Bệnh viện GTVT TP.Hồ Chí Minh: Bác sỹ nha khoa được giao khám...mắt

05/06/2014 14:13
Duy Phong
(GDVN) - Được đào tạo chuyên khoa này nhưng các bác sĩ lại được giao khám các chuyên khoa khác, câu chuyện này đang diễn ra “hàng ngày” tại Bệnh viện Ngành giao thông.

Bác sỹ “đa di năng”

Ngày 05/9/2013, ông Đỗ Công Hân, Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) TP.Hồ Chí Minh ra Quyết định số 219/QĐ-BV giao bác sỹ Phan Văn Phương, Nguyễn Ngọc Kiếm (được đào tạo chuyên khoa Nội) đi khám “Nội, Ngoại, Kết luận”; bác sỹ Đinh Thị Hương Trà (chuyên khoa Y học cổ truyền) đi khám “Tai – Mũi – Họng” và “Răng – Hàm – Mặt” cho sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam ngày 14/9/2013.

Bác sỹ Nguyễn Kim Hồng Hạnh được đào tạo tại Liên bang Nga với chuyên ngành “Nha khoa” nhưng lại được Giám đốc giao: "Khám và kết luận đủ sức khỏe lái xe theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế".
Bác sỹ Nguyễn Kim Hồng Hạnh được đào tạo tại Liên bang Nga với chuyên ngành “Nha khoa” nhưng lại được Giám đốc giao: "Khám và kết luận đủ sức khỏe lái xe theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế".

Tại Quyết định số 325/QĐ-BV ngày 12/11/2013, Giám đốc Bệnh viện giao bác sỹ Phan Văn Phương, Nguyễn Ngọc Kiếm (bác sỹ chuyên khoa Nội) đi khám “Nội, Ngoại, Kết luận”  cho Trường cao đẳng Nghề GTVT Trung ương 3 vào ngày 16/11/2013.

Một trường hợp khác, tại Quyết định số 329/QĐ-BV ngày 21/11/2013 về việc cử đoàn khám sức khỏe năm 2013, Giám đốc Bệnh viện lại phân công bác sỹ Đinh Thị Hương Trà (được đào tạo Y học cổ truyền) nhận nhiệm vụ “khám mắt” cho sinh viên Trường Cao đẳng nghề GTVT đường thủy III vào ngày 23/11/2013.

Bác sỹ Nguyễn Kim Hồng Hạnh được đào tạo tại Liên bang Nga với chuyên ngành “Nha khoa”, tốt nghiệp ngày 26/6/2013. Tuy nhiên, sau khi về công tác tại Bệnh viện GTVT TP.Hồ Chí Minh bà Hạnh lại được phân công nhiệm vụ khám “sức khỏe lái xe”.

Cụ thể, ngày 10/12/2013, Giám đốc Bệnh viện GTVT TP.Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 359/QĐ-BV điều động tạm thời bà Nguyễn Kim Hồng Hạnh, bác sỹ, hiện đang công tác tại Phòng Kế hoạch tổng hợp đến nhận công tác tại Trường Cao đẳng GTVT TP.Hồ Chí Minh để: Khám và kết luận đủ sức khỏe lái xe theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Cũng với bác sỹ Nguyễn Kim Hồng Hạnh, ngày 24/10/2013, ông Đỗ Công Hân lại có quyết định giao khám “Ngoại” cho Công ty TNHH Quản lý và sửa chữa cầu đường 715.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga là bác sỹ chuyên khoa “Tai-Mũi-Họng”, bà Nguyễn Thị Phương Mai là bác sỹ chuyên khoa “Y học cổ truyền” nhưng lại được Giám đốc Bệnh viện Đỗ Công Hân giao “Khám Nội, Ngoại, Kết luận” cho sinh viên Trường Cao đẳng nghề Hàng Hải TP.Hồ Chí Minh vào ngày 12/12/2013.

Tại Quyết định số 375/QĐ-BV ngày 19/12/2013, Giám đốc Bệnh viện giao cho các bác sỹ: Đỗ Thị Tuyết, Phạm Văn Đồng, Đinh Thị Hương Trà (chuyên khoa Y học cổ truyền), Phan Văn Phương (chuyên khoa Nội), Bùi Đình Đô cùng khám “Nội – Ngoại – Kết luận” cho Trường Đại học Lao động xã hội TP.Hồ Chí Minh vào ngày 28/12/2013.

