Bức thư "nghỉ hưu" của cô giáo dạy Văn gây xúc động mạnh

28/05/2015 08:26
Nguyễn Thị Nhung
(GDVN) - “Trong buổi chia tay này có rất nhiều điều cô muốn nói với các em, nhưng rồi chẳng nói được nhiều, chỉ biết rằng cô rất nhớ các em”.

LTS: Bài viết này là bức thư của cô giáo Nguyễn Thị Nhung, giáo viên dạy văn, kiêm nguyên hiệu phó trường THCS xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) nói với học trò của mình nhân ngày cô nghỉ hưu.

Bức thư mà cô Nhung viết gửi tặng học trò của mình chứa chan tình cảm của  một người nhà giáo tận tâm với nghề, trăn trở với sự nghiệp giáo dục. Hơn lúc nào hết trong thâm tâm của cô Nhung, hình ảnh các em, những giờ lên lớp sẽ vẫn đọng lại như là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời nhà giáo.

Tòa soạn trân trọng  giới thiệu cùng độc giả bức thư có tên “Thư chia tay học sinh thân yêu”.

Các em học sinh yêu quý!

Thấm thoắt một năm học mới lại trôi qua, hoa phượng lại nở đỏ rực thắm tươi trong cái nắng vàng mùa hạ, tiếng ve ngân đang réo gọi hè về.

Năm nay là năm thứ 32, cô giáo được dự tổng kết năm học dưới mái trường THCS Phúc Lâm thân yêu này!

Trong suốt 32 năm qua, đó là cả một khoảng thời gian dài ghi dấu cả cuộc đời dạy học của cô. 

Cô còn nhớ, ngày mới nhận công tác về trường cô mới bước sang tuổi 23 – cái tuổi mà sức khỏe và niềm háo hức mới bước vào nghề có nhiều sinh lực lắm. 

Cô giáo Nguyễn Thị Nhung.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhung.

Vậy mà thoáng cái, đến nay cô đã bước sang tuổi 55, tuổi xế chiều của một đời người. Mái tóc xanh ngày xưa nay đã điểm nhiều sợi bạc. tính đến nay, cô đã đủ tuổi nhà nước cho về nghỉ hưu và cũng là lúc tuổi cô đã cao, sức khỏe cô đã yếu đi nhiều. 

Cô về nghỉ ngơi với mái ấm gia đình riêng của mình, cô không còn cơ hội để đến trường, để cùng thầy cô và các em chung vai gánh vác sự nghiệp dạy và học dưới mái trường thân yêu này.

Trong suốt 32 năm công tác, cô cũng đã cố gắng rất nhiều, lúc khỏe mạnh hay những lúc ốm đau, lúc là giáo viên hay là một lãnh đạo cô luôn làm việc hết mình, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xã nhà. 

Nay làm tròn trách nhiệm của mình, cô rất hài lòng về những năm tháng đã sống, đã làm việc, đã cống hiến. Cô không còn gì phải ân hận và hối tiếc về những năm tháng đã qua. Cô về chỉ có một điều làm cô trăn trở, đó là nhớ trường, nhớ đồng nghiệp, nhớ học trò, nhớ những ngày bận rộn đã qua. 

Các em có biết không, suốt trong 32 năm qua, để lại trong cô biết bao kỉ niệm với học trò: Bao tiết giảng bài say sưa không biết mệt, bao đêm miệt mài bên trang giáo án, bao niềm vui sướng khi được thấy các trò đạt được thành tích cao trong học tập, bao nỗi niềm nghĩ suy, trăn trở khi học trò của mình chưa ngoan, chưa tiến bộ.

Bao những khó khăn, gian khổ cô cùng trò đã vượt qua…Tất cả đều lưu giữ trong cô và trở thành những kỉ niệm không thể nào quên trong phần đời còn lại của cô.

Các em yêu quý!

Phải nói rằng sự nghiệp “ trồng người” của cô đã cống hiến trọn vẹn cho quê hương Phúc Lâm. Hầu hết cô đã giảng dạy cả hai thế hệ, có nhiều gia đình, cả bố mẹ, con cái đều là học sinh của cô. 

Từ mái trường này, đã có nhiều thế hệ học sinh trưởng thành và làm đủ các ngành nghề trong xã hội. Có nhiều em đã lên ông, lên bà trong gia đình của mình. Cô rất vui, trong sự trưởng thành của các em có một phần đóng góp rất nhỏ bé của cô.

Trong buổi chia tay này có rất nhiều điều cô muốn nói với các em, nhưng rồi chẳng nói được nhiều, chỉ biết rằng cô rất nhớ các em.

Tình cảm của cô dành cho các em cô sẽ gửi trọn trong bài thơ “Lời nhắn gửi” – các em hãy coi đây là món quà tặng của cô trước khi cô về nghỉ hưu các em nhé!

LỜI NHẮN GỬI

Mới đó mà nay đã ba mươi hai năm rồi đó nhỉ

Dòng thời gian thấm thoắt thoi đưa

Ba mươi hai năm ấy biết bao là kỉ niệm

Sống hồn nhiên thân thiết với học trò

Những năm tháng cùng trò bên trang vở

Những phong trào tất bật thật là vui

Những bài dạy say sưa trên bục giảng

Bụi phấn đã bám dày bức tường vôi

Bao gương mặt học trò cô sao nhớ hết

Như con đò sao nhớ nổi khách sang sông.

Tóc cô bạc màu thời gian gợi bao nỗi nhớ

Phượng đỏ ngoài kia vẫn cứ nở vô tình

Mai cô về sân trường cũ nằm đau

Hay nỗi nhớ lấp vùi theo cát bụi

Dấu chân cô in dày nơi ngưỡng cửa

Lời cô giảng bài trang vở cũ còn vương

Cô về buồn ngẩn ngơ thả hồn theo nỗi nhớ

Kỉ niệm ùa về thắm mãi chẳng hề phai

Cô muốn gọi sao lòng đau nghẹn ứ

Cô về rồi, nhớ quá học trò ơi!
                      ***
Nay xa cách có đôi lời nhắn gửi

Tới các em - Tất cả học trò yêu:

Rồi các em một ngày sẽ lớn

Sẽ bay xa đến tận cùng trời

Có bao giờ nhớ lại các em ơi

Mái trường xưa một thời em đã sống

Nơi đã đưa em lên tầm cao ước vọng

Vị ngọt đầu đời bóng mát ca dao

Thuở học về cái nắng xôn xao

Lòng thơm nguyên như màu mực mới

Dẫu biết rằng những tháng ngày sắp tới

Cô trò mình đã đến lúc chia xa

Sao lòng cô canh cánh nỗi thiết tha

Muốn gửi các em đôi lời nhắn nhủ

Một lời khuyên biết thế nào cho đủ

Các em mang theo mỗi bước hành trình

Các em lúc nào cũng nhớ đừng quên

Sống cho xứng với lương tâm phẩm giá

Rồi các em mỗi người đi mỗi ngả

Chim tung trời bay bổng khắp bốn phương

Dù đi đâu làm gì luôn phải nhớ

Đừng bao giờ quên ân nghĩa mái trường này.


Phúc lâm, ngày 25 tháng 5 năm 2015

Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan nghênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục...viết bài cộng tác cùng Tòa soạn.

Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh...); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi.

Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền. 

Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bài viết xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.

Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Thị Nhung