đây như một lối thoát cho ngành Y tế thì ngược lại, nhiều chuyên gia cho rằng, cần kiểm soát, hạn chế, dần dần tách việc khám chữa bệnh dịch vụ ra khỏi bệnh viện công.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung (ảnh Trinh Phúc).
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung (ảnh Trinh Phúc).

Để làm sâu sắc hơn vấn đề trên, phóng viên tiếp tục phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung (Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương).

Hiện, ông Nguyễn Viết Nhung kiêm nhiệm 9 chức danh. 

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, việc kiêm nhiệm nhiều chức không sai, vì pháp luật không cấm.

“Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản án tôi kiêm nhiệm 5 chức nhưng thực tế tôi kiêm nhiệm đến 9 chức.

Tôi giữ chức Giám đốc bệnh viện kiêm Bí thư Đảng ủy; bên trường Đại học Y Hà Nội  tôi chủ nhiệm khoa Lao - Phổi;

Bệnh viện Phổi Trung ương là một đơn vị thường trực của chương trình Lao Phổi Quốc gia nên tôi cũng chủ nhiệm Chương trình Lao – Phổi  Quốc gia;

Bệnh viện có Trung tâm Xạ trị Ung thư phổi công nghệ cao đây là cơ sở xã hội hóa nên tôi có trách nhiệm phụ trách chuyên môn quản lý luôn…

Ngoài ra còn tham gia đảm đương một số vị trí trong các tổ chức quốc tế về lao phổi”.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng:

“Thử thách lớn nhất, khó nhất là sắp xếp thời gian. Tôi luôn lao động trên 8 tiếng mỗi ngày. Học người Nhật lao động cật lực để giàu có, tôi kiêm nhiệm nhiều chức là có lợi cho bệnh nhân”.

Nên kiểm tra bệnh viện có lãnh đạo giữ nhiều chức

Luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh Trinh Phúc)
Luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh Trinh Phúc)

Bàn về việc lãnh đạo bệnh viện kiêm nhiệm nhiều chức vụ, luật sư Phan Xuân Xiểm (nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng:

“Hiện tại  không có quy định nào hạn chế lãnh đạo bệnh viên kiêm nhiệm nhiều chức, nhưng một lãnh đạo mà kiêm nhiệm nhiều chức vụ quá cũng không nên.

Người kiêm nhiệm nhiều chức sẽ làm không hết trách nhiệm, không ai một lúc làm được nhiều việc như vậy.

Nói ai đó kiêm nhiệm nhiều chức là tham nhũng về quyền lực thì cũng khó. Nhưng việc dư luận đặt ra khái niệm “tham nhũng chức vụ” tôi cho rất hay và mới!

Một người kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ nhưng chất lượng công việc thấp khiến dư luận hoài nghi có “tham nhũng quyền lực” cũng rất dễ hiểu.

Cơ quan chức năng nên xem vấn đề này một cách nghiêm túc để cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật.

Thực tế, từng có người ôm đồm nhiều chức dẫn tới độc đoán, cửa quyền, việc gì cũng phải qua tay điều hành dẫn tới cả bộ máy cái gì cũng chờ anh quyết, chưa nói ôm đồm có những cái không lành mạnh.

Cơ quan quản lý Nhà nước phải tìm biện pháp để hạn chế.

Nên xem xét đơn vị có lãnh đạo kiêm nhiệm nhiều chức và trách nhiệm cấp Ủy Đảng ở đó.

Xét về mặt đạo lý, người làm nhiều việc còn người không được phân công sinh ra nhiều suy nghĩ tiêu cực”.

Mở rộng dịch vụ cao cấp còn bệnh nhân nghèo ai chữa?

Hiện tại, Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu gồm khám đa khoa, khám chữa lao, xạ trị tại Trung tâm xạ trị ung thư công nghệ cao.

Bệnh viện có Giám đốc ôm 7 đến 9 chức danh là "tham nhũng chức vụ" ảnh 3

Giám đốc bệnh viện ôm 7 chức là thiếu lòng tin ở cấp dưới, người bệnh thiệt thòi

Theo Giám đốc Nguyễn Viết Nhung:

“Hướng tới Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ cung cấp dịch vụ cao cấp để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Người bệnh không cần phải đi Singapore hay nước ngoài chữa bệnh nữa vì ở đây có đủ kỹ thuật, con người và cơ sở như nước ngoài.

Một bệnh viện đầu tư theo xã hội hóa trong khuôn viên Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ hoàn thành vào năm sau.

Ở đó chúng tôi cung cấp dịch vụ có những phòng bệnh bài trí theo yêu cầu khách hàng. Bệnh viện sẽ có dịch vụ dinh dưỡng, chăm sóc, truyền thông, đáp ứng nhu cầu người bệnh. 

Mô hình đã được Bộ Y tế phê duyệt, Thành phố Hà Nội cấp giấy phép xây dựng”.

Bệnh viện Phổi Trung ương tiến tới sẽ mở rộng khám chữa bệnh theo yêu cầu (ảnh Trinh Phúc).
Bệnh viện Phổi Trung ương tiến tới sẽ mở rộng khám chữa bệnh theo yêu cầu (ảnh Trinh Phúc).

Trong khi, khu chữa bệnh theo yêu cầu đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng toàn diện thì tại khu khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế có vẻ yên lặng.

Được biết, cơ sở vật chất phục vụ người bệnh khu vực này hiện tại vẫn thiếu thốn, có cái tuổi đời đã gần 100 năm.

Bệnh viện có Giám đốc ôm 7 đến 9 chức danh là "tham nhũng chức vụ" ảnh 5

Hưởng ứng ý kiến Tổng Bí thư: Làm thế nào để nhốt quyền lực vào “lồng quy chế"?

Phải quan niệm, khu khám dịch vụ không phải là bộ phận riêng biệt thực hiện nhiệm vụ bên ngoài bệnh viện. Cái này thuộc về một cấu phần bệnh viện nên trách nhiệm giống nhau, người bệnh phải được đối xử bình đẳng” -  Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói đầy lạc quan.

Bàn về xu hướng dịch vụ hóa bệnh viện Nhà nước, luật sư Phan Xuân Xiểm cho rằng:

Chúng ta phải đặt câu hỏi đầu tư như vậy cho ai hay chỉ phục vụ một nhóm người có tiền?

Bệnh viên công phải xác định nhiệm vụ chính là phục vụ cho số đông bình dân. Việc đầu tư vốn và con người, nguồn lực để phục vụ cho số ít người có tiền là bất bình đẳng!

Ngành Y tế phải tính hài hòa lợi ích giữa các người bệnh và quyền được khám chữa bệnh.

Quan điểm của tôi không nên phát triển một cách ồ ạt dịch vụ trong bệnh viện công khi anh chưa làm tốt được nhu cầu người bệnh bảo hiểm y tế”.

Trinh Phúc