Bí thư Nam Kinh nhảy lầu "hy sinh cứu chúa", 1 hổ lớn sắp hiện nguyên hình

27/01/2015 14:22
Hồng Thủy
(GDVN) - Tham nhũng bị bại lộ thì tự sát cũng là một lựa chọn "hợp tình hợp lý" của quan chức. Từ góc độ kinh tế, tự sát thì giữ được tài sản bởi người chết rồi...
Dương Vệ Trạch
Dương Vệ Trạch

Đa Chiều ngày 26/1 bình luận, truyền thông Trung Quốc tiết lộ rằng Dương Vệ Trạch khi còn là Bí thư Nam Kinh bị bắt đã toan nhảy lầu tự vẫn nhưng không thành. Một khi Bí thư Nam Kinh nhảy lầu thành công, ngoài chấn động dư luận còn trực tiếp cắt đứt dấu vết liên quan của "con hổ" tham nhũng lớn hơn đứng đằng sau ông Trạch.

Dương Vệ Trạch quyết định nhảy lầu khi vừa nhìn thấy các nhân viên của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật chắc chắn là mục đích muốn tìm cái chết. Nếu không chết thì cũng trọng thương, sống thực vật, và mọi manh mối liên quan đến đường dây tham nhũng bị cắt đứt, tự nhiên có thể bảo vệ được tài sản, danh dự cá nhân, đây có thể là động cơ khiến ông Trạch lao ra cửa sổ toan nhảy lầu.

Giới phân tích cho rằng khi tham nhũng bị bại lộ thì tự sát cũng là một lựa chọn "hợp tình hợp lý" của quan chức. Từ góc độ kinh tế, tự sát thì giữ được tài sản bởi người chết rồi Ủy ban Kiểm tra kỷ luật sẽ không điều tra tiếp. Việc này cũng giúp che giấu hành tung cho các con hổ lớn đứng đằng sau.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, năm 1998 Dương Vệ Trạch khi đó 35 tuổi đã trở thành Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Giang Tô đầy "màu mỡ", 2 năm sau được thăng chức Thị trưởng Tô Châu. Năm 2006 Dương Vệ Trạch trở thành Thường vụ tỉnh ủy Giang Tô, theo Đa Chiều trong quan trường Trung Quốc chỉ dựa vào tấm bằng đại học Dương Vệ Trạch khó có thể leo lên vị trí này thuận lợi như vậy.

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã thì cho biết, có thể bịt được đầu mối các vụ án tham nhũng lớn từ Dương Vệ Trạch đủ thấy người đứng sau phải là quyền cao chức trọng, vương tướng một vùng. Tân Hoa Xã suy luận, kẻ có thể giật dây khiến Dương Vệ Trạch toan nhảy lầu tự vẫn khi bị bắt hẳn phải có quan hệ mật thiết, tình như cha con hoặc được Dương Vệ Trạch kính trọng lắm mới khiến Trạch dám đánh đổi tính mạng, "hy sinh cứu chúa".

Theo Đa Chiều, Tân Hoa Xã cho rằng vụ bắt Dương Vệ Trạch có ý nghĩa trọng đại đối với cuộc chiến chống tham nhũng ở Giang Tô, không chỉ một loạt tay chân thân tín của ông Trạch lần lượt bị bắt mà ngay cả con hổ lớn đứng sau Trạch rồi đây sớm muộn cũng phải "hiện nguyên hình". Tuy nhiên Tân Hoa Xã không đưa ra suy luận nào thêm về con hổ này.

Tư liệu công khai cho biết, thập niên 1990 Dương Vệ Trạch còn là một Trưởng phòng trong Sở Giao thông Giang Tô, lần lượt thăng chức Phó Giám đốc sở, Giám đốc sở là trong thời kỳ ông Trần Hoán Hữu làm Bí thư Giang Tô. Ông Hữu năm nay 81 tuổi, năm 1983 làm Phó Tỉnh trưởng Giang Tô, 1989 lên Tỉnh trưởng và 1993 thì làm Bí thư tỉnh cho đến khi Hồi Lương Ngọc lên thay năm 2000. Rời chức Bí thư tỉnh, ông Hữu còn làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đến năm 2003 mới nghỉ hưu.

Giới phân tích cho rằng, quan lộ thăng tiến như diều gặp gió của Dương Vệ Trạch có lẽ còn liên quan đến dự án xây cầu Nhuận Dương nối Trấn Giang - quê Giang Trạch Dân với Dương Châu. Dương Vệ Trạch khi đó là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển cầu Nhuận Trạch.

Giang Trạch Dân rất quan tâm đến cây cầu này và đã trực tiếp về dự lễ khởi công. Các quan chức cấp cao khác như Phó Thủ tướng Lý Cương Thanh, Bí thư Giang Tô Hồi Lương Ngọc liên tục thị sát công trường này. "Thành tích" của Dương Vệ Trạch với cây cầu cũng có thể là lý do khiến quan lộ của ông trở nên hanh thông thuận lợi hơn.
 

Hồng Thủy