Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học nhằm loại bỏ tư duy chạy đua bằng cấp

07/10/2019 06:42
Vũ Ninh
(GDVN) - Ý tưởng bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp Đại học hướng đến mô hình giáo dục mở; hạn chế tư duy chạy đua bằng cấp nhưng cần thực hiện đúng nếu không sẽ vỡ trận.

Ý tưởng hay, khó đến mấy cũng phải làm

Thực hiện theo điều 38 của Bộ Luật giáo dục Đại học, trong năm 2019 Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng: “Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân”.

Nếu chiếu theo thông tư mới này: Bằng Đại học mới sẽ không ghi loại hình đào tạo và không ghi mục xếp loại (Xuất sắc, giỏi, khá và trung bình) như hiện nay.

Chất lượng giáo viên cần chuẩn trình độ hơn chuẩn bằng cấp
Chất lượng giáo viên cần chuẩn trình độ hơn chuẩn bằng cấp

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về dự thảo thông tư này đã nổ ra tranh luận gay gắt trong dư luận xã hội.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tình trạng “cào bằng” bằng cấp.

Tuy nhiên, Giáo sư Phạm Tất Dong lại đánh giá: Đây là một ý tưởng mới nhằm hướng đến mô hình giáo dục mở; vận động người dân, công chức, viên chức, cán bộ, Đảng viên học tập suốt đời, học đi đôi với hành, học vì công việc và từng bước loại bỏ tư duy chạy theo bằng cấp.

Thầy Dong phân tích: “Việc không ghi loại hình đào tạo (chính quy, tại chức, liên thông, từ xa) nhằm hướng đến việc vận động toàn dân học tập suốt đời. Xu hướng chung hiện nay việc học không chính quy là cơ bản.

Điều này phù hợp với những đối tượng như công chức, việc chức, cán bộ, Đảng viên. 

Rõ ràng họ không còn cơ hội để quay lại trường học chính quy vì họ đã ra trường rồi cho nên phải học tập theo hệ thống (học tập) suốt đời, không chính quy”.

Thầy Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Thầy Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Giáo sư Phạm Tất Dong cũng nhấn mạnh: Nếu trình độ của người học là thật thì không được kỳ thị tấm bằng đó:

“Nếu phân biệt bằng chính quy, bằng tại chức, liên thông… là không đúng. Nếu người học đạt được tấm bằng đấy bằng trình độ thực thì chúng ta không được kỳ thị tấm bằng đó.

Trước đây có một số hiện tượng; không cần biết anh có giỏi hay không nhưng sử dụng bằng không chính quy cơ quan họ không nhận. 

Như vậy là không đúng, cái quan trọng phải căn cứ vào thực lực, trình độ nhận thức. Những cái đấy mới đúng với tinh thần động viên toàn dân học tập suốt đời. 

Nếu phân biệt người đào tạo chính quy, người học không chính quy thì làm sao vận động được toàn dân học tập suốt đời? 

Cho nên học tập không chính quy có hiệu quả cũng giống như học tập chính quy có hiệu quả phải coi như nhau, phải bình đẳng.

Bên cạnh đó, ý tưởng này cũng từng bước loại bỏ tư duy chạy theo bằng cấp như hiện nay. 

Tổng bí thư cũng đã từng nói: Phải bỏ cái lối tư duy chạy theo bằng cấp đi. Chỉ chạy theo bằng cấp còn người ta giỏi hay không cũng không cần biết”.

Bằng đại học sẽ không còn ghi loại hình đào tạo và có thể sẽ bỏ ghi mục xếp loại học tập (Ảnh: Công Tiến)
Bằng đại học sẽ không còn ghi loại hình đào tạo và có thể sẽ bỏ ghi mục xếp loại học tập (Ảnh: Công Tiến)

Tuy nhiên để đạt phát huy hiệu quả của ý tưởng này, theo thầy Phạm Tất Dong: Chất lượng đào tạo phải được nâng cao, cải thiện so với hiện nay nhất là đối với hệ tại chức.

