Bị đồng nghiệp giật hụi gần 1 tỷ đồng, hàng chục giáo viên ở Trà Vinh lao đao

12/09/2017 06:09
Phương Linh
(GDVN) - Tính đến tháng 7/2016, tổng số tiền mà bà Thu nợ của 45 giáo viên lên đến gần 1 tỷ đồng, không có khả năng trả, nhưng chưa bị xử lý.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thư kêu cứu của một số giáo viên nghỉ hưu, đang giảng dạy tại Trường trung học phổ thông Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh về việc họ bị bà Tăng Ngọc Thu giật hụi, nhưng không có khả năng chi trả, mà không cơ quan nào xử lý.

Huy động gần 1 tỷ đồng của giáo viên

Ngày 8/9, tiếp phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngay tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, một giáo viên kể lại: Từ năm 2007, do tin tưởng bà Tăng Ngọc Thu (sinh năm 1978) lúc đó là giáo viên kiêm Phó Chủ tịch công đoàn của Trường trung học phổ thông Trà Cú, nhiều giáo viên của trường đã tham gia đường dây chơi hụi do chính bà Thu mời gọi tham gia.

Ngoài giáo viên của ngôi trường nói trên, một số giáo viên ở những trường lân cận cũng có tham gia đường dây chơi hụi do bà Thu làm đầu thảo.

Trong những năm đầu mới mở hụi, để tạo lòng tin và sự tín nhiệm cho các hụi viên, bà Thu luôn trả tiền đúng hạn. Tuy nhiên, càng về sau, do đã thiếu nợ trước đó và cũng do tiêu xài quá trớn, bà Thu đã không có tiền để trả.

Với ý đồ lừa đảo, bà Tăng Ngọc Thu đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền của các giáo viên này như: Không kể tên hụi viên đã tham gia, nhưng vẫn thu tiền hàng tháng, kê khống tên hụi viên lên.

Kết cục, tự bản thân bà Thu đã hốt hụi, và đã tuyên bố vỡ hụi vào tháng 7/2016.

Tính đến tháng 7/2016, tổng số tiền hụi mà bà Thu đang nợ của 45 hụi viên lên đến gần 1 tỷ đồng.

Văn bản 1303 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh do ông Thạch Tha Lai ký (ảnh: P.L)
Văn bản 1303 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh do ông Thạch Tha Lai ký (ảnh: P.L)

Ngày 28/12/2016, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh – ông Thạch Tha Lai đã ký văn bản 1303, về việc đánh giá, phân loại viên chức của Trường trung học phổ thông Trà Cú, năm học 2015 – 2016.

Căn cứ theo văn bản này, khi đó, ban đầu thì bà Thu cũng có thỏa thuận phương án trả nợ bằng cách bán các tài sản hiện có (xe máy, máy giặt, tủ lạnh, laptop), rồi chia đều tiền cho những người bà Thu còn thiếu tiền hụi, còn lại sẽ trả thêm 200.000 đồng/tháng, trên cơ sở tiền lương cá nhân, buôn bán thêm.

Nhưng các hụi viên không đồng ý do họ nghĩ bà Thu vẫn còn giữ lại số tiền, chuyển tiền cho người khác, hoặc dùng tiền mua đất, làm nhà. Họ đòi gia đình bà Thu trước mắt phải trả lại ngay một phần khoản tiền, ít nhất là 30% số tiền bà Thu còn nợ.

Văn bản này xác nhận, bà Thu không còn tiền để chi trả, do đã mất khả năng chi trả từ 5 năm trước. Khi đó, bà Thu đã thiếu nợ khoản tiền 200 triệu đồng.

Do sợ mất uy tín, và tin việc làm ăn của gia đình có thể bù đắp được, nên cứ nhận tiền hụi của hụi viên, với tiêu chí lấy tiền của người sau trả cho người trước.

Dần dần thì đến tháng 6/2016, bà Tăng Ngọc Thu đã không còn khả năng chi trả tiền hụi cho giáo viên.

Giấy xác nhận nợ tiền hụi do chính bà Thu đưa cho các hụi viên ký, bà Thu viết (ảnh: P.L)
Giấy xác nhận nợ tiền hụi do chính bà Thu đưa cho các hụi viên ký, bà Thu viết (ảnh: P.L)

Lúc đó, tỉnh Trà Vinh đề nghị trường xếp loại đánh giá bà Thu năm học 2015 – 2016 không hoàn thành nhiệm vụ, và các giáo viên cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam biết trường đã làm đúng.

Năm học 2016 – 2017, và cho đến nay, bà Tăng Ngọc Thu vẫn được đứng lớp, giảng dạy bình thường tại nhà trường, như chưa từng có chuyện gì xảy ra, dù chưa trả lại bất cứ đồng nào cho các hụi viên.

Vào ngày 13/7/2017, Hội đồng thi đua của Trường trung học phổ thông Trà Cú đã họp, đánh giá việc xếp loại của bà Tăng Ngọc Thu trong năm học 2016 – 2017.

Theo kết luận cuối cùng của các thành viên hội đồng thi đua trường tham dự cuộc họp này, căn cứ vào kết luận của cơ quan Công an và Viện kiểm sát nhân dân huyện (không có yếu tố phạm pháp hình sự), nên xếp loại bà Thu là hoàn thành nhiệm vụ năm học vừa qua, cho dù một số thành viên có ý kiến phản đối.

