Bộ Giáo dục phải báo cáo Quốc hội về việc không biên soạn sách giáo khoa

01/01/2020 08:16
Thùy Linh
(GDVN) - Nghị quyết 88 yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa nhưng đến nay Bộ lại chưa làm nổi.

Tại Điểm g, Khoản 3, Điều 2 của Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân khác biên soạn”.

Như vậy có nghĩa là theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa từ lớp 1-12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới để làm cơ sở cho các trường lựa chọn nhưng đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo lại chưa làm nổi.

Trước vấn đề này, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: 

“Ngày 9/11 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc triển khai Nghị quyết 88 trong đó có nội dung rằng Bộ không làm được sách vì hầu hết các tác giả có khả năng viết sách giáo khoa đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản trong đó có Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và cho ra đời 5 bộ sách giáo khoa. 

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng xã hội hóa việc làm sách giáo khoa rất tốt, do đó Bộ không biên soạn bộ sách giáo khoa riêng nào nữa”. 

Đại biểu Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Vũ Ninh)
Đại biểu Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Vũ Ninh)

Tuy nhiên, bà Minh cho biết: “Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định việc biên soạn sách giáo khoa là trách nhiệm của Bộ và đã được quy định rõ trong Nghị quyết 88 chứ không phải việc làm hay không làm. 

Nếu Bộ không làm thì Bộ phải báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bởi đây là Nghị quyết của Quốc hội”.

Cuối cùng, bà Minh thông tin thêm: “Vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có văn bản yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ về việc này để Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội”. 

Làm không nổi một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục đang buông bỏ trách nhiệm!

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu Bộ không thực hiện thì đương nhiên trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Hiện tại, các cơ sở giáo dục đang tiến hành lựa chọn sách giáo khoa cho năm học tới. Đây là năm học bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chọn sách giáo khoa nào và sự tương thích, tính hệ thống logic với các năm tiếp theo ra sao phải được tính toán khi chọn.

“Không thể năm nay học sách giáo khoa của nhà xuất bản này, sang năm lên lớp khác lại học sách giáo cùng môn học của nhà xuất bản khác. Nếu đổi liên tục, các cháu chắc sẽ không ít vất vả”, đại biểu Tiến Sinh bày tỏ băn khoăn.

Thực tế, ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chính thức công bố danh mục 32 sách giáo khoa được sử dụng trong năm học tới, để các trường phổ thông lựa chọn bộ sách phù hợp cho học sinh địa phương.

Vậy mà, dư luận không khỏi bất ngờ là từ năm 2015, các lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và thuộc cấp đã nhận thù lao “làm sách” từ một nhà xuất bản.

“Nó thực sự khiến dư luận lo ngại về tính minh bạch khi lựa chọn sách giáo khoa”, đại biểu Sinh nói.


 

Thùy Linh