Giáo sư Phạm Tất Dong phân tích: “Hiện nay chết một cái là đào tạo chính quy và không chính quy đều không phát triển một cách bình đẳng. 

Một bên, việc đào tạo chính quy cũng có hiện tượng mua bằng cấp, chạy chức, chạy quyền rất ác liệt.

Một bên anh học không chính quy thì cũng chỉ học lấy được, học để đáp ứng yêu cầu về mặt hình thức (điều kiện văn bằng).

Cho nên, hiện nay cả 2 anh này đều không được chứ không chỉ riêng đào tạo không chính quy. Thiết yếu nhất phải làm là nâng cao chất lượng đào tạo”.

Cũng theo Giáo sư Phạm Tất Dong, sắp tới việc triển khai hệ thống giáo dục mở có thể sẽ giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng của hệ đào tạo không chính quy hiện nay.

Điểm khác biệt của học tập không chính quy đó chính là không phải học trọn vẹn 4 năm hay 5 năm, 6 năm mà học viên cần cái gì thì sẽ học cái đó. 

Do vậy hệ thống giáo dục mở với các lớp học trực tuyến có thể sẽ bù đắp những thiếu sót trong các lớp tại chức, liên thông hiện nay.

Giáo sư Phạm Tất Dong nói: “Trong hệ thống giáo dục mở sẽ có các lớp học trực tuyến. Có những lớp chỉ 3-4 ngày nhưng có lớp sẽ học đến cả tháng hoặc vài năm.

Lối học mới sẽ theo hình thức tích lũy. Tức là người ta cần cái gì sẽ học cái đấy. Ví dụ như học chế tạo máy. 

Hôm nay anh học một chi tiết để sản xuất cái máy A. Ngày mai anh học để chế tạo cái máy B. 

Như vậy là anh thấy thiếu kiến thức gì anh sẽ học kiến thức đấy và tích lũy dẫn thành các tín chỉ.

Hình thức học trực tuyến, thi trên máy, chấm trên máy sẽ hạn chế được những tiêu cực như hiện nay từ đó đảm bảo chất lượng cho hệ không chính quy”.

Bỏ xếp loại trên bằng Đại học sinh viên cần loại bỏ tư duy chạy theo bằng cấp (Ảnh minh họa:vov.vn)
Bỏ xếp loại trên bằng Đại học sinh viên cần loại bỏ tư duy chạy theo bằng cấp (Ảnh minh họa:vov.vn)

Kết luận, Giáo sư  Phạm Tất Dong đánh giá: “Thông tư này nếu được ban hành cũng sẽ phục vụ cho ý tưởng có một môi trường giáo dục mở, vận động toàn dân học tập suốt đời và loại bỏ dần tư duy bằng cấp.

Tuy nhiên Bộ Giáo dục cần phải giải thích rõ ràng ý tưởng trên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để xã hội họ không hiểu lầm. 

Ý tưởng này sẽ thực hiện từng bước, dù khó nhưng chắc chắn phải làm được. Ngoài ra để thực hiện tốt, quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến việc học thực chất, học để biết, học vì công việc.

Trong tương lai, việc học chính quý sẽ không học ào ào như hiện nay. Mô hình giáo dục sẽ là mô hình mở, lớp học mở và cách thức giáo dục mở. Tuy nhiên điều cơ bản nhất là mỗi người phải tu dưỡng rèn luyện. 

Điều này cũng kích thích cán bộ, Đảng viên không chạy theo bằng cấp mà tập trung cải thiện năng lực và trình độ của mình”.

Người học nên thay đổi tư duy về việc học và bằng cấp

Nhiều ý kiến cho rằng: Việc không ghi xếp loại trên bằng Đại học sẽ dẫn đến tình trạng cào bằng.

Tuy nhiên, Giáo sư Phạm Tất Dong lại có suy nghĩ khác: “Phải hiểu đúng, bằng cấp của anh đối với việc học trong trường và yêu cầu của nhà trường có thể là xuất sắc nhưng khi vào doanh nghiệp chắc gì anh đã xuất sắc.

Tương lai nào cho các trường và sinh viên cao đẳng sư phạm?
Tương lai nào cho các trường và sinh viên cao đẳng sư phạm?

