BS tiết lộ chuyện Tiến sĩ sinh con từ tinh trùng người chồng quá cố

06/01/2014 13:55
Quyết Nguyễn
(GDVN) - 4 năm trước, TS.BS Vệ đã biết việc lấy tinh trùng người chết để thụ tinh trong ống nghiệm là một ca đặc biệt. Nhưng tới nay, câu chuyện đó mới được tiết lộ.

Cặp song sinh đặc biệt sắp tròn 1 tháng tuổi

Gần 1 tháng trôi qua nhưng câu chuyện về sự ra đời một cách kỳ diệu của cặp song sinh Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải vẫn chưa ngừng lan tỏa và tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng xã hội.

Mọi người chú ý đến đến sự ra đời của 2 cháu Đức và Hải không chỉ bởi đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam có những đứa trẻ được sinh ra từ tinh trùng người đã mất nhiều năm trước đó, mà còn bởi đằng sau tiếng khóc chào đời của 2 đứa trẻ này còn là tình cảm thủy chung hiếm có của mẹ các cháu.

Bà mẹ ấy là chị Hoàng Thị Kim Dung (33 tuổi), một tiến sĩ hiện đang là giảng viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo lời chị Dung kể thì cách đây 4 năm, bố của cháu Hải và Đức là anh Hồ Sỹ Ngọc đã qua đời trong một tai nạn giao thông kinh hoàng. Anh Ngọc ra đi vào thời điểm chỉ sau hơn 1 năm kết hôn, chị Dung vừa mới sang Pháp bảo vệ luận án tiến sĩ về nước và đứa con gái đầu lòng của 2 người chỉ mới 6 tháng tuổi.

Tiến sĩ Vệ thăm mẹ con chị Dung tại bệnh viện Phụ sản Trung Ương.
Tiến sĩ Vệ thăm mẹ con chị Dung tại bệnh viện Phụ sản Trung Ương.

Trước khi qua đời, hai vợ chồng chị Dung thống nhất là sẽ sinh thêm con dù là gái hay trai. Chị Dung không muốn đi bước nữa, một phần là vì tình yêu thủy chung với chồng, một phần cũng vì sợ con mình sẽ bị đối xử tệ bạc.

Chính vì thế, bất chấp sự ngăn cản từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, cô tiến sĩ trẻ này đã quyết định nhờ các bác sỹ phẫu thuật tử thi và lưu giữ lại tinh trùng người chồng quá cố. Ngày 9/12 vừa qua, hai cháu Hải và Đức được sinh ra theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ chính tinh trùng người bố đã qua đời.

Trong những ngày gia đình cháu Đức và Hải đang chuẩn bị tổ chức mừng ngày đầy tháng cho cặp song sinh đặc biệt này, chúng tôi cũng đã có dịp gặp gỡ và trao đổi với TS.BS Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tại nơi làm việc của ông.

Bác sỹ Vệ chính là người được chị Dung tin tưởng mời tới phẫu thuật thi thể anh Hồ Sỹ Ngọc để lấy mẫu tinh trùng 4 năm về trước. Cũng chính vị bác sỹ này là người đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thành công giúp cho cặp song sinh ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của người thân và sự ngỡ ngàng của hàng triệu người Việt Nam.

Cuộc trao đổi giữa phóng viên và bác sỹ Vệ liên tiếp bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại hỏi thăm, chúc mừng của bạn bè và cả những cuộc gọi hẹn phỏng vấn của phóng viên các báo đài.

Bác sỹ Vệ cho biết, cặp song sinh Đức và Hải chào đời từ đầu tháng 12/2013, tới cuối tháng thì thông tin về trường hợp đặc biệt này được các báo đài biết đến và đưa tin. Từ đó đến nay, bác sỹ Vệ liên tục nhận được các cuộc gọi từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Trong đó, có người gọi tới chúc mừng, có người gọi tới là để xác nhận thông tin xem phải là sự thật hay không vì “điều đó kỳ diệu quá”.

Lần đầu tiên tại Việt Nam có trường hợp những đứa trẻ ra đời từ tinh trùng bố đã mất.
Lần đầu tiên tại Việt Nam có trường hợp những đứa trẻ ra đời từ tinh trùng bố đã mất.

“Một người đã chết 4 năm rồi mà vẫn sinh được con. Nghe qua thì khó tin thật đấy. Mi (tức mày theo giọng địa phương thân mật – PV) tài thật, mi làm sao mà giúp cho người chết sinh con được vậy?” một người bạn nói chuyện với bác sỹ Vệ qua điện thoại được bật loa ngoài.  

Cuộc điện thoại lạ và ca đặc biệt

Kể lại câu chuyện xảy ra vào 4 năm trước, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, hôm đó là ngày 20/3/2010, ông bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại lạ đề nghị tới khu vực Thanh Trì để lấy tinh trùng người đã mất để sau này làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Khi tới nơi, ông Vệ được biết anh Ngọc đã mất từ 6 tiếng trước đó, thi thể để trong môi trường bình thường chứ không được bảo quản lạnh. Ông Vệ đã nhanh chóng rạch lấy túi tinh hoàn bên phải của nạn nhân cho vào hộp bảo quản mang về ngân hàng tinh trùng bệnh viện chia làm 14 mẫu, lưu giữ ở nhiệt độ – 196 độ C.

Theo ông vệ, trên thế giới việc lấy tinh trùng từ thi thể người đã mất để sau này tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm là không nhiều, đối với trường hợp lấy từ thi thể đất mất được 6 tiếng lại càng hiếm. Riêng ở Việt Nam đây là trường hợp đầu tiên.

