Biết "bún mắng, cháo chửi" nhưng sao thực khách ở Hà Nội vẫn cứ ăn?

16/07/2012 06:52
Độc giả Phạm Văn Vinh
(GDVN) - "Phải chăng chính tâm lý cam chịu, bỏ qua dễ dàng và sự quá phổ biến từ nhà hàng sang trọng đến các quán ăn vỉa hè, chợ búa đã khiến cho "bún mắng, cháo chửi" ở Hà Nội vẫn đông?...", độc giả Phạm Văn Vinh bày tỏ.
Xung quanh câu chuyện về thái độ phục vụ thiếu tôn trọng của nhân viên, chủ nhiều nhà hàng, cửa hàng tại Hà Nội đối với khách hàng được lưu thành những danh xấu "bún mắng, cháo chửi, đốt vía...", tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.

Dưới đây là ý kiến của độc giả Phạm Văn Vinh lý giải nguyên nhân các quán ăn dù phục vụ theo kiểu "bún mắng, cháo chửi" nhưng vẫn đông khách... Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được đăng tải nguyên văn bài viết này. Mời độc giả cùng theo dõi:
Tôi đã theo dõi rất kỹ những ý kiến xung quanh câu chuyện về nét văn hóa phục vụ kiểu "bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm..." của không ít chủ hàng ở Hà Nội dành cho chính những "thượng đế" của mình.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)


Cá nhân tôi đồng rất đồng tình với ý kiến cho rằng, đây là thực trạng rất cần phải lên án, phê phán và hơn thế là phải tẩy chay những hàng quán như thế.
Tuy nhiên, bên cạnh ý thức, thái độ vô văn hóa của người bán thì cũng có một vấn đề đã được nhiều người đặt ra là dù biết sẽ ăn "bún mắng, cháo chửi..." nhưng người đến ăn vẫn đông, không ít người còn chấp nhận xếp hàng, đứng bưng bát... để được ăn. Điều đó quả thực là hết sức phi lý. Ai đi ăn, bỏ tiền ra cũng đều muốn được tôn trọng, đằng này, vừa mất tiền, vừa không được tôn trọng, vậy mà không ít người vẫn cứ đến ăn, quán vẫn cứ đông.  Một câu hỏi được đặt ra ở đây mà tôi nghĩ nhiều người chắc chắn quan tâm: Tại sao lại như vậy? Tôi không phải là một chuyên gia văn hóa, càng không phải là một chuyên gia xã hội để đi nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp mà chỉ từ những gì tôi đã được chứng kiến, được thấy, xin mạn phép đưa ra một số nguyên nhân để bàn về vấn đề này. Trước hết, một lý giải mà tôi thấy khá hợp lý để giải thích về nguyên nhân các quán "bún mắng, cháo chửi" vẫn đông, đó là có thể do chất lượng của các loại bún, phở, cháo... ở đây rất ngon, đầy đặn trong khi giá thành lại bình dân... Như "phở xếp hàng" ở Bát Đàn được không ít thực khách sành ăn ở Hà Nội đánh giá là nước phở rất ngon, mang hương vị riêng, còn "bún mắng" ở Ngô Sĩ Liên cũng được nhận xét là  ngon và đầy đặn... Có thể thói quen ăn theo kiểu nơi nào ngon, rẻ thì kéo nhau đến nên dù rằng, người bán có thái độ, cung cách phục vụ thiếu tôn trọng nhưng khách vẫn đến ăn đông? Một điều mà tôi nghĩ cũng nên thẳng thắn nhìn vào, đó là, "Bún mắng, cháo chửi" dường như cũng là một cái gì đó khá lạ lẫm đối với nhiều người Hà Nội. Thế cho nên, có những ý kiến còn cho rằng "vì nghe thấy thế nên đến ăn để thử được một lần nghe chửi", đến ăn để thử, tìm hiểu một cảm giác mới lạ chăng? Nếu đúng như vậy thì đây là một điều thích thú điên rồ nhất mà tôi từng thấy. Một bộ phận gười Hà Nội vẫn đến với "bún mắng, cháo chửi" cũng cho thấy phải chăng cái sự kỹ càng, cẩn thận trong ăn uống của người Tràng An đã bị thay thế dần đi bằng tâm lý đành cam chịu, bằng sự bỏ qua hết sức dễ dàng.  Trong một xã hội mà thời gian của nhiều người chủ yếu đều dành cho công việc, cho những bon chen thì cái ăn của họ có lẽ chỉ còn là để thưởng thức cho cái vị ngon ở đầu lưỡi còn những thứ mắt thấy, tai nghe thấy cũng chỉ là ngoài tai mà thôi.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Thêm vào đó, khi mà "cái tôi" cá nhân, "cái tôi" ích kỷ bị đẩy lên quá cao theo lối sống mới thì cảnh "thân ai người đấy tự lo", "người ta mắng, chửi là mắng chửi thằng bên cạnh chứ có mắng, chửi mình đâu, mình cứ ăn của mình ngon cái đã". Quán ăn đông đúc, nhiều người còn chấp nhận đứng xếp hàng, đứng bê bát để ăn cho dù bị chủ quán mắng chửi, phải chăng là người Hà Nội đã quá quen thuộc với cái kiểu, cung cách, thái độ phục vụ như vậy?  Những hiện tượng như thế dường như đã quá phổ biến, ở đâu cũng gặp phải, từ các nhà hàng hạng sang như nhà hàng Sen Việt mà báo chí đã phản ánh đến các quán ăn ven đường, trên vỉa hè, rồi vào các chợ... Văn hóa phục vụ, văn hóa ứng xử của người Hà Nội đang biến tướng?. Đi ăn thì gặp "bún mắng, cháo chửi...", đi chợ mua hàng thì gặp "chửi, đốt vía...". Thế cho nên không ít người đã chọn theo cái kiểu "ăn ở đâu cũng vậy, thà ăn ngon, rẻ bị chửi còn hơn ăn không ngon, đắt rồi mà vẫn bị chửi"? Không những phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ, quyết liệt, kiên trì mà hơn thế cần phải tẩy chay những quán "bún mắng, cháo chửi" này. Thêm vào đó, đã không làm gì được thì cũng không nên có những niềm thích thú quái dị với cái cảnh này. "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An", tôi mong rằng, những người đang sống ở Hà Nội tự ngẫm cho bản thân chính mình trước khi vào những quán "bún mắng, cháo chửi" như thế... * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Phạm Văn Vinh