Bộ Xây dựng đang soát xét quy chuẩn kỹ thuật liên quan chiều cao trường học

01/03/2020 08:25
Tùng Dương
(GDVN) - Ở Anh, Singapore, Malaysia quy định là 6 tầng. Ấn Độ thì trường mẫu giáo và lớp 1 ở tầng 1, lớp 2 ở tầng 2 còn đối với các lớp khác thì không giới hạn số tầng.

Trước thực trạng về quá tải trường học tại các khu đô thị lớn, vấn đề đặt ra ở đây là trường học trong đô thị - những quy định trói buộc về xây dựng cơ sở vật chất, trong khi hiện nay việc xây dựng các khu đô thị mới thì thiếu quy hoạch tổng thể và không đồng bộ so với nhu cầu học tập của người dân, đặc biệt là trẻ em.

Trong khi quỹ đất xây trường học tại các đô thị ngày càng thu hẹp lại, yêu cầu giới hạn tối đa 4 tầng đối với trường học như hiện nay tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06 : 2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010 liệu có còn phù hợp?

Điểm Trường tiểu học Võ Thị Sáu phải học nhờ trên đất chùa Hàm Long tại ngõ 18 phố Hàm Long, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Điểm Trường tiểu học Võ Thị Sáu phải học nhờ trên đất chùa Hàm Long tại ngõ 18 phố Hàm Long, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Cổng vào Điểm Trường tiểu học Võ Thị Sáu chỉ rộng có 1m ngang và nằm sau trong ngõ 18 phố Hàm Long, Hà Nội. Ngõ hẹp này sẽ khó khăn cho việc tiếp cận nếu có tình huống khẩn cấp xảy ra. Ảnh: Tùng Dương.
Cổng vào Điểm Trường tiểu học Võ Thị Sáu chỉ rộng có 1m ngang và nằm sau trong ngõ 18 phố Hàm Long, Hà Nội. Ngõ hẹp này sẽ khó khăn cho việc tiếp cận nếu có tình huống khẩn cấp xảy ra. Ảnh: Tùng Dương.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đã trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam:

“Theo tôi có 3 vấn đề, thực trạng về quy định số tầng trong các trường học hiện nay ở Việt Nam, thì trong quy chuẩn 06 đã quy định rất rõ ở phần phụ lục H: Trường học phổ thông nội trú là 4 tầng nhưng với điều kiện chịu lửa ở bậc 1 và bậc 2.

Ở bậc 1 và 2 nếu xảy ra cháy thì công trình sẽ chịu được trong thời gian 150 phút mà không bị sập, việc này thuận tiện cho việc cứu hộ. Còn nếu ở bậc 3 và 4 thì mức độ chịu sẽ ngắn hơn, sẽ khó khăn trong việc giải cứu người.

Trong quy chuẩn này thì các quy định đều rất là chặt, nhà và công trình công cộng chỉ được cao đến 50m. Nhà ở chung cư thì được xây 25 tầng và cao 75m, đồng thời không xây quá 1 tầng hầm. Nhưng vẫn có một điều khoản mở, để làm sao giải quyết được thực tế trong một số trường hợp vượt qua những quy định đó.

Trong một số trường hợp riêng biệt thì Bộ Xây dựng chỉ cho phép giảm bớt một số yêu cầu của quy chuẩn này đối với công trình cụ thể, khi chủ công trình có luận chứng gửi Bộ Xây dựng nêu rõ giải pháp thay thế, và luận chứng phải được sự thẩm duyệt của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.

Quy chuẩn này do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), biên soạn.

Tất cả nhưng quy chuẩn này chủ yếu dựa theo quy chuẩn của Nga, mà Nước Nga đất rộng, người thưa nên họ quy định cũng khá chặt chẽ. Tuy nhiên đã có những cái thay đổi cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, chính vì vậy nó cũng có những hạn chế. Đặc thù chung của giáo dục đào tạo thì các nước họ rất ưu tiên đất rộng cho trường học, vì đào tạo con người là căn bản cốt lõi của phát triển đất nước.

Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng tiến hành nghiên cứu tham khảo của Mỹ, phương Tây…nâng độ cao của nhà lên 150 m, 3 tầng hầm. Đặc biệt nếu từ 3 tầng hầm trở lên thì trường hợp đó sẽ không thuận lợi cho việc cứu nạn cứu hộ.

Còn việc bàn về trường học thì tại sao lại 4 tầng đạt tiêu chuẩn bậc 1 bậc 2, phải có 2 cầu thang bộ thoát hiểm.

Từ thời Pháp thì trường học của ta chỉ có 1 đến 2 tầng, năm 1975 đến năm 1986 thì Hà Nội chủ yếu là nhà 5 tầng, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Ngoại Ngữ… cao 5 tầng và việc này khiến cho học sinh, sinh viên ngại lên xuống. Còn các trường phổ thông cũng chỉ cao 2 tầng.

Về kinh nghiệm quốc tế mà chúng tôi đã tham khảo thì ở Nga là 4 tầng, còn ở Mỹ thì họ cho phép từ 5 đến 6 tầng với trường phổ thông, nhưng yêu cầu bắt buộc phải có trang thiết bị báo cháy tự động, và chữa cháy tự động.

Ở Mỹ họ có quy định rất rõ là lớp 1 thì ở tầng 1, lớp 2 thì từ tầng 1 đến tầng 2 và hàng tháng phải có huấn luyện về an toàn cháy cho mọi người.