Các giáo viên cho rằng, việc đánh giá bà Thu hoàn thành nhiệm vụ như vậy là không đúng với Nghị định 56/2015/NĐ-CP về việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, bà Thu đã vi phạm vào mục b,đ,e,g c của điều 28 thuộc Nghị định này, nên không thể xếp loại bà Thu như vậy được.

Ngoài ra, việc vẫn để bà Thu đứng lớp giảng dạy như mọi giáo viên khác bình thường, gây nên những phản ứng tâm lý không tốt, có phần tiêu cực trong đội ngũ giáo viên, công nhân viên, gây mất đoàn kết sâu sắc trong hội đồng sư phạm nhà trường.

Kết quả đánh giá của bà Thu vẫn chưa gửi về Sở

Chiều ngày 8/9, ông Châu Quốc Phong – Chủ tịch công đoàn Trường trung học phổ thông Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề của bà Tăng Ngọc Thu.

Trường trung học phổ thông Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, nơi bà Thu đang là giáo viên (ảnh: P.L)
Trường trung học phổ thông Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, nơi bà Thu đang là giáo viên (ảnh: P.L)

Ông Châu Quốc Phong cho biết, năm học 2015 – 2016, trường đã xếp bà Thu không hoàn thành nhiệm vụ.

Còn năm học vừa rồi, do cơ quan chức năng của huyện trả lời vấn đề nợ hụi của bà Thu chỉ là dân sự, không có yếu tố hình sự, và bà Thu hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy ở trường, nên mới xếp bà Thu hoàn thành nhiệm vụ.

 Việc đánh giá, xếp loại giáo viên, theo ông Phong là phải dựa trên các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản hướng dẫn của Sở, chứ không thể làm khác được.

Đại diện Trường Trà Cú cũng nói rằng, việc đánh giá bà Tăng Ngọc Thu không hoàn thành nhiệm vụ của năm học, chỉ vì riêng vấn đề hụi thì cũng khó cho lãnh đạo trường xếp loại.

Về vấn đề liệu bà Thu hiện có đủ tư cách để đứng lớp giảng dạy như giáo viên bình thường hay không, ông Phong nói rất khó để trả lời câu hỏi này, vì ông không phải người đứng đầu trường.

Ngay sau khi xảy ra sự việc hụi hè, thì trường cũng đã không còn để cho bà Thu đảm nhiệm Phó Chủ tịch công đoàn nữa.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của phóng viên rằng riêng trường hợp này, bà Thu có vi phạm đạo đức nhà giáo không?

Ông Phong đã thừa nhận, ở đây cũng có thể lấn cấn ở điểm e, điều 28 của Nghị định 56 của Chính phủ, trong đó có thể hành động không trả tiền hụi của bà Thu đã gây mất đoàn kết, chia rẽ tại đơn vị.

Chính vì thế, dù đã đánh giá, xếp loại, nhưng hiện nhà trường vẫn chưa gửi hồ sơ thi đua năm học vừa rồi của bà Thu về Sở, mà vẫn giữ lại trường để tiếp tục xem xét.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam qua điện thoại ngày 11/9, ông Tăng Hoàng Triều - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trà Cú cho biết, kết quả xếp loại của bà Tăng Ngọc Thu năm học 2016 - 2017 là hoàn thành nhiệm vụ.

Bà Tăng Ngọc Thu hiện vẫn đi dạy bình thường ở trong trường.

Giải thích cho việc xếp loại này, ông Triều nói thêm: Do sự việc xảy ra vào năm học cũ (2015 - 2016), và năm học đó bà Thu đã bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Còn năm học vừa rồi, do cơ quan Công an kết luận, vụ việc giật hụi này không có yếu tố hình sự, mà chỉ dân sự, nên nhà trường không có căn cứ để hạ xếp loại của bà Thu. 

Kết quả xét thi đua của bà Thu đã được gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, còn ông Châu Quốc Phong nói chưa gửi chắc là quên.

Nhà trường cũng đã hướng dẫn nhóm các giáo viên bị bà Thu giật hụi kiện ra Tòa án dân sự, nhưng giáo viên vẫn chưa chịu làm, nên không đủ căn cứ để hạ thi đua.

Theo ông Tăng Hoàng Triều nói, ông rất muốn xử lý quyết liệt vụ việc của bà Thu, thậm chí là đuổi việc, cho nghỉ dạy, nhưng tất cả phải có căn cứ (của Tòa án), đúng pháp luật, làm không khéo thì có khi nhà trường bị kiện ngược lại.

Cùng ngày, bà Tăng Ngọc Thu – giáo viên Trường Trà Cú đã xác nhận với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đúng là hiện bà đang nợ 1 số tiền hụi của giáo viên, như họ đã phản ánh.

Thế nhưng, khi phóng viên hỏi bà Thu hiện đang còn nợ bao nhiêu thì bà Thu nói không nhớ, phải coi lại sổ sách.

Do tháng 9 này giáo viên mới đi dạy lại, nên bà Thu dự định sẽ dùng tiền lương chia ra để trả, sau khi đã trả phần tiền lãi ngân hàng, nhưng các giáo viên này không chịu.

Phương Linh