Bộ trưởng Vũ Đức Đam: "Không vì buôn lậu mà tăng giá xăng dầu"

30/03/2013 06:40
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Không vì buôn lậu mà tăng giá xăng dầu…Chính phủ khẳng định: điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, lợi ích đất nước chứ không vì lợi ích cục bộ của các doanh ngiệp kinh doanh xăng dầu”.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Bộ trưởng Vũ Đức Đam - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Cần công khai minh bạch Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Cuối giờ chiều ngày 29/3, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3/2013, Bộ trưởng Vũ Đức Đam - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thông báo một số kết quả phát triển tình hình kinh tế trong tháng 3/2013 cũng như trả lời nhiều câu hỏi liên quan việc điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 28/3 vừa qua.

Trước câu hỏi về việc liệu có chuyện do không quản lý chặt chẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng qua biên giới nên liên bộ đã đẩy giá xăng lên đầu người dân, ông Vũ Đức Đam khẳng định: “Hiện các bộ đang tiến hành kiểm soát giá xăng dầu theo Nghị định 84 quy định cụ thể về giá xăng dầu. Hôm qua (28/3), các bộ đã thống nhất điều chỉnh theo tinh thần nghị định này.

Tôi cũng có thấy lý do giá xăng dầu các nước lân cận thấp hơn nữa nhưng đó là dẫn chiếu, đây ko phải là lý do chính để tăng giá xăng dầu. Đương nhiên khi giá thấp hơn các nước lân cận thì buôn lậu sẽ tăng. Khi đó các cơ quan phải chống buôn lậu nhưng đây không phải là lý do chính.

Lý do chính là giá chúng ta đang bán thấp hơn giá cơ sở. Nếu tiếp tục như vậy, quỹ bình ổn giá sẽ hết không còn bình ổn được và phải lấy ngân sách bù lại.

Cuối tháng 2, báo chí đã đưa thông tin là không thể ko tăng giá xăng dầu. Chính phủ đã phải triệu tập họp mặc dù hai bộ thấy cần thiết, đầy đủ để tăng giá xăng dầu nhưng Thủ tướng đã quyết định chưa tăng giá xăng dầu và bây giờ đến lúc tình hình quỹ bình ổn dùng hết khả năng của mình rồi, giá thế giới có đi xuống nhưng vẫn bán thấp hơn thì buộc lại phải điều chỉnh”.
"Chính phủ khẳng định: Điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định, bảo đảm an ninh năng lượng và vì lợi ích chung của nền kinh tế xã hội, của đất nước chứ không vì lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu".
Bộ trưởng Vũ Đức Đam
Theo Bộ trưởng Đam, điều cần là cần công khai minh bạch, Quỹ bình ổn có bao nhiêu, doanh nghiệp sử dụng bao nhiêu, giá nhập, giá bán bao nhiêu… Tất cả thông tin đó đã được công khai và đề nghị các bộ kiểm soát chặt chẽ việc công khai này để người dân được biết.

Một lần nữa, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: “Không vì buôn lậu mà tăng giá xăng dầu… Chính phủ khẳng định: điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, lợi ích đất nước chứ không vì lợi ích cục bộ của các doanh ngiệp kinh doanh xăng dầu”.

Về mức độ tăng giá xăng dầu như vừa qua, tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: “Quan điểm điều hành của liên bộ Tài chính và Công thương là cân nhắc hài hòa lợi ích của 3 bên (người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước). 

Bà Mai cho hay, qua tính toán theo công thức tính giá cơ sở tại Thông tư 34, lần điều chỉnh này phải dừng sử dụng Quỹ Bình ổn vì quỹ đã cạn và tính đầy đủ chi phí. Trong khi trên thực tế, thời điểm trước 20h ngày 28/3, giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành. Do vậy, liên bộ đã quyết định điều chỉnh giá đúng bằng chênh lệch giá cơ sở cao hơn hiện hành. Đồng thời, liên bộ cũng đã tính đến thuế suất nhập khẩu so với khung quy định đang thấp hơn. Với quy định như hiện nay thì Nhà nước có thể áp thuế đến 20% vì vậy hai bộ quyết định giữ nguyên mức thuế và điều chỉnh giá.

Ảnh: minh họa, nguồn internet
Ảnh: minh họa, nguồn internet


Về việc công khai Quỹ bình ổn để người dân nắm rõ, Thứ trưởng Vũ Thị Mai thừa nhận: “Quỹ Bình ổn giá chưa được công khai, minh bạch. Quan điểm của liên bộ cũng như Chính phủ là phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Thời gian tới chúng tôi sẽ công khai, minh bạch để nhân dân giám sát và điều hành xăng dầu tốt hơn”.

“CSGT đã xử lý không đúng khi truy nguồn gốc phương tiện”

Xung quanh việc Bộ Công an ban hành Thông tư 11 và 12 khẳng định sẽ phạt xe không sang tên đổi chủ từ 15/4 tới đây là trái với quyết định của Thủ tướng là đến hết năm 2014 mới xử phạt, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói: “Tại Điều lệ An toàn giao thông đường bộ ban hành từ năm 1995 đã quy định người điều khiển phương tiện giao thông phải đăng ký sở hữu tài sản. 10 năm sau, Nghị định 71/CP ra đời, bản thân nghị định quy định đúng nhưng CSGT đã xử lý không đúng khi truy nguồn gốc phương tiện.

Trong khi quy định về phương tiện giao thông cơ giới được quy định bởi Bộ Luật dân sự nhưng việc sửa sai cần theo từng giai đoạn. Và thực tế, cuối năm 2012, ngành Công an đã có hướng dẫn chưa chuẩn, động đến sinh hoạt của người dân… Vì thế Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng phải có kế hoạch rất cụ thể vừa tạo điều kiện cho người dân khắc phục lỗi này”. 

Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói tiếp: “Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 10 triệu phương tiện giao thông đang vi phạm quy định – xe không chính chủ. Hiện lực lượng Công an không phạt người điều khiển mà chỉ kiểm tra chủ phương tiện. Không phải cứ đụng vào phương tiện vi phạm nào là phạt ngay mà cái chính là tạo điều kiện cho dân đăng ký lại. Nếu thủ tục này thuận lợi mà chi phí không đáng kể thì người dân chấp nhận. Quan trọng là làm sao không tái phạm mới”.

Bộ trưởng Đam cũng cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ Công an và các bộ ngành liên quan có giải pháp cụ thể để giải quyết việc tồn trên 10 triệu xe không chính chủ. Hiện bộ Công an và bộ GTVT đang tiến hành soạn thảo nghị định mới và đang lấy ý kiến nhân dân. Chính phủ sẽ bàn bạc với tinh thần quản lý tốt hơn và thuận lợi cho người dân.
Hồng Chính Quang