“Trong trường hợp người mất được nhiều tiếng đồng hồ, thi thể để trong môi trường bình thường mà tinh trùng vẫn sống như trường hợp chồng chị Dung là rất hiếm gặp. Điều đó chứng tỏ anh là người khỏe mạnh, không bệnh tật gì,” bác sỹ Vệ nói.

Cũng theo ông Vệ, thời điểm tới phẫu thuật lấy tinh trùng anh Ngọc, ông không biết chị Dung là ai. Thậm chí ông cũng không biết nơi phẫu thuật lấy tinh trùng lại là khuôn viên nhà xác của bệnh viện Thanh Trì. “Khi đó tôi chỉ nghĩ đó là một cái sân kho nào đó. Sau này khi báo chí đưa tin, xâu chuỗi lại sự việc thì tôi mới biết nơi đó là nhà xác,” bác sỹ Vệ cho biết.

Ông Vệ cũng chia sẻ rằng, ngay khi nhận được cuộc điện thoại đề nghị đi lấy tinh trùng người mất, ông đã biết đó sẽ là một ca đặc biệt. Một tuần sau ngày đưa tang chồng, chị Dung đã đến bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để kiểm tra mẫu tinh trùng. Khi đó chị vẫn quyết tâm lưu giữ tinh trùng chồng để sau này sinh thêm con.

Tiến sĩ Vệ trao đổi với phóng viên.
Tiến sĩ Vệ trao đổi với phóng viên.

Sau lần đó, cứ khoảng nửa năm chị Dung lại đến bệnh viện một lần để kiểm tra tình trạng tinh trùng. Mỗi lần đến bệnh viện, bác sỹ Vệ lại hỏi xem chị có thay đổi ý định hay không. Những cuộc gặp gỡ như vậy thường kéo dài không quá 2 phút.

“Tôi chỉ hỏi xem chị ấy có thay đổi quyết định hay không chứ không hỏi về hoàn cảnh gia đình và cũng không đưa ra lời khuyên nào. Trong suốt những lần gặp gỡ đó, chị Dung đều khẳng định rằng không bao giờ thay đổi quyết định,” ông Vệ cho hay.

Tới đầu năm 2013, 3 năm sau ngày chồng mất, chị Dung đã tới bệnh viện Nam học và Hiếm muộn để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Việc thụ tinh và chuyển phôi được tiến hành suôn sẻ, sau hơn 9 tháng mang thai, đầu tháng 12 vừa qua, chị Dung đã sinh hạ một cặp song sinh khỏe mạnh.

Nhận bố đỡ đầu và hỗ trợ cặp song sinh

Nhận xét về con người chị Dung, bác sỹ vệ nói: “Khi nhận được đề nghị lấy tinh trùng, tôi chưa biết chị Dung là người phụ nữ như thế nào. Tôi chỉ biết chị ấy còn rất trẻ. Qua quyết định sinh thêm con cho chồng tôi đã thấy chị ấy là một người phụ nữ tuyệt vời.

Tới gần ngày chị Dung sinh thì tôi mới biết chị đã có bằng tiến sĩ từ mấy năm trước, khi chị chưa đầy 30 tuổi. Điều đó càng khiến người ta phải khâm phục cô gái này. Với trình độ học vấn cao, đi du học nước ngoài, tuổi đời còn trẻ… Dung hoàn toàn có thể đi bước nữa.

Tuy nhiên, chị đã quyết định sinh thêm con với người chồng đã mất. Điều đó xuất phát từ lòng thủy chung hiếm có mà không phải người phụ nữ nào cũng làm được. Chính chị Dung là mẫu người tiêu biểu, chị đã tôn vinh vẻ đẹp, đức hạnh người phụ nữ Việt Nam.”

Ngay từ đầu mọi thứ đã được chúng tôi lên kế hoạch chi tiết từ việc giảm chi phí cho chị Dung, tới việc hỗ trợ chị chăm sóc cho các cháu bé sau này. Theo bác sỹ vệ, chi phí cho một ca thụ tinh trong ống nghiệm vào khoảng 60 triệu đến 80 triệu đồng. Tuy nhiên, do là một ca đặc biệt nên phía bệnh viện đã giảm khá nhiều chi phí dịch vụ cho chị Dung.

Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - nơi chị Dung tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - nơi chị Dung tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

Đặc biệt, sau khi cặp song sinh chào đời, bác sỹ Vệ đã tới thăm hỏi và được gia đình đồng ý nhận làm bố đỡ đầu cho 2 cháu. Được biết phía bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ gia đình nuôi dưỡng cặp song sinh đặc biệt này trong tương lai.

“Tuy nhiên, việc hỗ trợ các cháu như thế nào thì xin phép được không tiết lộ. Bởi không ai nói trước được tương lai cả. Trước hết, phải xem mình còn sống được để thực hiện những điều đó hay không? Liệu mình làm điều đó có được tốt hay không? Phải làm được gì đó cho các cháu rồi mới nói được,” bác sỹ Vệ chia sẻ.

Khi được hỏi, tại câu chuyện về chị Dung không được tiết lộ từ 4 năm trước hoặc trong thời gian người phụ nữ này mang thai, bác sỹ Vệ nói: “Như tôi cũng đã nói, có những chuyện có khi nói trước bước không qua. Những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm, không phải ca nào cũng thành công. Trường hợp chị Dung lại là trường hợp rất đặc biệt, chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Vì vậy chúng tôi phải hết sức cố gắng và thận trọng. Tới khi thành công chúng tôi mới công bố được.”

Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng khẳng định rằng, trong tương lai, nếu gặp những trường hợp tương tự như vợ chồng chị Dung, ông cũng sẵn sàng làm tròn trách nhiệm của một người bác sỹ. Ông cũng mong rằng khi đó Việt Nam sẽ có hành lang pháp lý đầy đủ liên quan đến những trường hợp như vậy./.

Quyết Nguyễn