Như vậy, tại Bệnh viện GTVT TP.Hồ Chí Minh đang diễn ra tình trạng dù bác sỹ được đào tạo chuyên khoa gì đi nữa thì vẫn được giao nhiệm vụ khám “tất tần tật” các khoa.

“Vì các khoa nó “dính” với nhau”?

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam ngày 27/5/2014, ông Đỗ Công Hân, Giám đốc Bệnh viện GTVT TP.Hồ Chí Minh cho rằng vì đây là bệnh viện hạng 3 nên không cần chuyên sâu. Ông Hân cho biết: “Ngày xưa tôi học chuyên khoa Nội nhưng mà được học cả về Ngoại, về Sản. Tôi vừa làm Ngoại lại vừa làm Sản”.

Lý giải về việc học chuyên ngành “Nha khoa” lại được giao khám “Mắt”, ông Hân cho rằng: “Anh học về Mắt là được học cả về Răng-Hàm-Mặt, anh học về Tai-Mũi-Họng là được học cả về các khoa liên đới. Vì Mắt-Tai-Mũi-Họng nó… dính với nhau nên thường phải học tất”.

Ông Đỗ Công Hân, Giám đốc BV GTVT TP.Hồ Chí Minh lấy lý do “bí người” nên đưa bác sỹ vào khám các khoa không được đào tạo. Ông cũng cho rằng: "Khám sức khỏe lái xe rất đơn giản, tiêu chuẩn không cao, chủ yếu khám mắt, ngón chân, ngón tay chứ các hệ thống bệnh khác thì không đi sâu lắm…”.
Ông Đỗ Công Hân, Giám đốc BV GTVT TP.Hồ Chí Minh lấy lý do  “bí người” nên đưa bác sỹ vào khám các khoa không được đào tạo. Ông cũng cho rằng: "Khám sức khỏe lái xe rất đơn giản, tiêu chuẩn không cao, chủ yếu khám mắt, ngón chân, ngón tay chứ các hệ thống bệnh khác thì không đi sâu lắm…”.

Ông Hân cũng đưa ra ví dụ: “Anh học Nội thì phải học cả da liễu, truyền nhiễm. Không như Bệnh viện Bạch Mai bắt buộc phải có chuyên khoa sâu, anh nào nhiễm là nhiễm, anh nào lao là lao, tiết niệu là tiết niệu… Bệnh viện hạng 3 như chúng tôi không thể tách như vậy được mà… bác sỹ phải khám tất cả các lĩnh vực đó, quá khả năng thì chuyển lên tuyến trên”.

Lý giải về việc được đào tạo Y học cổ truyền nhưng giao cho khám Mắt và Ngoại, ông Hân cho rằng: “Học y học cổ truyền nhưng được đào tạo cả về… Nội khoa, tức là có thể khám Nội thông thường được. Chúng tôi không cần phải khám chuyên sâu, bác sỹ nào cũng làm được. Bác sỹ cổ truyền lại giao khám Mắt là do khám thông thường (đo thị lực)…”.

Sau một hồi vòng vo, ông Hân thừa nhận: “Đây là do trường hợp “bí người” nên đưa vào khám thông thường thôi. Chúng tôi đang có kế hoạch đào tạo, chúng tôi sẽ bổ sung người. Khám sức khỏe lái xe rất đơn giản, tiêu chuẩn không cao, chủ yếu khám mắt, ngón chân, ngón tay chứ các hệ thống bệnh khác thì không đi sâu lắm…”.

Hành nghề y liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người, do đó, pháp luật quy định về đào tạo, hành nghề Y rất chặt chẽ và nghiêm khắc. Việc, Giám đốc Bệnh viện GTVT TP.Hồ Chí Minh lấy lý do “bí người” để giao các bác sỹ được khám… tất tần tật như vậy có đúng với quy định của pháp luật không? Đúng với đạo đức và lương tâm hành nghề y của bác sỹ không? Các bác sỹ không được đào tạo nhưng vẫn khám và kết luận thì bệnh án có chính xác không và hậu quả sẽ như thế nào?

Qua vụ việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ nghĩ gì và làm gì khi bệnh viện thuộc ngành mình quản lý đang gây ra sự việc “tày đình” này?

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp thông tin, phân tích những “bê bối” tại Bệnh viện GTVT TP.Hồ Chí Minh đến bạn đọc trong các bài tiếp theo.

Duy Phong