Ở Singapore thì họ quy định nếu có trang thiết bị báo cháy tự động, và chữa cháy tự động, có máy phát điện dự phòng thì cho phép xây cao vượt 24 m tương đương 6 tầng.

Ở Hồng Kông thì lại không hạn chế xây trường học cao tầng, có lẽ vì đặc thù quỹ đất không có mà dân cư lại đông, nhưng họ quy định tối thiểu phải có 2 cầu thang bộ để thoát nạn.

Malaysia cũng không hạn chế số tầng trường học. Trung Quốc thì quy định tối đa là 5 tầng đối với trường phổ thông, và đòi hỏi phải có hệ thống chữa cháy vách tường, có thể hiểu đó là hệ thống chữa cháy được gắn trong tường và khi có cháy thì lấy ra sử dụng.

Ở Anh cũng quy định là 6 tầng. Ấn Độ thì trường mẫu giáo và lớp 1 ở tầng 1, lớp 2 tầng 2 còn đối với các lớp khác thì không giới hạn số tầng.

Như vậy tôi thấy việc đảm bảo an toàn cháy là rất quan trọng, đặt biệt là ở các khu đô thị nơi có những tòa cao tầng, siêu cao trong khi các thang chữa cháy hiện đại nhất hiện nay cũng không thể với tới, hoặc xe chữa cháy không vào được vì đường giao thông nhỏ hẹp”.

Ông Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng: "Đặc thù chung của giáo dục đào tạo thì các nước họ rất ưu tiên đất rộng cho trường học, vì đào tạo con người là căn bản cốt lõi của phát triển đất nước". Ảnh: Tùng Dương.
Ông Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng: "Đặc thù chung của giáo dục đào tạo thì các nước họ rất ưu tiên đất rộng cho trường học, vì đào tạo con người là căn bản cốt lõi của phát triển đất nước". Ảnh: Tùng Dương.

Cần có hướng tháo gỡ cho các đô thị lớn

Cũng theo ông Minh: “Trên góc độ ý kiến cá nhân thì tôi có đề xuất: Xét về khía cạnh an toàn cháy thì đối với những khu vực đô thị hiện hữu như ở Hà Nội với mật độ dân cư cao ở nội đô, không có điều kiện quy hoạch lại, không bố trí được quỹ đất để mở rộng các trường học thì có thể xem xét bố trí cho học sinh từ lớp 4 trở lên sẽ học ở tầng 5. Tầng cao hơn sẽ bố trí phòng giáo vụ, còn các lớp học sẽ từ tầng 5 trở xuống.

Nhưng phải kèm theo quy định trang bị hệ thống báo cháy tự động và hướng dẫn thoát nạn, chưa cần yêu cầu phải có chữa cháy tự động nhưng báo cháy tự động thì bắt buộc phải có.

Ngoài ra cũng cần có những quy định bổ sung, chặt chẽ hơn về tập huấn, diễn tập các phương án thoát nạn trong những tình huống khẩn cấp xảy ra, để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho học sinh và mọi người trong trường học.

Bộ Xây dựng đang soát xét quy chuẩn kỹ thuật liên quan chiều cao trường học ảnh 4Giới hạn số tầng trường học có thể nới lỏng trong một số trường hợp

Về lâu dài thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nghiên cứu kỹ hơn đối với các vấn đề khác liên quan đến học sinh khi bố trí phòng học ở trên cao.

Ví dụ từ tầng 4 trở lên nếu không có thang máy thì sẽ rất bất tiện cho việc di chuyển lên xuống, nhưng nếu có thang máy thì đối với các cháu nhỏ thì khi vận hành cũng cần phải có quy định cụ thể.

Đối với các khu vực quy hoạch mới, mặc dù là nội đô như Hà Nội hoặc các đô thị lớn thì cần quan tâm bố trí quỹ đất để phát triển các cơ sở giáo dục phổ thông, cần chú ý đến dự phòng cho việc phát triển dân số để đảm bảo duy trì được tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy theo Quy chuẩn 06 năm 2010. Những nơi khác đất rộng mà không phải ở trong nội đô thì nên giữ quy định 04 tầng.

Cũng giống như nhà chung cư thì các nước phổ biến là cao 20 tầng, sang đến Đông Âu thì thấp hơn và sang Châu Âu thì còn thấp hơn nữa.

Ngay như Hồng Kông, Singapore thì nhà chung cư cũng chỉ cao 30 tầng. Nhưng ở Việt Nam thì cao 40 tầng cũng có, những chung cư cao tầng này dẫn đến việc vận hành, duy trì, đảm bảo an toàn cháy nổ, áp lực đè lên giao thông, lên hạ tầng xã hội là rất lớn

Theo tôi trường học hiện nay nên duy trì theo quy định 4 tầng, nhưng sẽ mở ra theo hướng mới là 5 tầng và cho phép các khu phụ trợ khác bố trí trên tầng cao.

Vấn đề nữa là an toàn sinh mạng, tiện nghi sử dụng cho học sinh và giáo viên thì phải tuân thủ Quy chuẩn số 05/ 2008 đã hướng dẫn như áp dụng điều hòa, thang máy…theo công nghệ mới thuận tiện cho giảng dạy và đảm bảo sức khỏe cũng như sự phát triển cho các em học sinh.

Với cương vị là Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), tôi sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý trường học công lập cũng như tư thục.

Chúng tôi sẽ tập hợp lại và báo cáo với Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng như các đồng chí lãnh đạo Bộ, để làm sao có cách tháo gỡ các vấn đề bất cập hiện nay về trường và lớp học, không những cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho các đô thị khác trong cả nước”.

Tùng Dương