Bỏ biên chế suốt đời là tốt cho giáo dục, cho thầy cô, còn chần chừ gì nữa!

30/05/2019 06:49
Trinh Phúc
(GDVN) - Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng: “Đã quá muộn, phải bắt đầu từ bây giờ, cho dù phải 5 năm, 10 năm nữa mới thành công!”.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức  đang lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong đó có nội dụng đề xuất bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức.

Có nhiều ý kiến băn khoăn, nếu như vậy thì đội ngũ giáo viên, bác sĩ làm việc trong các nhà trường, bệnh viên rất khó an tâm làm việc và tạo điều kiện cho giám đốc, hiệu trưởng sa thải bác sĩ, giáo viên nếu họ làm mất lòng lãnh đạo.

Nhiều ý kiến lo ngại tiêu cực sẽ nảy sinh trong quá trình sử dụng lao động viên chức ở các cơ quan nhà nước.

Thầy Nguyễn Xuân Khang (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).
Thầy Nguyễn Xuân Khang (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Marie Curie (Hà Nội)  là cho rằng đây là một bước tiến.

Theo thầy Khang, để tìm câu trả lời hãy nhìn sang nền kinh tế tư nhân. Vì sao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện... tư nhân, người sử dụng lao động và người lao động chỉ có giao kết duy nhất là “Hợp đồng” - Nghĩa là không có biên chế suốt đời!

Hợp đồng có thời hạn có rất nhiều ưu điểm: tạo động lực cho người lao động không ngừng phấn đấu trau dồi phẩm chất và năng lực để khẳng định vị trí của mình trong đơn vị công tác, để có thu nhập tốt hơn.

Không có chỗ cho người năng lực kém, không làm được việc, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Người tài năng được trọng dụng, điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập xứng đáng hơn.

Thi thố kiểu này không tuyển được giáo viên giỏi còn làm khổ học sinh

Cũng theo thầy Nguyễn Xuân Khang, việc không có hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động loại bỏ người năng lực yếu kém, không làm được việc, lười nhác...

Nhưng để giữ được người tài giỏi, làm việc có chất lượng tốt, thì người sử dụng lao động phải luôn luôn quan tâm đến điều kiện làm việc của người lao động, chăm sóc đời sống, cải thiện lương và các khoản phúc lợi khác.

Do đó, quy định mới này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức thúc đẩy người sử dụng lao động và người lao động phải có những suy nghĩ và việc làm tích cực trên cương vị của mình.

Đơn vị sẽ phát triển bền vững, ngày càng lớn mạnh.

Hiện khó xảy ra việc doanh nghiệp tư, bệnh viện tư, trường tư... chọn phương thức “biên chế suốt đời” đối với người lao động!

Đó là câu trả lời cho câu hỏi: “Có nên bỏ biên biên chế suốt đời đối với viên chức nhà nước không?”.

Thầy Khang cho biết, hiện viên chức được biên chế là ung dung tự tại cho đến khi về hưu!

Điều này đã dẫn đến tình trạng phổ biến ở cơ quan nhà nước: “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”; “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”; “lãn công”, “chân ngoài dài hơn chân trong”; “tham nhũng, lãng phí”; “cha chung không ai khóc”...

Do đó, thầy Khang nhấn mạnh: “Bỏ biên chế suốt đời, về cơ bản những tệ nạn này sẽ triệt tiêu.

Hậu quả của nhiều thập kỷ để lại, không dễ một sớm một chiều có thể làm được ngay. Cần có một lộ trình hợp lý để giữ ổn định xã hội”.

Cuối cùng thầy Khang cho rằng: “Đã quá muộn, phải bắt đầu từ bây giờ, cho dù phải 5 năm, 10 năm nữa mới thành công!”.

Bỏ chế độ viên chức suốt đời, nỗi lo của nhiều thầy cô giáo

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Đặng Thuần Phong – đoàn Bến Tre bày tỏ băn khoăn về đề xuất bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức.

Đại biểu phân tích: “Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức so với Bộ Luật Lao động là luật gốc đang thấy có vấn đề.

Theo phương án này, tôi nhận thấy nó không thống nhất với Bộ Luật Lao động hiện hành. Bộ Luật Lao động quy định là không được ký hợp đồng xác định thời hạn quá hai lần.

Quy định như dự thảo Luật dễ tạo tâm lý không yên tâm cho đội ngũ viên chức mới tuyển dụng”.

Theo đại biểu, ở đây đang có sự mâu thuẫn. Dự thảo Luật có nhấn mạnh đến việc thu hút người tài nhưng quy định này chúng ta lại siết dẫn đến tâm lý bất an.

Đặc biệt là với đội ngũ giáo viên và thầy thuốc chiếm số đông hiện nay chủ yếu là viên chức.

“Họ chọn làm giáo viên. Họ ký hợp đồng lần đầu có thời hạn. Giáo viên làm tốt ký hợp đồng lần hai có thời hạn.

Sau đó, nếu theo Bộ Luật lao động thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Họ sẽ an tâm cống hiến cho nghề giáo suốt đời.

Đặc biệt đối với miền núi, vùng sâu vùng xa sẽ khuyến khích họ bám nghề. Nếu chúng ta bỏ quy định này, vài năm lại xét lại thì rất có thể đẻ ra hệ lụy, thậm chí tiêu cực khác.

Chỉ cần Hiệu trưởng, Giám đốc bệnh viện không thích giáo viên này, bác sĩ kia mà có thể loại ra. Nó có thể làm nảy sinh nhiều hệ lụy. Vì thế, chúng ta cần cần cân nhắc kỹ”, đại biểu Phong nói.

Trinh Phúc