Khi vào doanh nghiệp anh phải đứng một cái máy mới, làm một công việc mới, công nghệ mới chắc gì anh đã xuất sắc hơn người khác.

Đặc biệt là đối với nghề thợ; việc đánh giá năng lực thông qua bằng cấp rất vô nghĩa. 

Vì anh có thể tốt nghiệp ở trường rất tốt như đối với một công việc có yêu cầu khác chưa chắc anh đã xuất sắc.

Phương châm của việc dạy nghề hiện nay: Đã đến lúc các doanh nghiệp không chú trọng đến việc anh học cái gì mà là anh học như thế nào và tôi có thể cải tạo (đào tạo) anh được hay không? 

Còn việc anh học ở trường như thế nào tôi không cần biết, các cơ quan họ thực sự chỉ quan tâm đối với những người đáp ứng tiêu chí tuyển dụng của họ”.

Do vậy, theo thầy Dong: Việc ghi xếp loại trong bằng cấp đã không còn quá quan trọng. Vì hiện nay khi vào các cơ quan, đơn vị tuyển dụng học sẽ lọc ứng viên thông qua những bài kiểm tra hoặc thử việc rồi mới quyết định thử việc

Thầy Phạm Tất Dong nói: “Trước đây quả thật nếu anh có bằng đỏ là vào người ta nhận luôn, người khác không có bằng đỏ là họ loại.

Tuy nhiên bây giờ không còn như vậy nữa, các doanh nghiệp họ sẽ thử ứng viên sau đó mới kết luận anh có phù hợp với công việc hay không?

Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta vận động toàn dân học tập suốt đời. Cho nên có thể hôm nay anh giỏi nhưng ngày mai chưa chắc, sẽ có người thay thế anh luôn”.

Sinh viên không nên quá lo lắng vì không được xếp loại trình độ trong bằng Đại học (Ảnh:giaoduc.net.vn)
Sinh viên không nên quá lo lắng vì không được xếp loại trình độ trong bằng Đại học (Ảnh:giaoduc.net.vn)

Giáo sư Phạm Tất Dong đưa ra lời khuyên: “Trong xu thế hiện nay, sinh viên không được tuy duy bằng cấp. 

Tư duy bằng cấp là tư duy lối mòn. Anh phải học để được tuyển dụng, việc tuyển dụng như thế nào là việc của các doanh nghiệp. 

Có thể anh rất giỏi trong trường nhưng khi đi làm họ yêu cầu nhiều tố chất mà anh không có là anh không được nhận.

Những anh nào học chính quy thường đề cao tấm bằng chính quy của mình lên.

Nhưng trong tuyển dụng nếu 2 người cùng đăng ký có thể anh có trình độ cao hơn nhưng lại thiếu nhiều phẩm chất họ yêu cầu như: tính nhẫn nại, sự kiên nhẫn, chịu khó thì chưa chắc họ đã nhận anh”.

Việc thay đổi tư duy trọng bằng cấp để phù hợp với xu thế tuyển dụng của các cơ quan và doanh nghiệp.

Vì hiện nay không phải doanh nghiệp nhận ứng viên vào là ta ung dung coi như xong đâu.

Họ sẽ đánh giá chúng ta trong cả một quá trình. Vì thế phải tư duy học để nâng cao trình độ, học vì công việc”.

Bên cạnh đó theo Giáo sư Phạm Tất Dong cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập tại nơi làm việc:

“Nếu đúng ra các cơ quan nên liên kết với các trường, các viện nghiên cứu khoa học. 

Sau đó các đơn vị kia sẽ gửi tài nguyên về cho cơ quan mình. Anh sẽ phải học tại cơ quan bằng tài nguyên đó. Như vậy là học tại nơi mình làm việc.

Sắp tới tôi cũng có đề nghị: Ngoài việc các trường nghề phải tuyển học viên cũng cần phải mở ra những lớp học nghề tại doanh nghiệp và đào tạo tại chỗ theo tinh thần học vì công việc”.

Vũ Ninh