Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức sinh, ngăn chặn nguy cơ "chưa giàu đã già"

09/10/2017 12:48
Trần Phương
(GDVN) - Việt Nam hiện đang là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số ở mức cao. Trước nguy cơ này, Bộ Y tế đã đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh.

Tại buổi khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 4/10 thảo luận nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, bộ máy và đời sống quan trọng. Trong đó chính sách về dân số được nhấn mạnh.

Theo đó, vấn đề được đặt ra là Việt Nam có nên tiếp tục duy trì chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con như hiện nay hay không. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh.

Phương án 1: Duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt. Theo phương án này, cơ quan chức năng sẽ vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt.

Những địa phương đang sinh nhiều con (hơn 3 con) thì vận động sinh ít đi để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn.

Ngược lại những nơi tỷ lệ sinh thấp thì vận động nâng mức sinh lên, như khu vực Đông Nam Bộ có tổng tỷ suất sinh chỉ đạt 1,7 con, tức là số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Phương án 2: Tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số.

Phương án 3: Cho đẻ thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí (hiện một nửa cấp miễn phí).

Cả 3 phương pháp này, theo các chuyên gia dân số, đều có mặt ưu và nhược điểm.

Thời gian gần đây, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số tương đối nhanh.

Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh (Ảnh minh họa: duonglaonhanai)
Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh (Ảnh minh họa: duonglaonhanai)

Theo thông tin từ Cục Dân số - Kế hóa gia đình, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số.

Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%.

Các con số cho thấy, tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam đang ở mức cao. Nhiều nước trên thế giới phải mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) như Australia: 73 năm, Hoa Kỳ: 69 năm, Canada: 65 năm… thì Việt Nam chỉ mất 22 năm.

Đánh giá về vấn đề già hóa dân số ở nước ta, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh.

Khác với các nước già hóa dân số khi đã giàu còn Việt Nam lại khác biệt, dân số đang già hóa nhanh chóng nhưng mức thu nhập lại thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay.

Tuy tuổi thọ tăng lên, nhưng người cao tuổi mắc bệnh chiếm khá cao. Theo thống kê, trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình; một người mắc 2,69 bệnh.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người cao tuổi vẫn phải lao động kiếm sống chiếm tỷ lệ cao đến gần 70%. Chỉ có khoảng 30% người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội, được hưởng lương hưu. Việc già hóa dân số nhanh đem lại nhiều thách thức cho Việt Nam.

Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức sinh, ngăn chặn nguy cơ "chưa giàu đã già" ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Sức khỏe là vốn quý nhất của con người”

Vì thế các chuyên gia khuyến nghị trong 22 năm trước khi dân số già, Việt Nam cần tận dụng thời gian để điều chỉnh chính sách nhằm giảm nhẹ các tác động do già hóa dân số gây ra; đặc biệt là cần chuẩn bị tiềm lực kinh tế, phát triển an sinh xã hội để chăm lo tốt nhất cho người cao tuổi.

Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh.

Tuy nhiên, pháp lệnh này khiến nhiều người dân hiểu sai là Nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con. Vì thế, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba tăng mạnh trở lại. Năm 2009 quy định này được sửa lại thành "Mỗi cặp vợ chồng nên có 1-2 con".

Gần đây do xu hướng giảm sinh tại một số tỉnh thành, ngành dân số có thông điệp linh hoạt hơn là khuyến khích "mỗi cặp vợ chồng nên sinh hai con".

Trần Phương